Sản phẩm hữu ích từ rác

Sản phẩm hữu ích từ rác

Đó là những gì mà nhiều công ty xử lý chất thải rắn đô thị như Công ty cổ phần Vietstart, Thành Công, Tâm Sinh Nghĩa… đang làm với mong muốn từng bước thay đổi suy nghĩ của người dân TPHCM khi cho rằng rác chỉ là thứ bỏ đi. Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, từ nay đến năm 2015, rác sẽ trở thành nguồn nguyên liệu sản xuất đắt giá và khan hiếm với nhiều công ty.

Nhà đầu tư: mặn mà

Lý giải cho thực tế này, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện trung bình mỗi ngày TPHCM tiếp nhận khoảng 6.500 tấn rác đô thị. Trong đó, 1.800 tấn rác giao cho Công ty Môi trường đô thị xử lý, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam 2.000 tấn, Công ty Tâm Sinh Nghĩa 1.000 tấn, Công ty Thành Công 500 tấn và Công ty cổ phần Vietstart 1.200 tấn. Biện pháp xử lý rác được các công ty đang đầu tư thực hiện cũng hiện đại hơn rất nhiều. Hiện nay, các công ty xử lý rác thải đang hoàn thiện dây chuyền sản xuất để biến rác thành nguồn nguyên liệu sản xuất và tạo nên những sản phẩm có giá trị. Chỉ khoảng 10% khối lượng rác không thể tái chế mới chôn.

Sản phẩm hữu ích từ rác ảnh 1

Rác sẽ được tái chế thành sản phẩm có ích. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tuy nhiên, để biến rác thành sản phẩm hàng hóa bán trên thị trường không phải đơn giản. Ông KB Seah, Giám đốc điều hành nhà máy Công ty cổ phần Vietstar khẳng định, rác đô thị của TPHCM nói chung và Việt Nam nói riêng có đặc thù chưa được phân loại và rất bẩn. Do vậy, để có thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất ra phân compost hoặc hạt nhựa tái chế, công ty phải đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại trị giá 56 triệu USD.

Ban đầu, rác thô được đưa vào hệ thống phân loại rác từ đầu. Sau đó, chuyển vào hệ thống rửa bằng phương pháp phun siêu lực. Kế đến, những loại rác hữu cơ sẽ được chuyển vào hệ thống ủ kém khuấy đều để tạo thành phân bón, rồi chuyển vào khâu pha trộn và đóng bao. Phần nhựa, túi nylon được tách ra và chuyển vào dây chuyền sản xuất thành hạt nhựa tái chế. Toàn bộ quy trình sản xuất này được vận hành hoàn toàn tự động. Kết thúc công đoạn tái chế, rác sẽ được chuyển hóa thành 2 loại sản phẩm: phân bón và hạt nhựa tái chế.

Bà Huỳnh Thị Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam cho biết, hiện công ty đang gấp rút đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân compost từ rác thải. Dự kiến cuối năm 2010 sẽ đưa vào hoạt động. Khi nhà máy đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày sẽ tái chế gần 2.000 tấn rác thành phân compost.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm: hút hàng

Hiện còn gần 10 nhà đầu tư xử lý rác thải đến tìm hiểu và muốn đầu tư tại TPHCM, nhưng đã bị từ chối do không đủ lượng rác cung cấp. Có thể thấy, việc các nhà đầu tư ồ ạt đổ vốn vào xây dựng nhà máy tái chế rác thải cho thấy rác đang là nguồn nguyên liệu rất có giá trị trên thị trường. Mặt khác, nhiều chủ đầu tư cho biết, nếu TP thực hiện tốt chương trình phân loại rác tại nguồn và tổ chức thu gom theo loại rác đã phân loại, chắc hẳn giá trị của nguồn nguyên liệu rác sẽ còn cao hơn hiện nay.

Nhận định về thị trường tiêu thụ sản phẩm xanh từ rác, ông KB Seah lạc quan, cho rằng tiêu thụ sản phẩm xanh đang trở thành xu hướng chung của thế giới và Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo đó. Hơn nữa, sản phẩm phân compost sản xuất từ rác có chất lượng không thua các loại phân bón hiện nay trên thị trường, thậm chí còn tốt hơn.

Thực tế này đã được chứng minh, nông dân nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước phát triển đang sử dụng loại phân bón này cho cây trồng và sản lượng thu hoạch nông phẩm không kém gì các loại phân bón khác đang bán trên thị trường. Tại Việt Nam, nông dân chưa sử dụng không phải vì trên thị trường chưa bán sản phẩm này. Riêng hạt nhựa tái chế, giá thành không phải là điều đáng lo ngại. Hiện giá thành của hạt nhựa tái chế trên thế giới được định giá theo xăng dầu - một trong những mặt hàng khan hiếm và đắt đỏ nhất nhì thế giới hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Phước nhấn mạnh, việc hàng loạt nhà đầu tư tham gia vào hoạt động xử lý rác đô thị tại TPHCM cho thấy, rác đang là nguồn nguyên liệu được đánh giá cao. Các đơn vị xử lý rác đô thị không chỉ thu lợi nhuận từ việc TP trả chi phí xử lý mà bản thân họ cũng thu nhiều lợi nhuận từ việc bán sản phẩm tạo ra từ rác.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục