Rụt rè đổi mới sáng tạo

Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo để phát huy tốt hơn cơ hội cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) nói riêng và tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong bối cảnh các động lực truyền thống đang chậm lại vẫn luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, dường như các doanh nghiệp, quỹ đầu tư vẫn còn khá rụt rè.

Rụt rè đổi mới sáng tạo

Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động. Trong Báo cáo chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế (tăng 2 bậc so với năm 2022), đồng thời được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Đáng nói là các tổ chức quốc tế như UNDP, USAID, JICA, GIZ… hay các tập đoàn quốc tế như Google, Meta đều đã có những sáng kiến và chương trình khác nhau. Đặc biệt, số vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam giai đoạn 2023-2025 là 1,5 tỷ USD và tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 3 năm 2023-2025 dự kiến đạt tới 5 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Huy nhấn mạnh, các chỉ số xếp hạng khoa học của Việt Nam còn thấp và không ổn định. Chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) của Việt Nam năm 2023 xếp hạng 66, không có sự cải thiện so với các năm trước. Việc xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao ở Việt Nam phụ thuộc vào một số nhà máy của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, như Samsung (Hàn Quốc), cốt lõi công nghệ chưa phải do Việt Nam sáng tạo.

Sự rụt rè trong đầu tư cho đổi mới sáng tạo cũng không khó lý giải, khi mà các cơ quan hành chính chưa thực sự xây dựng được văn hóa đổi mới sáng tạo. Thiếu vắng sự hỗ trợ của tổ chức và sự cam kết đổi mới mạnh mẽ từ lãnh đạo các cấp; đặc biệt là của người đứng đầu các cơ quan nhà nước, rất khó khắc phục tâm lý đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai sót của một bộ phận cán bộ công chức. Một khi tổ chức không thực sự coi trọng, tôn vinh xứng đáng những ý tưởng, sáng kiến mới thì động lực đổi mới của nhân viên trong tổ chức sẽ bị triệt tiêu.

Thực tế, đổi mới sáng tạo chỉ có thể “đơm hoa kết trái” khi được nuôi dưỡng trong một hệ sinh thái, nghĩa là phải có sự đồng bộ, thống nhất của tất cả thành phần có liên quan, tạo nên chuyển động nhịp nhàng của toàn xã hội.

Tin cùng chuyên mục