Ai cũng biết, sách là một nguồn lực thúc đẩy sự phát triển văn hóa. Sách có vai trò quan trọng trong sự phát triển nhân loại, một “món ăn” tinh thần, một “nguồn dinh dưỡng” của tri thức. Giá trị của sách trong việc hình thành, phát triển nhân cách và trí tuệ con người là điều không thể bàn cãi. Trước đây, trong một thời gian dài, đọc sách là một nhu cầu không thể thiếu đối với đông đảo người dân, nhất là giới trí thức và giới trẻ.
Hiện nay, với sự bùng nổ của Internet, của công nghiệp giải trí, thời đại hoàng kim của sách đã suy giảm. Nói một cách khác, mức độ quan tâm của đông đảo công chúng đối với sách (nhất là sách văn học) đã tụt giảm đến mức báo động. Đây là vấn đề toàn cầu, không riêng ở nước nào.
Ở nước ta, những năm qua, vấn đề sách và văn học luôn là một vấn đề nóng, có tính thời sự. Có nhiều cuộc hội thảo, bàn về vấn đề này. Giới truyền thông cũng giới thiệu nhiều ý kiến, bài viết để lý giải, phân tích tình hình và nêu ra giải pháp. Cách tiếp cận, dẫn giải tuy có khác nhau, song tựu trung lại vẫn là mối quan hệ giữa sách (xuất bản - phát hành) với người đọc (thị trường). Đây là mối quan hệ hữu cơ, tạo nên và phát triển văn hóa đọc. Nếu coi sách chỉ là thứ sản phẩm hàng hóa để thị trường quyết định thì sách sẽ không giữ được những giá trị văn hóa đích thực. Văn hóa đọc sẽ không còn giữ được những chuẩn mực văn hóa.
Bởi vậy, cho đến nay quan điểm: sách là thứ hàng hóa đặc biệt đáp ứng nhu cầu văn hóa, yêu cầu chính đáng của người đọc được hết thảy mọi người tán thành đồng thuận. Sách mang đến những thứ thị trường cần nhưng cũng phải đưa ra thị trường những giá trị mới để mở rộng và định hướng thị trường.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, người đọc chưa hề quay lưng với sách, chỉ là ít quan tâm tới sách. Bởi vậy, vấn đề cổ động, tuyên truyền, quảng bá sách có giá trị văn hóa, bổ ích về tinh thần và tri thức cần phải được coi trọng. Hệ thống truyền thông phải vào cuộc. Hệ thống thư viện, tủ sách cũng phải tham gia với những phương thức hoạt động mới có hiệu quả cao.
Vừa qua, ở một nước thuộc Liên minh châu Âu người ta đã thành lập các tủ sách ở bến xe buýt để khuyến khích người đọc sách. Tôn vinh văn hóa đọc phải có những bước đi, những việc làm cụ thể. Không thể chung chung được. Vấn đề cốt lõi vẫn là tôn vinh sách có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, có sức hấp dẫn đông đảo bạn đọc.
Để người đọc quan tâm nhiều hơn, không thể có những thứ sách độc hại, sách dỏm, sách kém chất lượng lưu hành trên thị trường. Cũng không thể có “sách lậu”, “sách luộc” phá giá thị trường đảo lộn giá trị, bày bán trên vỉa hè.
Nói tóm lại, sách là gốc rễ của văn hóa đọc. Để người đọc tìm đến, trước hết sách phải đến với người đọc. Các tác giả, nhà xuất bản, hệ thống phát hành nhất thiết phải thấy rõ và tôn trọng các chuẩn giá trị của sách và có những phương thức phù hợp, hiệu quả đưa giá trị ấy đến tay bạn đọc bằng con đường ngắn nhất, tiện lợi nhất. Giá trị sách tỏa sáng, văn hóa đọc sẽ tỏa sáng.
HOÀNG TÂN