Sân chơi nào cho học sinh?

Sân chơi nào cho học sinh?

Hành lang lớp học được tận dụng làm chỗ tập thể dục, kê bàn ăn cho học sinh; vào giờ ra chơi, các em lại đứng tựa cửa nhìn ra đường vì sân trường chật hẹp, không có nhiều hoạt động vui chơi bổ ích… Những hình ảnh trên đang phổ biến diễn ra ở các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TPHCM. Làm sao khắc phục tình trạng đó?

Hành lang được tận dụng làm chỗ cho học sinh tập thể dục giữa giờ

Tận dụng tối đa hành lang

Mới đây, trong lễ đón nhận bằng kiểm định chất lượng giáo dục ở một trường tiểu học trên địa bàn quận 1, nhiều người đã xót xa khi chứng kiến cảnh học sinh phải theo dõi buổi lễ qua chấn song sắt dọc hành lang các dãy phòng học trên lầu. Theo giải thích của một giáo viên khối 4, do diện tích sân trường chật hẹp nên chỉ một số lớp được ưu tiên bố trí chỗ ngồi dưới sân, khoảng sân còn lại dành để dựng sân khấu, kê ghế ngồi cho một số quan khách đến tham dự. Những lớp nào không được bố trí chỗ ngồi dưới sân, giáo viên chủ nhiệm sẽ xếp ghế dọc theo hành lang các dãy phòng học trên lầu, học sinh theo dõi buổi lễ từ trên cao. Ở một diễn biến khác, sân trường Tiểu học T.H.Đ. (quận 1) dù có diện tích khá rộng nhưng do số lượng học sinh quá đông nên trong 5 phút tập thể dục đầu giờ chơi, chỉ có khoảng 2/3 số lớp được di chuyển xuống sân trường. Các lớp còn lại sẽ xếp thành hai hàng ngang tập thể dục ngay tại hành lang trước cửa phòng học. Bảo Anh, một học sinh lớp 5 cho biết: “Tập thể dục ở hành lang khiến các bạn thường xuyên đụng nhau vì không có chỗ xoay người. Có lần con còn trượt té vì sơ ý xoạc chân trên vũng nước ai đó vô tình làm đổ”. Đây cũng là cách sắp xếp “chẳng đặng đừng” của ban giám hiệu trường trước điều kiện sân bãi có hạn. 

Riêng ở khối mầm non, có rất nhiều trường đang phải tận dụng tối đa “khoảng trống 3 chung” giữa các dãy lớp học. Sở dĩ gọi là “3 chung” bởi diện tích này vừa được sử dụng làm hành lang lớp học, vừa là sân chơi, đồng thời cũng là khu vực kê bàn ăn vào giờ ăn trưa của các bé. Chị Minh Nguyệt, phụ huynh có con đang học tại Trường Mầm non 6 (quận 3) cho biết, do trường được thiết kế theo kiểu nhà ở hai tầng, khoảng trống phía trước và hai bên hông khu nhà khá hẹp không đủ làm sân chơi cho học sinh, nên khu vực hành lang ở sảnh giữa tầng trệt được tận dụng làm sân chơi cho các bé. Vào giờ ăn trưa và ăn xế, cô bảo mẫu sẽ bày bàn ghế trên chính khoảng trống này. Học sinh ăn xong, các cô lại thu dọn, lau chùi sạch sẽ, trả lại lối đi cho các dãy phòng học. Hiệu trưởng một trường mầm non ở Gò Vấp bày tỏ, trước đây hành lang lớp học chỉ là nơi để dép, kê tủ đựng cặp táp của học sinh. Nhưng do sĩ số ngày thêm đông, trong khi sân trường không thể “nở nồi” nên nhiều giáo viên đã tận dụng khu vực này để tăng thêm diện tích sinh hoạt cho các em.

“Lượng” có hạn, cần tập trung nâng “chất”

Có dịp đi ngang nhiều trường tiểu học vào giờ chơi, không khó bắt gặp hình ảnh học sinh đứng dựa cột hoặc tựa cửa nhìn ra đường. Nguyên nhân ngoài việc sân bãi có hạn, không đủ chỗ cho các em vui chơi còn đến từ việc các trường thiếu quan tâm thiết kế các hoạt động vui chơi khiến học sinh gần như “tự túc” trong các quyết định sẽ làm gì, chơi gì. Viết Khang, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), cho biết mỗi khi cậu bạn thân nghỉ học, em rất sợ đến giờ ra chơi vì không biết làm gì, chỉ đi loanh quanh sân trường và mong đến giờ vào lớp. Còn Ngọc Dung, học sinh Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh), bày tỏ rằng sân trường khá rộng nhưng do không có bạn thân, giờ ra chơi em chỉ đứng nhìn các bạn chơi nhảy dây, banh đũa rồi vào lớp ngồi chờ đến giờ học. Khi chúng tôi hỏi vì sao không chơi chung với các bạn, Dung buồn rầu cho biết đã mấy lần xin chơi chung nhưng các bạn không cho vì đã đủ người, em buồn lắm nhưng không biết tâm sự với ai...

Hiện nay, mới có một số ít trường quan tâm đến việc tổ chức giờ chơi cho học sinh như Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), Nguyễn Thái Sơn (quận 3), Trần Hưng Đạo (quận 1)… Theo các hiệu trưởng, việc tổ chức không khó như nhiều người nghĩ, lại không mất quá nhiều kinh phí, chỉ cần “bưng” vài tủ sách trong thư viện ra giữa sân trường, trồng thêm vài chậu hoa đã tạo ra vườn đọc sách mới cho các em. Có nơi bố trí thêm một chiếc xích đu, dành hẳn một khoảng sân vẽ các ô ăn quan, nhảy lò cò cũng đủ giúp học sinh có thêm nhiều hoạt động vui chơi có ý nghĩa. Hay như cách làm rất sáng tạo của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), dù sân trường không lớn nhưng nhờ khéo léo bố trí thêm khu vực cho học sinh tự gieo giống, trồng rau, tưới cây đã giúp các em vừa có thêm những giờ “chơi mà học” bổ ích, vừa được rèn luyện tinh thần đồng đội, sự kiên nhẫn, biết quý trọng thành quả do mình tạo ra.

Qua đó cho thấy, việc khai thác các nguồn lực sẵn có một cách có hiệu quả, tăng thêm tính thực tiễn, sinh động trong giờ chơi cho học sinh không phải việc làm quá khó. Song để làm được điều đó cần có sự chung tay của nhiều lực lượng trong nhà trường, từ hiệu trưởng, giáo viên đến đội ngũ nhân viên, giám thị, kết hợp thêm sự hỗ trợ, đóng góp của phụ huynh mới có thể mang lại cho học sinh những giờ chơi bổ ích, thú vị.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục