
Còn 3 tuần nữa là đến tết âm lịch, dịp này các đặc sản bản địa ở nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... đang được săn tìm để bán vào dịp tết.
Ưu tiên heo rừng nuôi
Chị Hoàng Thị Hà ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có chồng công tác vùng biên giới Quảng Bình, cho biết: “Tết Bính Thân năm nay, thay vì mua thịt heo ở đồng bằng, gia đình tôi đã chung tiền với anh em bên nội ngoại đặt mua một con heo rừng nuôi ở vùng Dân Hóa (Minh Hóa) đưa về mổ thịt dùng trong 3 ngày tết”. Theo chị Hà, thịt heo rừng được đồng bào dân tộc nuôi bằng chuối rừng và cám nên rất yên tâm; hơn nữa, tự người nhà sẽ mổ heo nên không sợ bị tráo đổi hoặc bị tẩm thịt trong quá trình vận chuyển.
Tại bản Ón xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), ông Trần Xuân Tư có trang trại heo rừng nuôi hơn 100 con, cho biết: “Hiện tại số heo rừng đã được đặt mua hết sạch. Từ cuối mùa hè, khách hàng đã gọi điện đặt trước rồi đánh dấu từng con, sau đó gửi nuôi đến cận tết. Họ tính tiền công chăm sóc, tiền thức ăn, tiền giống; có người tính theo cân nặng của lứa heo rồi trả tiền theo giá thị trường”. Không chỉ heo rừng nuôi mà heo bản được nuôi thả thủ công của người dân các xã vùng biên giới cũng được săn lùng ráo riết. Chị Hồ Phàn ở xã Hướng Lập (Hướng Hóa, Quảng Trị) cho biết: “Mỗi mùa tết bán được 10 con heo bản nuôi thủ công. Năm nay người ta đặt 20 con, tính giá theo ngày, không đặt cọc trước, càng gần tết giá càng lên nên không lấy tiền trước, heo bản không sợ ế, gần tết cứ có con nào là bán sạch con đó”.
Ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), chị Y Thu cho hay: “Tết năm trước, người dưới xuôi, rồi giáo viên, cán bộ làm việc ở đây đặt nhiều heo bản. Năm nay, họ đặt đồng bào các bản nuôi rồi chờ gần tết mới đến chở về, vài ba người mua chung một con. Cứ mỗi ký tính giá 230.000 - 250.000 đồng, gần tết có tăng giá chút đỉnh nhưng cũng không đủ bán vì thịt heo bản ăn rất thơm”.

Gạo rẫy trồng thủ công, được chuộng mua làm quà tết
Gạo bản lên ngôi
Tại các xã đồng bào Vân Kiều sinh sống như Trường Xuân, Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đang có phong trào thu mua gạo bản để bán cho người miền xuôi mua về làm quà tết. Ông Hồ Minh ở xã An Ninh cho biết: “Cá nhân tôi đặt khoảng 2 tạ gạo bản để biếu người thân ở Hà Nội và bạn bè ở miền Nam. Gạo không trắng nhưng rất sạch vì bà con Vân Kiều trồng trên rẫy, không phun thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật. Giá của gạo bản đắt hơn gạo dưới xuôi nhưng không thành vấn đề, miễn có là mua về làm quà vì nhiều người thích gạo tuyệt đối an toàn này”.
|
Tại xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), ngoài sản vật gạo bản thì măng rừng được bà con đi bẻ về và chế biến thủ công, không bỏ chất bảo quản cũng được thương lái hoặc người quen miền xuôi đặt mua để làm quà tết. Chị Hồ Thị Làn cho biết: “Dân bản mình thật thà, vào rừng bẻ măng rồi chỉ phơi nắng hoặc hong bếp cho khô chứ không bỏ hóa chất nên anh em miền xuôi rất thích”. Trong khi đó, ông Lê Quốc Châu (ở huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) nói: “Xu hướng quà tết năm nay là hàng nông sản đem về từ vùng cao như cam Khe Mây hoặc cam Nghĩa Đàn ở Nghệ An vì chất lượng thơm ngon, sạch, không chăm sóc bằng các hóa chất bảo quản nên không chỉ người miền xuôi Hà Tĩnh thích dùng, mà người ở các địa phương khác như Hà Nội, TPHCM cũng đặt rất nhiều”.
Tại bản Cà Roòng xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), bà Hồ Thị My cùng Hồ Giang đang rang cốm từ gạo nương. Bà My cho biết: “Rang cho mấy anh em miền xuôi đặt để tặng quà tết cho bà con ở ngoài Hà Nội. Bữa nay, món gì của địa phương là người ta cũng thích”. Ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch), cho biết: “Nếp rẫy cũng được bà con miền xuôi ưa chuộng hơn nếp làm ruộng nước. Mấy năm trước, nếp Lào, Thái Lan tràn về cả xã, năm nay thì không có hiện tượng này, mà người dưới xuôi rất thích nếp rẫy ở miền núi vì ăn không ngán, không có thuốc trừ sâu, ai cũng thấy sạch nên có bao nhiêu người ta mua hết bấy nhiêu”.
MINH PHONG