Mạng CDMA

Thêm nhiều dịch vụ cao cấp

Thêm nhiều dịch vụ cao cấp

Mạng thông tin di động S-Fone đã hứa sẽ tung ra những dịch vụ giá trị gia tăng hấp dẫn do công nghệ CDMA mang lại trong quý III năm nay. Hy vọng nhà cung cấp dịch vụ này sẽ đúng hẹn với khách hàng cùng lúc với sự xuất hiện của E-Mobile của EVN Telecom, báo hiệu một tương lai tươi sáng hơn cho các mạng sử dụng công nghệ CDMA. 

Thêm nhiều dịch vụ cao cấp ảnh 1

Tại triển lãm CommunicAsia 2006 (Singapore), khách hàng đang chiêm ngưỡng “chú dế” Q sử dụng công nghệ CDMA của Motorola. Mẫu này nay mai sẽ có mặt tại thị trường VN. Ảnh: Q.TR.

Sau gần 2 năm thử nghiệm, đến tháng 3-2006, mạng điện thoại di động 096 (E-Mobile) sử dụng công nghệ CDMA2000-1X trên giải tần 450MHz của Công ty Thông tin Viễn thông điện lực (EVN Telecom) đi vào kinh doanh thử nghiệm. Đến tháng 4, mạng 096 được Bộ BC-VT chính thức phê duyệt cách tính cước trên toàn quốc.

Giám đốc EVN Telecom Nguyễn Mạnh Bằng cho biết, đến nay, công ty đã phủ sóng 64 tỉnh, thành với gần 600 trạm BTS và 6 tổng đài MSC (với công nghệ CDMA, 1 trạm BTS có thể phủ sóng tương đương 3 trạm BTS của mạng GSM). EVN Telecom đang khẩn trương triển khai đầu tư mở rộng mạng CDMA giai đoạn III để có thể lắp đặt thêm được khoảng 500 trạm BTS, góp phần mở rộng vùng phủ sóng và nâng dung lượng mạng lên 2 triệu thuê bao.

Sau hơn 2 tháng chính thức cung cấp dịch vụ cho khách hàng, hiện nay mạng 096 đã thu hút được gần 100.000 thuê bao. Trong khi đó, theo thông tin từ S-Fone, tính đến nay S-Fone đã có 700.000 thuê bao. Sau khi phủ sóng toàn bộ 64 tỉnh, thành cả nước, vào đầu năm 2007 sóng S-Fone sẽ phủ kín cấp huyện (thị trấn) trên toàn quốc. Phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền công nghệ CDMA 2000-1x EVDO là mục tiêu mà S-Fone hướng tới.

Song song với việc phủ sóng, S-Fone đang tiến hành nâng cấp mạng CDMA 2000-1x lên CDMA 2000-1x EVDO với tốc độ truyền dữ liệu tối đa là 2,4 Mbps để cung cấp nhiều dịch vụ cao cấp trên nền băng thông rộng như xem video (Video on demand), nghe nhạc theo yêu cầu (Music on demand), truy cập Internet trực tiếp trên điện thoại di động, dùng ĐTDĐ để kết nối Internet cho máy tính để bàn hay xách tay... Đến thời điểm này, sức mạnh về công nghệ với các dịch vụ hấp dẫn nêu trên vẫn chưa được các mạng CDMA thể hiện ngoại trừ việc cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin xen lẫn cuộc chiến giá cước với các mạng GSM. 

Dù là đơn vị tiên phong trong việc đầu tư và sử dụng công nghệ CDMA tại Việt Nam nhưng đến nay S-Fone vẫn là nhà khai thác duy nhất không có cơ sở hạ tầng viễn thông, khi 90% đường truyền S-Fone hiện sử dụng phải thuê của doanh nghiệp khác. S-Fone vẫn phải trả chi phí khi kết nối MobiFone qua Toll, trong lúc về mặt kỹ thuật có khả năng đấu nối trực tiếp. Tỷ lệ ăn chia cước kết nối hiện nay cũng đang gây nhiều khó khăn cho S-Fone.

Nhìn chung, theo nhiều chuyên gia, những nguyên nhân khiến quá trình thương mại hóa CDMA ở nước ta chưa thành công như Hàn Quốc, Nhật Bản là do chiến lược đầu tư kinh doanh và kế hoạch đưa ra máy điện thoại di động CDMA ngay từ đầu không phù hợp; mạng lưới còn giới hạn; dịch vụ còn quá ít... Bao giờ các mạng sử dụng công nghệ CDMA sẽ thật sự hùng mạnh tương xứng với tên gọi của tiêu chuẩn thế hệ điện thoại thứ 3?

Nhất Liên - Nghiêm Quảng

Tin cùng chuyên mục