Giáo dục giới tính

Tưởng quen mà lạ!

Dư luận nhiều chiều về GDGT
Tưởng quen mà lạ!

Bao hàm một ý nghĩa rộng rãi, giáo dục giới tính (GDGT: Sex education) là môn học (đã được Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam chính thức đưa vào sách giáo khoa lớp 5) dạy về các khía cạnh ứng xử trong tình dục (sexual behaviour), giao hợp, sinh sản, v.v... Những nội dung này, chi tiết hay sơ sài, đầy đủ hay giản lược... tất cả đều không giống nhau ở các nước vì còn tùy theo truyền thống văn hóa và luân lý xã hội của mỗi nước, tùy theo mức độ chấp nhận và phản bác của công luận cũng như sự uyển chuyển thích ứng hoàn cảnh của các nhà GDGT (sex educators).

Tưởng quen mà lạ! ảnh 1

Học sinh Thái Lan trong giờ học GGDT. Nhiều em cười thoải mái nhưng có em lại ngượng ngùng, mắc cỡ, phải tự che mắt, không dám nhìn!Ảnh: Richard Barrow / www.thai-blogs.com

Dạy về sinh sản, GDGT là nói tới quá trình từ khi thụ thai, phát triển phôi (embryo) và thai (fetus), cho đến lúc đứa bé lọt lòng mẹ. Như vậy, còn phải nói tới “tiền đề” của sinh sản là sự tiếp xúc sinh lý giữa nam và nữ; và hai “hậu đề” là các biện pháp ngừa thai và các bệnh lây lan qua đường tình dục (STD: sexually transmitted diseases).

Khi dạy các nội dung nói trên, các nhà GDGT thường không khuyến khích cách nói giảm, nói chệch đi (vì sợ thô tục, bị ngượng mồm), tức là nên gọi đúng tên của các cơ quan sinh dục (sex organs). Chính vì thế, GDGT còn gồm cả phần dạy các thuật ngữ về giải phẫu học tính dục (sexual anatomy).

Dạy học cần có minh họa. Vậy sách giáo khoa nên vẽ hình đại khái theo kiểu phác thảo hay cứ dùng ảnh chụp rõ và thật? Thậm chí có cần chiếu phim không? Nhiều nước, người ta làm các mô hình (models) bằng chất dẻo trông y như thật và chỉ riêng những chuyện đó cũng đủ bùng phát nhiều chỉ trích gay gắt từ phía cha mẹ, giáo chức, nhất là các nhà tu hành.

Có thể nói GDGT đã là một thuật ngữ quen tai, quen mắt, quen miệng với quần chúng Việt Nam. Thế nhưng, tưởng quen mà lạ! Vì dường như phần đông vẫn còn mơ hồ về mục đích, nội dung, phương pháp, lịch sử ra đời môn GDGT. Cho nên không ngạc nhiên khi công luận – không chỉ riêng Việt Nam -  có ý kiến trái ngược nhau về GDGT. Nhưng dù phản đối hay ủng hộ, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng đây là một vấn đề nghiêm túc không thể tránh né, nhất là khi giới trẻ có điều kiện tìm hiểu về giới tính đầy rẫy trên mạng Internet, trên các kênh chiếu phim nước ngoài công khai có nhiều cảnh “nóng” như HBO, Stars Movie, Cinemax…

Từ số báo này, chúng tôi thử tập hợp một số thông tin chọn lọc về GDGT trên thế giới, hy vọng chúng ta bớt lạ với một vấn đề chung của nhân loại đương thời. Từ đó, ước mong sao có một chương trình thích ứng để môn học này phù hợp văn hóa, đạo đức Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu cơ bản về mặt khoa học. 

Dư luận nhiều chiều về GDGT

GDGT dần dần được dạy trong nhà trường Việt Nam, các báo đài trong nước thường xuyên đưa tin về nó. Năm ngoái, học sinh, sinh viên và các bậc cha mẹ tại TPHCM đã dự buổi truyền thông “GDGT về sức khỏe sinh sản và tình dục cho tuổi mới lớn” do Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe tổ chức (báo Thanh Niên, 26-9-2005).

Trước đó năm tháng, Trung tâm Tư vấn giáo dục-tâm lý-thể chất nghiệm thu đề tài “Đề xuất và thử nghiệm giải pháp đưa GDGT vào trường trung học tại TPHCM”; đề tài này kiến nghị nên dạy GDGT từ lớp 6 đến lớp 12, gồm phần dạy chung và phần dạy riêng cho nam, nữ sinh (báo Người Lao Động, 25-4-2005)…

Mới rồi, một ông bố ở Đà Nẵng phản đối chương “Sự thật của loài người” trong sách cải cách khoa học lớp 5, than phiền GDGT cho trẻ quá sớm (báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 9-7-2006). Không đồng tình với ý kiến ấy, ông bố khác ở TPHCM bảo có bé gái 8 tuổi đã có dấu hiệu phát dục và hai bé gái cùng lớp 5 với con gái ông đã có kinh nguyệt. Theo ông, bé gái đã có kinh nguyệt nhưng không hiểu biết giới tính thì thật nguy hại (báo Tuổi Trẻ, 15-7-2006).

TRẦN THẾ HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục