Rừng quốc gia ở ĐBSCL phập phồng lo “bà hỏa”

Kêu gọi người dân không đốt thả đèn trời
Rừng quốc gia ở ĐBSCL phập phồng lo “bà hỏa”

(SGGP-12G).- ĐBSCL đang vào cao điểm nắng hạn, hàng chục ngàn héc ta rừng tràm đang ở cấp báo cháy nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Các địa phương có rừng, nhất là các vườn quốc gia, đang huy động lực lượng túc trực 24/24 giờ để canh chừng… “bà hỏa” viếng thăm.

Vùng “khô khát” lan rộng

 

Năm 2008, Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp xảy ra 10 vụ cháy làm thiệt hại 330ha rừng tràm và đồng cỏ. Hiện tại, nơi đây đang vào cao điểm nắng nóng, nguy cơ cháy rừng tràm đang ở mức rất cao.

Cháy rừng tràm luôn là mối đe dọa trong thời điểm nắng nóng hiện nay ở ĐBSCL

Cháy rừng tràm luôn là mối đe dọa trong thời điểm nắng nóng
hiện nay ở ĐBSCL

Ông Võ Thành Dư, Phó Giám đốc VQG Tràm Chim, nhận định: “Thời tiết năm nay có phần không thuận lợi, nắng nóng bất thường gây khó khăn cho việc quản lý, phòng chống cháy rừng (PCCR).

Hiện nhiều khu vực rừng có nguy cơ cháy cao như Khu A1 (gồm gò Tre, gò Trâu, gò Vịt, gò Lau Vôi); khu A2, khu A4 (gò Lung Sơn) và khu A5… Trong đó, khu A2  là nguy hiểm nhất vì mật độ tràm rất dày, nếu xảy ra cháy lớn sẽ rất khó chữa”.

Tại VQG U Minh Thượng, hơn 8.000ha rừng vùng lõi cũng đang ở mức báo cháy cấp II, riêng Tiểu khu 47 đạt cấp III, lớp thực bì đã khô trên nền than bùn, rất nguy hiểm. Vùng đệm khoảng 13.000ha thuộc 2 xã Minh Thuận và An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng) có mức báo cháy cấp III, riêng khu vực kinh 16 và 17 đã lên cấp IV.

Nguy hiểm nhất hiện nay là rừng U Minh Hạ (Cà Mau) vì diện tích khô hạn rất rộng. Chỉ cần một tàn thuốc nhỏ hoặc một tia “nẹt lửa” từ thiết bị xuyệt điện bắt cá… cũng sẽ gây ra cháy lớn. Ông Nguyễn Văn Hải, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, cho biết: “Những ngày này, cánh rừng U Minh Hạ luôn trong sức nóng 34-350C. Đến nay, toàn lâm phần U Minh Hạ với khoảng 53.000ha thì có gần 25.000ha khô hạn, trong đó 12.000ha có mức báo cháy cấp IV và V”.

Giám đốc Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ (Cà Mau) lo ngại: “Nắng và gió mấy ngày qua càng mạnh thêm trong khi mực nước dưới chân rừng đang rút và bốc hơi rất nhanh. Vài ngày qua mưa nhỏ làm trôi phèn trên lớp thực bì khiến tình hình càng nguy hiểm hơn”.

Thời điểm cam go 

 Đến nay, các địa phương đã sẵn sàng phương án PCCR với sự tập trung cao độ nhưng vẫn không khỏi lo ngại “bà hỏa” viếng thăm bất tử. Ban quản lý VQG Tràm Chim bố trí người trực 24/24 giờ tại 7 chòi canh lửa. Phương tiện PCCR được huy động tối đa gồm la bàn; máy định vị (GPS); 21 máy chữa cháy; 4 máy cưa, cắt cỏ; 166 bình xịt chữa cháy; 21 bàn cào dập lửa cũng như bảo vệ nguồn nước tại 18 hồ, đìa để chống cháy.

Tại các khu vực giáp ranh với VQG, ngoài việc tuyên truyền giáo dục người dân về ý thức bảo vệ rừng, chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm còn xây dựng nhiều đội PCCR để sẵn sàng ứng cứu khi có “sự cố” xảy ra.

Giám đốc VQG U Minh Thượng, Nguyễn Văn Hưởng, cho biết: “Hiện đơn vị đã bố trí người trực 24/24 giờ tại các khu vực có nguy cơ cao; hạn chế du khách vào sâu trong vùng lõi. Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tại VQG còn trang bị cả máy định vị phục vụ phòng chống cháy. Đã vận động, tập huấn PCCR cho hàng ngàn người dân tại 2 xã vùng đệm. Đến đầu tháng 4, mỗi ngày có gần 200 người trực canh lửa trên khắp các tuyến kênh trong vùng đệm”.

Trong khi đó, tại Tứ giác Long Xuyên - nơi có hơn 40.000ha rừng sản xuất, phòng hộ đã khô nước - chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm đã trực tiếp kiểm tra, tập huấn và yêu cầu các chủ rừng (cá nhân, doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã) phải cam kết thực hiện đầy đủ phương án phòng chống cháy.

Theo ông Nguyễn Văn Hải - Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm Cà Mau - hiện lực lượng trực chiến phòng chống cháy rừng được huy động đến 330 người và 2.294 người dự bị. Đặc biệt, 11 tổ máy tại khu rừng đặc dụng Vồ Dơi -VQG U Minh Hạ luôn trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu”.

Cơ quan Kiểm lâm vùng III (thuộc Cục Kiểm lâm) đã tăng cường 3 tổ máy hỗ trợ phòng chống cháy tại khu rừng đặc dụng Vồ Dơi. Mới đây, Nhật Bản đã tài trợ cho 6 máy bơm chuyên dụng và 9.000m ống dây dẫn nước chống cháy. Đáng mừng là từ đầu mùa khô đến nay tại Cà Mau chưa xảy ra cháy rừng nhưng đây mới là thời điểm cam go nhất.

Kêu gọi người dân không đốt thả đèn trời 

UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành công văn kêu gọi người dân không đốt, thả đèn trời. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tập trung kiểm tra, kịp thời phát hiện, giáo dục và tuyên truyền về nguy cơ cháy, nổ do đốt thả đèn trời, nhất là trong các dịp lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc Khmer…

Bình Đại 

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục