Lặng lẽ ươm mầm
Khi đến Việt Nam, RtR hoạt động với 2 chương trình song song là “Hỗ trợ phát triển ngôn ngữ cho học sinh tiểu học” và “Hỗ trợ giáo dục cho nữ sinh”. Trong đó, chương trình đầu tiên được xem là trọng tâm của tổ chức phi lợi nhuận này với mục tiêu chính là hỗ trợ học sinh tiểu học trở thành những người đọc độc lập. RtR đã thiết lập mô hình thư viện thân thiện tại trường tiểu học ở 17 tỉnh thành trên cả nước như: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cà Mau, Lạng Sơn…
Thông thường, RtR hỗ trợ về kỹ thuật, một phần nguồn sách, tập huấn cho giáo viên và nhân viên thư viện… để thành lập thư viện thân thiện. Điểm mấu chốt của chương trình là làm thế nào để gia đình, cộng đồng và chính quyền địa phương cùng nhau tham gia vào quá trình thiết lập và vận hành thư viện. Trong thời gian 3 năm, RtR đồng hành với nhà trường trong việc theo dõi và tiếp tục hỗ trợ các hoạt động tại thư viện. Kết thúc thời gian đó, RtR sẽ rút khỏi dự án, trao quyền hoạt động hoàn toàn cho nhà trường. Hiện tại, có 2 địa phương là TP Cần Thơ và TPHCM đã kết thúc dự án.
Theo bà Nguyễn Diệu Nương, Giám đốc RtR Việt Nam, đến nay chưa có thư viện nào ngưng hoạt động sau khi RtR rời đi. Đa phần thư viện đều được duy trì bền vững, thậm chí địa phương còn phát triển và nhân rộng mô hình này. “Hiện ở 17 tỉnh thành mà RtR đã triển khai mô hình thư viện thân thiện, các địa phương này đã bố trí và nhân rộng thêm 588 thư viện khác”, bà Diệu Nương cho biết.
Tính đến năm 2018, tổ chức RtR đã thiết lập được 1.357 thư viện, xuất bản 147 tựa sách tranh dành cho học sinh lớp 1, lớp 2 và cung cấp hơn 1,6 triệu cuốn sách cho các thư viện.
Thị trường xuất bản của
Việt Nam ngày càng trở nên sôi động và phong phú hơn; tuy nhiên, thực tế cho thấy đang có một khoảng trống khá lớn trong phân khúc sách dành cho trẻ từ 7 tuổi trở xuống. Đây rõ ràng là vấn đề lớn, cần có sự nhìn nhận của các ban ngành liên quan. Bởi chúng ta đang hô hào xây dựng văn hóa đọc nhưng lại quên đi công việc ươm mầm. Ngay ở độ tuổi 3 - 7, nếu không tạo được cho các em thói quen đọc sách thì dần lớn lên, chúng ta sẽ phải rất khó khăn để hình thành thói quen này cho các em. Vì vậy, việc thiết lập mô hình thư viện thân thiện của RtR với những kết quả thu được có thể xem như một tín hiệu vui cho sự hình thành văn hóa đọc sau này.
Cô Phan Thị Huyền Nhân, giáo viên chủ nhiệm lớp 4C, Trường Tiểu học Cầu Khởi A, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, chia sẻ: “Trường chúng tôi bắt đầu triển khai mô hình thư viện thân thiện từ năm 2017. Sau hơn 1 năm, có nhiều chuyển biến rõ rệt, học sinh rất hào hứng và thích thú với việc đọc sách. Nhiều em rất mong chờ tham gia tiết đọc thư viện. Đặc biệt, có một số vấn đề mà các em quan tâm hay đang thắc mắc, giờ đây các em có thể không cần đến sự hỗ trợ của giáo viên mà lên thư viện tra cứu sách để tìm đáp án cho mình”.
Đồng hành cùng ngành giáo dục
Thực tế cho thấy, mô hình thư viện thân thiện rất dễ áp dụng. Các trường có điều kiện kinh tế và hoàn cảnh khác nhau đều có thể vận dụng mô hình này. Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng hào hứng. Đó chính là khó khăn cho RtR trong việc mở rộng mô hình thư viện thân thiện. “Có những trường mà RtR cảm thấy phải đợi thêm khoảng thời gian nữa mới có thể tham gia chương trình”, bà Diệu Nương cảm nhận.
Hiện Việt Nam có 15.000 trường tiểu học nhưng số lượng thư viện RtR thiết lập cùng với thư viện nhân rộng mới chỉ chiếm xấp xỉ 10% trong tổng số trường tiểu học tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Chính vì vậy, để hành trình ươm mầm đạt được hiệu quả tốt hơn, từ năm 2018, RtR đã chọn cách “bắt tay” cùng Bộ GD-ĐT giới thiệu mô hình thư viện thân thiện rộng khắp tại các tỉnh thành.
Vào tháng 6 năm 2018, RtR đã phối hợp cùng Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo “Xây dựng văn hóa đọc và phát triển mô hình thư viện thân thiện trường tiểu học”. Đây được xem là bước quan trọng để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết số 29 -NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15-3-2017 của Chính phủ về phát triển văn hóa đọc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cũng như biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” giai đoạn 2016-2020, ký giữa Bộ GD-ĐT và tổ chức RtR.
Bà Nguyễn Diệu Nương chia sẻ: “RtR cam kết đồng hành với Bộ GD-ĐT hướng tới mục tiêu là mỗi học sinh tiểu học tại Việt Nam khi đến trường sẽ có được một môi trường đọc thân thiện; tiếp cận được với sách truyện có chất lượng; có thời gian và sự hướng dẫn của thầy cô, cha mẹ để phát triển thói quen đọc, một yếu tố quan trọng của học tập suốt đời”.