Sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm mà trong quá trình sử dụng cũng như loại bỏ ra môi trường đều không có hại cho môi trường. Những sản phẩm này rất cần phổ biến trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc phổ biến các sản phẩm này trong cuộc sống hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Sở Công thương TPHCM khẳng định, hiện trên thị trường đã có xuất hiện rất nhiều sản phẩm thân thiện môi trường. Phổ biến nhất là các loại sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, có một thực tế là những sản phẩm này đa phần là do doanh nghiệp tự khẳng định chất lượng và gắn vào nhãn mác tiết kiệm năng lượng. Còn thực tế tiết kiệm đến đâu thì không thể biết được. Bản thân các cơ quan chức năng hiện cũng thấy rõ sự bất cập này nhưng giải quyết vẫn đang rất lúng túng.
Đơn cử, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả quy định rõ bắt đầu từ ngày 1-1-2013, những sản phẩm gia dụng sử dụng điện phải thực hiện bắt buộc dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Hình thức này nhằm giúp người dân phân biệt rõ sản phẩm nào là sản phẩm tiết kiệm năng lượng đã được kiểm định, sản phẩm nào chưa. Ngoài ra, thông qua nhãn tiết kiệm này người tiêu dùng còn định rõ mức độ tiết kiệm năng lượng của các sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại. Từ đó có sự lựa chọn có lợi hơn cho chi phí cuộc sống và cũng là có lợi hơn cho môi trường. Tuy nhiên, bất cập nảy sinh của vấn đề này là không phải là do doanh nghiệp mà ở khâu kiểm định và chứng nhận của các cơ quan chức năng.
Cụ thể, hiện rất ít đơn vị có đủ năng lực kiểm định chỉ số tiêu hao năng lượng của các sản phẩm, hoặc có năng lực kiểm định nhưng chỉ giới hạn ở số ít sản phẩm trong tổng số hàng triệu sản phẩm đang lưu hành trên thị trường. Vậy thì dù doanh nghiệp có muốn kiểm định chất lượng sản phẩm cũng đành “bó tay”. Đó là chưa kể theo quy định thì chỉ có Bộ Công thương mới có chức năng cấp phép dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Các sở công thương ở các địa phương chỉ được hướng dẫn lập hồ sơ. Như vậy, chẳng khác nào doanh nghiệp phải chịu cảnh thắt nút cổ chai. Trong khi, năng lực của 64 sở công thương của các tỉnh thành bị vô hiệu hóa.
Sự bất cập trên đã và đang khiến cho sản phẩm thân thiện môi trường gặp khó ngay chính trên thị trường nội địa. Có thể nói, bản thân doanh nghiệp khi cải tiến công nghệ để đầu tư sản xuất ra sản phẩm thân thiện môi trường họ đã chịu không ít thiệt thòi. Thiệt do phải đầu tư chi phí sản xuất lớn, thiệt vì giá thành sản phẩm thường chênh hơn nhưng vẫn phải bán với giá thành bằng với giá sản phẩm cùng loại. Và nếu họ phải chịu thêm thiệt vì thủ tục xin cấp phép chứng nhận quá khó, quá rườm rà và nhiêu khê thì quả là oan nghiệt. Nếu thực tế trên không được giải quyết sớm thì việc phổ biến, vận động người dân ưu tiên dùng sản phẩm này chắc chắn sẽ rất kém hiệu quả. Bởi bản thân người dân sẽ không có cơ sở nào để có thể ưu tiên chọn tiêu dùng loại sản phẩm trên.
CHI LAN