Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) ngày 7-1 đã tổ chức hội thảo về “Chiến lược và chính sách phát triển ngân hàng giai đoạn hậu WTO”. Sacombank đã dự báo những ảnh hưởng của lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế đến năm 2010 đồng thời đưa ra những giải pháp của mình để cùng ra biển lớn.
Theo lộ trình gia nhập WTO, từ 1-4-2007 các tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài được phép thành lập và hoạt động dưới hình thức 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Sau 5 năm gia nhập WTO, các TCTD nước ngoài sẽ được hưởng các ưu đãi và hoạt động giống như ngân hàng nội địa, kể cả được phép thành lập công ty chứng khoán 100% vốn của mình.
Trên góc độ tích cực, việc gia nhập WTO trước hết là cơ hội để các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh. Đứng trước nguyên tắc và kỷ luật của thị trường “mạnh được – yếu thua”, tính cạnh tranh buộc các ngân hàng phải nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như đưa ra cho được định hướng hoạt động theo chuyên môn hóa để có thể tồn tại.
Cơ hội tiếp cận các thị trường mới trong khu vực, các nhóm khách hàng mới có mức độ rủi ro thấp cũng sẽ dần dần mở ra và tạo điều kiện cho các ngân hàng Việt Nam.
Hội nhập cũng tạo ra cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ công nghệ và quản trị ngân hàng, bởi nhờ sự liên kết và hợp tác kinh doanh, ngân hàng trong nước được học hỏi và hỗ trợ những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới; thông qua sự điều hành, quản trị của các tổ chức tài chính nước ngoài, ngân hàng trong nước có cơ hội cải thiện trình độ quản lý cũng như được sự giúp đỡ về tư vấn, bồi dưỡng kiến thức, xây dựng năng lực quản trị ngân hàng tiên tiến, để từ đó tăng cường khả năng phòng ngừa và xử lý rủi ro nhờ áp dụng công nghệ ngân hàng hiện đại, kỹ năng quản trị tiên tiến, phát triển sản phẩm mới.
Hội nhập quốc tế còn góp phần thúc đẩy quá trình thu hút nguồn vốn đầu tư nhờ sự gia tăng nguồn vốn từ thị trường tài chính thế giới, nhờ những chính sách khuyến khích đầu tư, nhờ các ngân hàng trong nước linh hoạt và chủ động điều chỉnh theo thị trường. Điều này cũng giúp phát triển các mối quan hệ đại lý thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, hợp tác đầu tư và trao đổi công nghệ…
Tuy nhiên, hội nhập cũng là một thách thức rất lớn đối với thị trường tài chính Việt Nam. Trước hết các ngân hàng sẽ chịu áp lực cạnh tranh trên các mặt như năng lực tài chính, công nghệ, trình độ quản lý, hệ thống sản phẩm, chất lượng dịch vụ,…
Thứ hai là phải bảo đảm các chuẩn mực an toàn theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, trích lập dự phòng rủi ro, phân loại nợ,… Đồng thời các ngân hàng Việt Nam cũng phải đối mặt với sự gia tăng rủi ro của khách hàng doanh nghiệp nhà nước, bởi việc gia nhập đặt các doanh nghiệp trước thế cạnh tranh gay gắt, khả năng mất thị phần cao, khuynh hướng sáp nhập và phá sản.
Tham gia hội thảo, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đánh giá cao những thành tựu của Sacombank cũng như những chính sách phát triển của ngân hàng này giai đoạn hậu WTO. Theo ông, Sacombank đã định hướng cho mình một chiến lược quản trị rất phù hợp với thông lệ quốc tế và đó sẽ là thế mạnh của ngân hàng sau này.
Ông cho rằng các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam trong đó có Sacombank nên lựa chọn chiến lược phát triển dựa trên thế mạnh của mình để tối đa hóa năng lực tự có nhằm đứng vững trong môi trường cạnh tranh toàn cầu đang đến. Ông đặc biệt lưu ý các NHTM cũng như các nhà đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng nên ý thức được vấn đề “Lợi nhuận là nhất thời. Thị phần là vĩnh viễn”.
Nghĩa là các NHTM cũng như các nhà đầu tư tài chính nên biết hy sinh cổ tức trong ngắn hạn để bảo vệ thị phần trong tương lai. Nếu một nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng chỉ chăm chăm vào cổ tức hàng năm trước mắt, thì đó là tầm đầu tư rất ngắn hạn và họ sẽ nhanh chóng bị đào thải trong thời gian vài ba năm tới khi thị trường đã trở nên chuyên nghiệp.
Ngược lại một nhà đầu tư dài hạn sẽ biết nhìn vào chiến lược phát triển, năng lực điều hành quản trị, những tích sản hữu hình và vô hình cùng khả năng tái đầu tư và thị phần của ngân hàng trong tương lai. Đây mới chính là giá trị cốt lõi mà các ngân hàng cùng các nhà đầu tư nên theo đuổi trong thời kỳ hội nhập.
VÂN BÍCH