Sâm Ngọc Linh chết như ngã rạ, kiến nghị khoanh nợ cho nông dân

Chỉ riêng tại huyện Tu Mơ Rông, Sâm Ngọc Linh chết như ngã rạ đã “thổi bay” hơn 20,4 tỷ đồng của dân nghèo. Trong đó, đa số người trồng sâm là đồng bào dân tộc, phải vay vốn nên địa phương kiến nghị tỉnh này có ý kiến để ngân hàng khoanh nợ cho dân.

Sâm người dân xã Măng Ri bị chết

Ngày 20-7, UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) đã báo cáo UBND tỉnh này về thiệt hại Sâm Ngọc Linh do sâu bệnh và mưa đá gây ra trên địa bàn.

Theo đó, qua rà soát, xác định tính đến thời điểm hiện nay, tổng số cây Sâm Ngọc Linh thiệt hại trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông là 39.224 cây của 408 hộ. Ước tính thiệt hại khoảng hơn 20,8 tỷ đồng. 

Trong đó, số lượng cây bị thiệt hại do sâu, bệnh hại là 38.412 cây của 393 hộ nằm ở các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọk Lây, Văn Xuôi với số tiền bị thiệt hại khoảng 20,4 tỷ đồng. 

Số lượng cây bị chết, ảnh hưởng do mưa đá là 812 cây của 27 hộ các xã Măng Ri, Đắk Sao, với kinh phí bị thiệt hại khoảng hơn 324 triệu đồng.
Sâm Ngọc Linh chết như ngã rạ, kiến nghị khoanh nợ cho nông dân ảnh 2 Sâm Ngọc Linh chết trụi

Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, đa số các hộ dân trồng Sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện là người dân tộc thiểu số và vay vốn của Ngân Hàng chính sách xã hội huyện. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại cho người trồng Sâm Ngọc Linh, UBND huyện Tu Mơ Rông kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ cho người dân trồng Sâm Ngọc Linh.

UBND huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án khoanh, giãn nợ cho người dân vay vốn để trồng sâm Ngọc Linh; chỉ đạo cho các doanh nghiệp cung ứng giống sâm Ngọc Linh cho người dân trên địa bàn huyện để khôi phục các diện tích bị chết.

Sâm Ngọc Linh chết như ngã rạ, kiến nghị khoanh nợ cho nông dân ảnh 3 Sâm 1 năm tuổi chết

Trước đó, như đã phản ánh, Sâm Ngọc Linh của người dân 2 huyện Tu Mơ Rông và Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) bỗng dưng chết hàng loạt. Nhận tin, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, Chi cục Kiểm lâm, Sở NN-PTNT nhanh chóng tổ chức đoàn đi thực địa các vườn sâm, phối hợp với các đơn vị lấy mẫu xác định nguyên nhân, tập huấn các biện pháp chăm sóc, phục hồi cây sâm để từ đó đưa ra các khuyến cáo cho người trồng sâm. Đến nay xác định sâm chết do bệnh chết rạp.

Tin cùng chuyên mục