
Đây cũng là một cơ hội để các DN có thêm nguồn vốn bổ sung cho các dự án đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh.
- Từ kinh nghiệm của Vinamilk
Đợt đấu giá bán cổ phần nhà nước của Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) ra công chúng được thực hiện thông qua TTGDCK TPHCM lần đầu tiên vào ngày 17-2-2005 đã gây tiếng vang rất lớn trong giới đầu tư cũng như cơ quan truyền thông đại chúng trong và ngoài nước.

Công ty Sữa Vinamilk, đơn vị bán đấu giá cổ phần đầu tiên.
Thành công này thể hiện trên nhiều mặt, trước hết là đã triển khai hiệu quả một cơ chế mới: Đấu giá bán cổ phiếu của công ty CPH qua TTGDCK. Cơ chế này thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu ngay từ lần đầu phát hành, giảm thiểu và đi đến xóa bỏ được tình trạng CPH “khép kín” trong DN.
Vấn đề cần quan tâm khi thực hiện cơ chế này là công khai hóa tất cả thông tin với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiến tới đổi mới mạnh mẽ cách thức quản trị DN mà trong đó vấn đề kiểm toán và công bố thông tin là rất quan trọng.
Một thành công nữa là được thực hiện cơ chế giá cả cạnh tranh do thị trường quyết định, điều này giúp cho việc đánh giá giá trị DN được phản ánh một cách đầy đủ và tốt hơn, kể cả các vấn đề về lợi thế so sánh và quảng bá thương hiệu cũng được phản ánh tốt hơn để mang lại khả năng thu về cho ngân sách số tiền lớn hơn.
- Kết quả khả quan
TTCK cung cấp cho thị trường một khối lượng hàng hóa ngày càng gia tăng, nhiều DN tham gia phát hành cổ phiếu sẽ tạo ra khối lượng lớn hàng hóa phong phú và đa dạng cho TTCK có cơ hội phát triển. Vì những lợi ích như vậy, Chính phủ giao cho Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức cho một loạt DNNN khi CPH được thực hiện theo cơ chế đấu giá bán cổ phần ra công chúng thông qua các TTGDCK.
Chiều 7-3-2005, TTGDCK TPHCM lần thứ hai tổ chức bán đấu giá cổ phần nhà nước của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) và đã tiếp tục gây bất ngờ với giá được đặt mua cao nhất là 615.000 đồng/cổ phần, cao hơn 6 lần so với giá khởi điểm và làm cho không khí TTCK trở nên sôi động hẳn lên. Tổng số 246.142 cổ phần nhà nước của Vifon đã được 25 nhà đầu tư mua sạch với giá trung bình 206.300 đồng/cổ phần.
Kết quả đã mang lại tổng giá trị đấu giá của Vifon đạt trên 50,77 tỷ đồng, làm lợi thêm cho ngân sách trên 36 tỷ đồng so với mệnh giá cổ phần nhà nước là 24,61 tỷ đồng. Trước đó, nhiều nhà đầu tư không nghĩ rằng giá cao nhất của Vifon có thể đạt được quá 200.000 đồng/cổ phần, thậm chí những người làm việc lâu năm trong công ty mì ăn liền này cũng không tin vào sức hấp dẫn của cổ phiếu Vifon đến như vậy.
Tiếp theo, chiều 8-3-2005, sau lễ khai trương, TTGDCK Hà Nội đã tổ chức đấu giá bán cổ phần của Nhà máy Thiết bị Bưu điện (Postef) với kết quả giá trị cổ phần bán ra đạt 24,85 tỷ đồng, cao gấp rưỡi trị giá dự tính tại mức khởi điểm 106.000 đồng/cổ phần, trong đó giá đặt mua cao nhất lên tới 350.000 đồng/cổ phần. Cuộc đấu giá bán cổ phần thu hút 152 nhà đầu tư, trong đó có 16 nhà đầu tư có tổ chức.
Kết thúc phiên đấu giá, toàn bộ 151.800 cổ phần của Postef bán ra lần này đã được mua hết với trung bình là 163.717 đồng/cổ phần, giá đặt mua cao nhất cao hơn mức khởi điểm tới 3,3 lần. Đây là lần đầu tiên áp dụng 5 mức giá để tạo cơ hội nhiều hơn cho nhà đầu tư. Và mới đây nhất, chiều 10-3-2005, lần đầu tiên TTGDCK Hà Nội thực hiện đấu giá bán trực tuyến cổ phần Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh tại Hà Nội, TPHCM và Quy Nhơn (Bình Định).
43.750.000 cổ phần của nhà máy đã bán được trên 462 tỷ đồng, tăng thu cho nhà nước trên 25 tỷ đồng so với mệnh giá. Đặc biệt là trong phiên đấu giá này, số lượng nhà đầu tư cá nhân rất đông. Trong tổng số 215 nhà đầu tư đăng ký đấu giá có tới 200 cá nhân, trong số 186 nhà đầu tư đấu giá trúng có 172 cá nhân.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Trần Xuân Hà cho biết: Với những lợi ích đã được chứng minh qua những đợt đấu giá bán cổ phần vừa rồi, tới đây các DN tiến hành CPH được phân loại, những DN lớn đều thực hiện đấu giá qua các TTGDCK, khuyến khích các DN có khối lượng cổ phần đạt giá trị bán ra từ trên 1 tỷ đến dưới 10 tỷ đồng được đưa vào TTGDCK đấu giá.
Cách làm này mang lại hiệu quả là thúc đẩy mạnh mẽ CPH, tài sản cửa nhà nước được định giá một cách chính xác hơn. Ngoài ra, việc chuyển đổi từ một nền kinh tế tín dụng sang nền kinh tế cổ phần - cổ phiếu đạt được kết quả hữu ích và TTCK có cơ hội phát triển mạnh trong năm 2005.
ANH KHUÊ