Sản phẩm “xanh” hấp dẫn thị trường xuất khẩu

Sản phẩm “xanh” hấp dẫn thị trường xuất khẩu

Để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường quốc tế, bắt buộc doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải có các chứng nhận đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Thế nhưng, để có thể trụ vững và cạnh tranh được trên thị trường quốc tế thì ngoài việc sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, giá thành thấp, việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm “xanh” (SPX),  thân thiện với môi trường, là một yếu tố rất quan trọng.

Cải tiến nhỏ, lợi ích lớn

Ông Trần Hồng Long, điều phối dự án “Sản xuất sạch hơn vì sản phẩm tốt hơn” cho biết, việc hỗ trợ DN sản xuất SPX và phát triển bền vững cũng xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng SPX trên thế giới hiện nay. Đơn cử tại thị trường châu Âu, có khoảng 500 triệu dân với nhu cầu tiêu dùng đa dạng, nhưng phần lớn trong số họ đều chọn và sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Chế biến chả giò xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex. Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến chả giò xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex. Ảnh: CAO THĂNG

Bà Garrette E.Clak, thành viên Ban Kỹ thuật, công nghiệp và kinh tế của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc cho biết thêm, xu hướng trên thế giới đang tiến đến mục tiêu phát triển công nghiệp “xanh” và SPX. Đối với các công ty, ngoài việc đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, còn phải hướng đến tiêu chuẩn cao hơn, đó là tạo ra những SPX.

Ông Long cũng nhấn mạnh, SPX hay nói nôm na đó là DN phải tạo ra một sản phẩm tốt nhất, nhưng sử dụng nguyên vật liệu, nhiên liệu sản xuất ít nhất. Đặc biệt, trước và sau khi sản xuất cũng như sử dụng sản phẩm, chất thải gây hại cho môi trường phát sinh thấp nhất. Để sản xuất ra SPX không khó, quan trọng là DN có ý thức để xắn tay vào làm hay không.

Bà Huỳnh Thị Hồng Như, đại diện Công ty cổ phần Thủy sản Útxi giải thích thêm, thị trường xuất khẩu thủy sản do công ty sản xuất chủ yếu là châu Âu, vì vậy bắt buộc phải thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường và phải được các tổ chức trong nước và quốc tế cấp giấy chứng nhận. Nhưng như thế vẫn chưa đủ. Trong những năm gần đây, người dân châu Âu có xu hướng tìm đến với những SPX, ít chất thải gây hại môi trường. Để thích ứng với những thay đổi trên, công ty đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm cải tiến quy trình sản xuất để sản phẩm đạt các yêu cầu thân thiện với môi trường hơn. Cụ thể, công ty cho thiết kế lại bao bì sử dụng phù hợp với sản phẩm; thay đổi kích thước, khối lượng sản phẩm; cách bao gói sản phẩm được cải tiến nhằm giảm thiểu tối đa diện tích thừa. Từ đó, giảm được kích thước thùng carton, tăng số lượng hàng hóa đóng trên container; tận dụng các phụ phẩm để chế biến một số sản phẩm khác; giảm tối đa bao bì hỏng cũng như nguyên vật liệu sử dụng; hợp lý hóa việc sử dụng điện, nước, hóa chất…

Tương tự, bà Đặng Thị Trang, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Hùng Cá cũng cho biết thêm, để loại cá do công ty sản xuất được thị trường thế giới nhìn nhận là SPX, công ty cũng làm các động tác trên, đồng thời cải tiến lại hệ thống dây điện cho phù hợp với công suất sử dụng; lắp đặt tất cả khóa van đầu vòi nước để tránh thất thoát nước không cần thiết; tính toán lại thời gian cấp đông sản phẩm cá để giảm thời gian máy chạy không tải…

Việc ứng dụng sản xuất sạch để tạo ra những SPX tại các công ty trên đã và đang mang lại những lợi ích kinh tế rất lớn cho chính họ. Bà Huỳnh Thị Hồng Như cho biết, nhờ ứng dụng những giải pháp sản xuất sạch hơn mà công ty đã tiết kiệm khoản chi phí đáng kể phục vụ cho sản xuất. Cụ thể, công ty đã giảm 13,1% chi phí bao bì ni lông, giảm 12% chi phí thùng carton; giảm 34,4% chi phí khay để tôm… Thậm chí, đối với mặt hàng tôm Nabashi, công ty còn tiết kiệm đến 51,3% chi phí sử dụng mua thùng carton; tiết kiệm khoảng 100 triệu đồng/năm nhờ giảm tiền điện và tiền nước. Quan trọng hơn, công ty đã giảm chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang thị trường châu Âu nhờ giảm số lượng container mà vẫn đảm bảo khối lượng hàng hóa xuất khẩu không thay đổi… Đồng thời, nhờ giảm số lượng container vận chuyển, công ty đã gián tiếp góp phần giảm thiểu phát thải khí CFC gây hiệu ứng nhà kính. Bà Đặng Thị Trang cho biết thêm, việc ứng dụng các giải pháp sản xuất sạch còn giúp công ty giảm chất thải ra môi trường, giảm được thuế tái chế đánh vào các vật liệu bao gói khi xuất khẩu sản phẩm sang nước khác…

Phát triển thương hiệu “xanh” Việt Nam: tự phát

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, đại diện dự án “Sản xuất sạch hơn vì sản phẩm tốt hơn”, cho biết để tạo ra SPX nhất thiết phải được bắt đầu khâu thiết kế sản phẩm. Việc cải tiến bao bì đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho 2 công ty trên, nhưng không phải ngành nào cũng có thể áp dụng được. Hơn nữa, sự nỗ lực đơn lẻ của một hay một vài công ty trong việc đưa một nhóm SPX của Việt Nam ra thị trường thế giới nói chung và thị trường châu Âu nói riêng là khó khả thi.

Một vấn đề khác, để hướng tới phát triển sản xuất SPX nhất thiết phải có đội ngũ nhân viên kỹ thuật được đào tạo chuyên ngành, có đủ trình độ để thiết kế ra những SPX. Nhưng đây là vấn đề mấu chốt nhất mà nước ta đang thiếu. Hiện chưa có trường ĐH, CĐ và TCCN nào đào tạo chuyên ngành thiết kế sản phẩm bền vững. Do đó, vai trò của nhà nước và hiệp hội ngành nghề là rất quan trọng trong việc xây dựng xây dựng chính sách quốc gia về phát triển sản phẩm bền vững. Có như vậy thì sản phẩm xanh “made in Vietnam” mới nhanh chóng được hình thành, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng sản phẩm xanh của cộng đồng, cũng như từng bước trụ vững trên thị trường thế giới.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục