“Đại dịch” kẹt xe

13 ngàn tỷ đồng “bốc khói” mỗi năm!

13 ngàn tỷ đồng “bốc khói” mỗi năm!

Vào đỉnh điểm nạn kẹt xe xảy ra ở TPHCM cuối năm 2006 vừa qua, Khoa Kỹ thuật Giao thông-Đại học Bách khoa TPHCM đã công bố một con số khảo sát kinh hoàng: Mỗi năm TP mất hơn 13 ngàn tỷ đồng do kẹt xe và lãng phí tiêu hao nhiên liệu do dùng xe gắn máy thay vì đi xe buýt! Chưa lúc nào chuyện kẹt xe lại nóng như thời điểm này.

Trên 100 điểm “đen” ùn tắc

13 ngàn tỷ đồng “bốc khói” mỗi năm! ảnh 1
Ảnh: CAO THĂNG

Cảnh kẹt cứng, ùn ứ xe ở TP bây giờ hầu như diễn ra ở bất cứ nơi đâu chứ không còn “quanh quẩn” ở một vài khu vực như cách đây vài năm nữa. Ngã tư Phú Nhuận sau hơn 2 năm thông thoáng nhờ phân luồng thì nay lại “trở chứng”. Khoảng từ 17-18 giờ hàng ngày, ngã tư này như một không gian của bầy ong vỡ tổ. Xe máy “bao vây” xe hơi, xe buýt rồi nháo nhào chạy lên vỉa hè, các dòng xe đan xen hỗn loạn.

Còn tại cung đường Lý Tự Trọng-Tôn Đức Thắng-Nguyễn Hữu Cảnh, vào khoảng thời gian từ 9 giờ sáng trở đi, hàng hàng xe tải, ô tô nối đuôi nhau như không dứt. Trục đường Hai Bà Trưng-Phan Đình Phùng-Nguyễn Kiệm đã trở thành tuyến đường “đen”. Hết góc Hai Bà Trưng-Trần Quốc Toản lộn xộn tới khu Lý Chính Thắng-Hai Bà Trưng-Trần Quang Khải bát nháo. Tiếp đó là ngã tư Phú Nhuận rồi lên đến đoạn Nguyễn Kiệm giao cắt với đường sắt, tiếp nữa là ngã năm Nguyễn Kiệm-Bạch Đằng-Nguyễn Thái Sơn, đi một đoạn nữa thì gặp điểm kẹt xe “đầu sổ” ở quận Gò Vấp là Ngã Năm Chuồng Chó. Anh Huỳnh Hiệp Trân (P.10-Q. GV), một sinh viên, ngao ngán: “Tôi tan học về ngã tư Phú Nhuận lúc 5 giờ chiều nhưng nhiều hôm, để qua được hết đường Nguyễn Kiệm chỉ dài chưa tới 3 cây số và qua khỏi Ngã Năm Chuồng Chó thì đồng hồ chỉ 7 giờ tối!”.

Nhiều tuyến đường ở khu vực trung tâm TP và các cung đường huyết mạch đều chịu chung số phận, ngày nào cũng như ngày nào. Những điểm “nghẽn mạch” thường trực là Nguyễn Thị Minh Khai-Cống Quỳnh-Cao Thắng; Điện Biên Phủ-Pasteur; CMT8-Nguyễn Thị Minh Khai; vòng xoay Dân Chủ; NKKN-Lý Chính Thắng; Ngã Sáu Cộng Hòa… Gần đây, đường Trần Hưng Đạo và khu vực cầu Chà Và, cầu Chữ Y, tuyến đường ven kênh Nhiêu Lộc lại trở thành những điểm kẹt xe mới do phải “san sẻ” diện tích cho các dự án cải tạo hạ tầng giao thông không hẹn ngày thông thoáng.

Trên 13.000 tỷ đồng “tan theo khói” mỗi năm

Theo tính toán của Khoa Kỹ thuật Giao thông (ĐH Bách khoa TPHCM), toàn TP có gần 3 triệu xe gắn máy, tính giá trung bình là 10 triệu đồng/chiếc thì chi phí để mua xe là 30 ngàn tỷ đồng. Và theo cơ cấu hợp lý cho sự đi lại sẽ có 60% xe máy thật sự cần thiết, 40% lượng xe máy còn lại chỉ dùng vào việc giải trí và những công việc khác. Theo đó, con số lãng phí đầu tư cho xe máy là 12 ngàn tỷ đồng, như vậy với tỷ lệ thiệt hại do khấu hao 10% thì mỗi năm TP lãng phí 1.200 tỷ đồng.

Hiện tại, theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, TP có 55 điểm có nguy cơ ùn tắc với thời gian trung bình 45 phút và 22 tuyến đường thường xảy ra ách tắc giao thông. Theo thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ-CA TPHCM, trong năm 2007 này số điểm có nguy cơ kẹt xe sẽ tăng lên hơn 100 điểm do có hàng loạt công trình giao thông được triển khai như dự án đại lộ Đông Tây, dự án Vệ sinh và cải thiện môi trường nước, metro, các bãi đậu xe ngầm… Và 2-3 năm tới, khi TP trở thành đại công trường thì tất yếu đại nạn kẹt xe sẽ bùng phát!

Còn những thiệt hại về thời gian do kẹt xe càng khủng khiếp hơn. Với mức GDP trên 1.500 USD/người/năm của TP hiện nay, tính ra trung bình mỗi giờ người lao động làm ra hơn 0,72 USD/người thì mỗi khi kẹt xe với thời gian kẹt trung bình là 45 phút mức thiệt hại là 0,54 USD/người. Chỉ với 60 điểm kẹt xe hiện tại, mỗi ngày TP thiệt hại gần 1,3 triệu USD, và tính ra mức thiệt hại cả năm là hơn 7.500 tỷ đồng do lãng phí thời gian.

Ngoài ra, với việc sử dụng nhiên liệu truyền thống hiện nay thì những thiệt hại về môi trường, sức khỏe của con người là những con số khó thể cân đo đong đếm được. Tuy vậy, theo Chi cục Bảo vệ Môi trường TPHCM, xe máy và xe hơi “góp” tới 60%-70% lượng khí thải ở TP. Chất lượng không khí ven đường đều rất kém, liên tục từ năm 2002 đến nay, nồng độ bụi đều vượt xa tiêu chuẩn cho phép của cả tiêu chuẩn Việt Nam và WHO. Còn theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, các bệnh liên quan đến đường hô hấp đang đứng đầu trong các bệnh phổ biến hiện nay.

“Cuộn chỉ rối” ngày càng rối

Nguyên nhân dễ thấy nhất gây nên nạn kẹt xe ở TPHCM là sự quá tải của hệ thống hạ tầng giao thông. Theo thống kê của Khoa Kỹ thuật Giao thông (ĐH Bách khoa TPHCM), đất dành cho giao thông (tĩnh và động) chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ đạt 1,33% diện tích đất tự nhiên của TP; khu vực nội thành khá hơn, có nơi đạt được gần 15% như ở các quận 1, 3, 5 nhưng vẫn còn kém xa tỷ lệ hợp lý 20%-25% của các nước phát triển. Mật độ đường giao thông trung bình của TP chỉ đạt 0,9km/km2, vùng ngoại thành còn thấp hơn, khoảng 0,5km/km2, trong khi tiêu chuẩn quốc tế là phải đạt 4-6km/km2.

Diện tích đường giao thông cũng quá thấp, chỉ đạt 0,6% diện tích toàn TP (tỷ lệ chuẩn là trên 15%). Phần lớn các con đường ở TP đều hẹp, chỉ khoảng 9% tuyến đường có lòng đường rộng trên 12m để có thể tổ chức hoạt động xe buýt thuận lợi, trong khi đó có tới 65% con đường có lòng đường rộng dưới 7m, chỉ thích hợp cho xe máy. Toàn TP có trên 1.276 nút giao cắt, chủ yếu là đồng mức, trong đó có khoảng 120 nút quan trọng thuộc 75 đường phố chính và các trục giao thông đối ngoại, hầu hết đều có năng lực thông qua thấp và đa số bị ách tắc vào giờ cao điểm hay khi có sự cố.

Chính vì quá thiếu thốn nên hạ tầng giao thông của TP luôn cứ “bám đuôi” xe máy, xe hơi và xe buýt từ nhiều năm nay. So với năm 2002, số chuyến xe buýt hiện đã tăng lên 16 lần, đạt 16.000 chuyến/ngày. Thêm nữa, thời gian giãn giữa các chuyến khá ngắn, 7-10 phút, có tuyến chỉ cách 2-3 phút là có một chuyến. Bên cạnh đó, hiện tại có khoảng 65% tuyến xe buýt bị trùng lặp (tỷ lệ cho phép là 30%-40%) như đường Trường Chinh có tới 11 tuyến; cùng với việc phải chạy vào làn đường không phù hợp (quá hẹp) đã biến phần lớn 3.200 xe buýt hiện nay thành những “chướng ngại vật” trên đường phố.

Còn hơn xe buýt, xe máy là đối tượng chủ yếu gây ra ùn tắc. Với số lượng gần 3 triệu chiếc, chưa kể gần nửa triệu chiếc từ ngoại tỉnh vào, xe máy chen chúc các đường phố là chuyện thường ngày. Càng lo hơn khi với thủ tục đăng ký thông thoáng hiện nay sau Thông tư 01 vào tháng 2-2007 của Bộ Công an, dự kiến tốc độ đăng ký xe máy và xe hơi sẽ trên 1.000 chiếc/ngày!

Đáng lo nhất là ý thức và trật tự giao thông ở TPHCM, một thành phố lớn và hiện đại của Việt Nam, hiện vẫn ở mức “sơ khai”. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường như là chuyện “đương nhiên” diễn ra hàng ngày. Theo nhiều chuyên gia giao thông, khác biệt hoàn toàn với kiểu ùn tắc theo dòng có trật tự ở các nước phát triển, đặc điểm ùn tắc phổ biến của TPHCM là kiểu “cuộn chỉ rối”. Hệ số ùn tắc vượt quá 12 lần cho phép, nếu chỉ cho chạy một làn đường thì hệ số này còn gấp 23,6 lần mức cho phép. Đó là kết quả tất yếu của sự “bất cần” các quy tắc ứng xử giao thông đô thị.  

Theo tính toán của những nhà nghiên cứu, để đạt tỷ lệ số người đi xe buýt là 50%, TPHCM phải giảm được 45% số người đi xe máy. Số người đi xe máy này sẽ tiêu hao gần 217.000 lít xăng/năm, với giá 11.000 đồng/lít hiện nay thì mức “đốt tiền” là 2.387 tỷ đồng/năm. Với thời gian kẹt xe trung bình 45 phút, mỗi năm với 60 điểm kẹt xe và số lần kẹt 1 lần/ngày thì xe máy gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng, cộng với thiệt hại của xe hơi và xe buýt do ùn tắc là khoảng 1.300 tỷ đồng. Cộng lại, tổn thất nhiên liệu do kẹt xe mỗi năm ở TPHCM sẽ là 3.687 tỷ đồng! Đó là chưa kể lãng phí do tốn mặt bằng giữ xe máy ban ngày và ban đêm, ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

HOÀNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục