Rừng ngập mặn Cần Giờ bị xâm hại nghiêm trọng

Theo Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM, do ảnh hưởng của chế độ thủy triều (chế độ bán nhật triều không đều) với biên độ triều trung bình khoảng 2m và khi triều cường cao 4m, phần lớn tài nguyên đất của vùng ven biển Cần Giờ bị ngập. Dự báo đến năm 2020, do tác động của biến đổi khí hậu, đất vùng ven biển thành phố sẽ bị ngập thêm khoảng 545ha và tăng lên 1.067ha vào năm 2070.

Hiện tại, để hạn chế tình trạng ngập mặn vùng đất khu vực Cần Giờ, thành phố đã không cho phép khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép vẫn thường xuyên xảy ra. Trong các năm 2013-2015, lực lượng chức năng đã phát hiện khoảng 13 vụ khai thác và vận chuyển cát trái phép, tăng gấp 4 lần so với những năm trước đây. Tình trạng khai thác gỗ lậu cũng thường xuyên xảy ra, chỉ tính riêng trong năm 2015, các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra, xử lý 45 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng. Mặt khác, việc khai thác nguồn lợi thủy sản bao gồm các hình thức đánh bắt xa bờ, khai thác ven bờ và khai thác nguồn lợi từ rừng của người dân cũng không ngừng tăng lên. Toàn huyện Cần Giờ có 41 phương tiện khai thác xa bờ, 1.318 phương tiện khai thác ven bờ, sản lượng khai thác bình quân 24.800 tấn/năm. Điều này khiến cho nguồn lợi thủy sản từ tự nhiên ngày càng suy giảm.

Theo TS Nguyễn Thanh Hùng, Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM, sở dĩ nguồn tài nguyên và môi trường của vùng biển TPHCM đang bị cạn kiệt là do thành phố chưa quan tâm nghiên cứu, điều tra, đánh giá cơ bản và tổng thể thực trạng khai thác vùng ven biển. Ngoài ra, sự thiếu phối hợp, liên hệ với nhau trong việc khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường chung của vùng này đã phát sinh nhiều tác động xấu cho nguồn tài nguyên, môi trường. Không dừng lại ở đó, vùng ven biển thành phố là nơi tiếp nhận một lượng nước thải rất lớn từ các khu công nghiệp và khu dân cư, từ các hoạt động giao thông như nước thải, dầu, mỡ từ tàu, thuyền, các sự cố trong giao thông thủy cũng gây ra tác động không nhỏ đến các nguồn tài nguyên, nhất là nguồn tài nguyên sinh vật.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS-TS Lương Văn Thanh, Viện trưởng Viện Tài nguyên biển Việt Nam cho biết giải pháp quan trọng hiện nay là phải phát triển hợp lý, hài hòa lợi ích kinh tế tổng hợp vùng ven biển giữa các ngành; khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng ven biển hướng đến phát triển bền vững; nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm chênh lệch giữa vùng trung tâm đô thị và vùng nông thôn ven biển; giữ gìn và bảo vệ giá trị cảnh quan, sinh thái, đa dạng sinh học, gìn giữ vùng đệm ven biển là các cồn cát và bãi biển Cần Giờ; bảo vệ, giữ gìn chất lượng không khí, đất và các nguồn nước mặt, nước biển ven biển; thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng vào các hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường vùng ven biển, cũng như các quá trình lập kế hoạch, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên và không gian vùng ven biển.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cũng cho biết sở sẽ sớm đề xuất thành phố khắc phục tính phân tán trong cách tiếp cận quản lý ngành tài nguyên - môi trường nói chung hiện nay. Mặt khác, củng cố, hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật, góp phần vào quá trình hoàn thiện và vận hành thông suốt thể chế quản lý tổng hợp, thống nhất vùng ven biển và thực hiện có hiệu quả chiến lược quốc gia về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển. Hạn chế đến mức thấp nhất xung đột giữa bảo vệ, bảo tồn với khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế; tạo lập sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân cư ven biển; tăng cường năng lực và khả năng ứng phó sự cố môi trường, thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của các tổ chức xã hội và cộng đồng vào các hoạt động quản lý và bảo vệ, quy hoạch, khai thác tài nguyên và môi trường vùng ven biển.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục