Nhìn khái quát, Quy định số 69 là sự kế thừa, kết tinh và phát triển mang tính tổng thể, toàn diện ở một tầm mức mới nhằm giải quyết vấn đề vừa chiến lược vừa nóng bỏng trong hệ thống các quy định của Đảng trên phương diện này gồm: Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị khóa XII “Về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”; Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị khóa XII “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” và Quy định 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị khóa XIII “Về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”.
Để bảo đảm những điều kiện cần và đủ thực thi Quy định số 69, trong số các quyết sách của Đảng ở các tầm mức khác nhau, nổi bật là 3 quy định mang tầm vóc các động lực chủ yếu và quan trọng: Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII “Về những điều đảng viên không được làm” và Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”.
Nếu Quy định số 205-QĐ/TW là tuyên ngôn về những thách thức và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống sự tha hóa, thoái hóa quyền lực của cán bộ, thì Quy định số 69-QĐ/TW là cương lĩnh hành động mang tính rường cột về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, là yêu cầu của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị. Đó cũng chính là sự đáp lại đòi hỏi phát triển của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ; đồng thời là nhân tố cơ bản trực tiếp góp phần xây dựng và phát triển vị thế, sức mạnh, uy tín và danh dự của Đảng - là người lãnh đạo, cầm quyền, vì công cuộc đổi mới, vì hạnh phúc của nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự chú ý đặc biệt tới vấn đề kỷ luật và gìn giữ kỷ luật của Đảng. Người khẳng định: “Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của cán bộ, đảng viên. Kỷ luật của Đảng là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác”. Và, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiên định: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.
Mục tiêu thi hành kỷ luật của Đảng ta là nhằm xây dựng và phát triển kỷ luật tự giác và nhân văn. Do đó, việc thực thi Quy định số 69, tiếp tục quán triệt phương châm bao trùm là phải từ ý chí và quyết tâm của toàn Đảng nhằm bảo đảm sự đoàn kết thống nhất, tập trung cao trong Đảng trên nền tảng phát huy dân chủ, phát huy tính tích cực và sáng tạo của toàn thể đảng viên và các tổ chức của Đảng. Theo đó, luôn bảo đảm thống nhất và gắn bó mang tính chỉnh thể, đồng bộ với những quy định của Đảng trên phương diện tổ chức bộ máy và cán bộ thật sự công minh, bình đẳng và trong sáng, với tinh thần Đảng cương nghiêm ngặt, Quốc pháp vô thân, vì sự vững mạnh, trong sạch của Đảng và của hệ thống chính trị. Cấp ủy các cấp và lãnh đạo các cấp hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ những người đứng đầu nhất định phải là những tấm gương tiên phong đoàn kết và thống nhất, dân chủ và kỷ cương nhằm vừa giữ nghiêm kỷ luật vừa giữ tròn trách nhiệm, vừa bảo vệ pháp luật vừa thấm đẫm nhân văn; đồng thời đề phòng và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả những lối nghĩ cục bộ, lối hành xử thiển cận, tư túng, hẹp hòi làm vô hiệu hóa kỷ luật và làm phân tâm sự tự giác của đảng viên, làm băng hoại sự thiện lương của cán bộ.