
Sau khi có Quy chế tổ chức và hoạt động của các trường ĐHTT, một số trường cao đẳng, đại học bán công, dân lập đã đệ trình phương án chuyển đổi lên ĐHTT, trong đó có Trường Cao đẳng bán công Hoa Sen (TPHCM). Tuần san SGGP Thứ bảy đã trao đổi với bà Bùi Trân Phượng (Hiệu trưởng nhà trường) xung quanh việc chuyển đổi này.
- Bà nhận định như thế nào về Quy chế tổ chức và hoạt động của các trường ĐHTT vừa được ban hành?

Bà Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng trường Cao đẳng bán công Hoa Sen. Ảnh:C.T.V.
- Tôi nghĩ, có quy chế thì các trường ngoài công lập (bán công, dân lập) rất phấn khởi. Tất nhiên, nội dung quy chế có điều này, điều kia khiến các trường chưa hài lòng lắm nhưng về cơ bản đã tháo gỡ được nhiều khó khăn cho các trường. Trước đây có quy chế cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nhưng thực tế qua một thời gian đã lộ rõ nhiều bất cập. Quy chế ĐHTT rành mạch hơn, xác định được trách nhiệm và quyền tự chủ của các trường một cách rõ ràng hơn.
- Vậy trường CĐBC Hoa Sen đã chuẩn bị ra sao để trở thành trường ĐHTT, thưa bà?
- Năm 2000, nhà trường đã có Nghị quyết chuẩn bị để trường trở thành trường đại học nhưng là chuyển từ CĐBC Hoa Sen lên Đại học Bán công Hoa Sen chứ chưa nghĩ đến loại hình tư thục. Cuối năm 2003, trường đã trình kế hoạch lên Bộ GD-ĐT nhưng ý kiến của Bộ GD-ĐT là không phát triển thêm loại hình bán công nữa mà chuyển sang dân lập hoặc tư thục.
Đến nay, nhà trường đã chuẩn bị mọi mặt về chuyên môn, nhân lực, cơ sở vật chất để chuyển thành ĐHTT.
- Trường có vướng mắc gì khi chuyển sang ĐHTT không, thưa bà?
- Nói chung là không có vướng mắc bởi đặc thù của CĐBC Hoa Sen là tự chủ về tài chính ngay từ đầu. Trường cũng đã tiến hành huy động vốn tư nhân và quản lý vốn huy động đó rất tốt từ năm 2001 đến nay. Chuyển sang loại hình ĐHTT, Trường CĐBC Hoa Sen chỉ có một việc cần giải quyết về mặt tài chính là xử lý tài sản công, nghĩa là nhà, đất của nhà nước thì xử lý như thế nào? Cái này vẫn chưa có chủ trương cụ thể mà còn chung chung.
Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng đã có dự thảo về Đề án chuyển đổi từ Cao đẳng, đại học dân lập, bán công sang ĐHTT. Theo Đề án này, khi chuyển đổi từ trường cao đẳng, đại học bán công sang ĐHTT sẽ tách đất ra khỏi trị giá nhà. Đất thì nhà nước giao cho các trường ĐHTT, còn cơ sở vật chất (nhà, trang thiết bị) thì có 4 phương án xử lý: một là nhà nước phân cho các trường; hai là nhà nước định giá và thu tiền lại một lần; ba là nhà nước định giá và cho trường trả dứt điểm trong vòng 5 năm; bốn là nhà nước tham gia với tư cách là vốn nhà nước, nhưng phương án bốn thì chẳng khác gì trở lại loại hình bán công. Cho nên, nhà trường đang lo lắng không biết sẽ được duyệt theo phương án nào.
- Như vậy, phương án chuyển đổi sang ĐHTT của CĐBC Hoa Sen còn đang chờ xét duyệt. Vậy tại sao trong dự kiến tuyển sinh năm học 2005-2006 sắp tới, CĐBC Hoa Sen đã ấn định sẽ tuyển khoảng 50% cho hệ ĐHTT?
- Tâm nguyện của nhà trường là được chuyển đổi sang ĐHTT ngay trong năm học 2005-2006 này. Tuy nhiên, theo đề án chuyển đổi của Bộ GD-ĐT thì lại muốn hoạt động tài chính của tất cả các trường ĐHTT phải bắt đầu từ năm 2006 cho… dễ quản lý, nhưng đợi đến đầu năm 2006 thì thật khó cho nhà trường. Cái mà nhà trường quan tâm là chất lượng và hiệu quả chứ không phụ thuộc vào loại hình bán công, dân lập hay tư thục. Ngay quy mô đào tạo, nhà trường không muốn phát triển ồ ạt. Đến năm 2008, tổng cộng các hệ đào tạo của trường là 5.550 sinh viên mà hiện nay con số sinh viên cũng đã xấp xỉ vậy rồi. Và khi đó số giáo viên cơ hữu cũng có hơn 50%, đáp ứng yêu cầu dạy tốt và học tốt.
Trong đợt tuyển sinh năm 2005-2006, chỉ tiêu nhà trường dự kiến là 1.100 sinh viên, trong đó 500 cho cao đẳng và cho 600 đại học. Ban giám hiệu nhà trường xét thấy đã sẵn sàng mọi mặt để chuyển đổi sang ĐHTT và đào tạo hệ đại học, chỉ mong UBND thành phố sớm kết hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan sớm định giá tài sản và quyết định phương án chuyển đổi cho trường. Còn nếu chưa định giá và xử lý kịp thì vẫn để trường tuyển sinh cho hệ đại học, chuyện tài chính xử lý sau cũng được.
TƯỜNG LÂM