Ông NGUYỄN VŨ BẢO HOÀNG, TGĐ CTCP phát triển Nhà Thủ Đức
Định hình cuộc chơi sòng phẳng
Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, và từ các nước châu Âu như Đức, Anh. Việc nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh đầu tư vào BĐS Việt Nam sẽ tác động đến thị trường, giá cả, đặc biệt là với phân khúc cao cấp và hạng sang.
Tuy nhiên, không phải chủ đầu tư nào cũng đủ năng lực đi đến cùng trong việc tạo ra sản phẩm để bán thu tiền về. Bởi dự án BĐS có chu kỳ dài, đòi hỏi vốn lớn và năng lực hoạch định, quản lý.
Do vậy, dự đoán xu hướng M&A DN BĐS (mua, bán, sang nhượng dự án) sẽ tiếp tục sôi động đủ mọi cấp độ, từ quy mô nhỏ 1-2ha cho đến dự án quy mô lớn vài chục ha. Từ thực tế đó, yêu cầu của thị trường hiện đại đòi hỏi DN phải liên tục tái cấu trúc để đổi mới, xây dựng văn hóa, tinh thần DN, thể hiện đầy đủ trách nhiệm với khách hang và xã hội.
Trong năm nay, từ những yếu tố vĩ mô đi kèm với các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư thông thoáng hơn, sẽ kích thích dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Dự báo trong vòng 5 năm tới, kinh doanh BĐS sẽ tiếp tục thu hút trên dưới 3 tỷ USD vốn FDI mỗi năm.
Điều này chứng tỏ thị trường BĐS nói chung và DN đầu tư BĐS Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội làm ăn với những DN lớn trên thế giới. Việc thị trường BĐS chính thức hội nhập quốc tế sẽ tạo nên cuộc chơi rất quyết liệt, sòng phẳng với những DN có tiềm lực kinh tế mạnh đến từ khối ngoại.
Ông NGUYỄN THANH TRUNG, Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Tôn Đông Á:
Tự tin cạnh tranh
Năm 2017, toàn ngành thép có mức tăng trưởng tương đối tốt khoảng 30%. Sự phát triển này có được do nội tại của nền kinh tế đang có những bước phát triển ổn định, nhờ vào các định hướng mang tính chiến lược dài hạn của Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Với riêng ngành thép lá mạ cũng có những bước phát triển tốt trong năm qua. Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ ở nội địa, thị trường xuất khẩu của ngành cũng có những bước đi thuận lợi hơn với nhiều cơ hội tăng thị phần.
Năm qua Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực rất nhiều trong việc hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, điều này đã có tác động tích cực đối với DNNVV, DN siêu nhỏ. Tất nhiên những chính sách hỗ trợ này cần có thời gian dài để đi vào thực tế đời sống, hỗ trợ tốt nhất cho DN phát triển và có thể tự tin cạnh tranh nhất là trong bối cảnh cánh cửa hội nhập đang mở ra ngày càng rộng hơn.
Năm 2018, trong bối cảnh nền kinh tế có những bước phát triển cứng bền vững hơn, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ngay nhà đầu tư trong nước cũng vững niềm tin hơn trong việc mạnh dạn đầu tư để tạo ra các sản phẩm cho người Việt Nam, cho thương hiệu Việt. Lâu nay khi xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, tỷ trọng đóng góp của khối DN FDI vẫn chiếm phần lớn.
Nhưng với xu thế tạo thuận lợi cho nhà sản xuất trong nước sẽ là những điều kiện tốt nhất để sản phẩm Việt Nam vươn xa hơn. Đặc biệt, các DN tư nhân rất mong muốn có những chính sách công bằng giữa DN FDI và các nhà sản xuất trong nước. Song ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, để tự tin cạnh tranh trong hội nhập, nỗ lực tự thân của mỗi DN hết sức quan trọng.
Ông NGUYỄN HIẾU, Thành viên HĐQT kiêm TGĐ CTCK Rồng Việt:
Ông NGUYỄN HIẾU, Thành viên HĐQT kiêm TGĐ CTCK Rồng Việt:
Kinh tế vĩ mô ổn định kích hoạt thị trường
Kinh tế vĩ mô năm 2017 đã làm quá tốt vai trò bệ đỡ cho thị trường chứng khoán (TTCK). Bước sang 2018, chúng tôi cho rằng đây là năm bản lề định ra bức tranh tăng trưởng dài hạn của Việt Nam trong thời gian tới. 5 vấn đề tiêu biểu có tính chất quyết định gồm: Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN với quy mô thoái vốn lớn nhất lịch sử; tái cơ cấu ngân sách nhà nước và những cải cách đột phá về thuế; xác định động lực tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế với 3 đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; cắt giảm thủ tục hành chính đi vào giai đoạn quyết liệt hơn để giữ được lòng tin của giới đầu tư; tái đàm phán hàng loạt hiệp định thương mại.
TTCK đã bền vững hơn thời điểm cách đây 10 năm, khi VN Index thuộc top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trên thế giới. Mức P/E bình quân 15x trong nhiều năm đã được nâng lên 17-18x. Mặt bằng chung của nhiều cổ phiếu cũng được nâng lên, trong khi tính chọn lọc diễn ra mạnh mẽ.
Trên cơ sở này, bối cảnh TTCK 2018 được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tích cực, ít nhất trong 6 tháng đầu năm. Thứ nhất, xét về mặt định giá, dù TTCK Việt Nam không còn rẻ nhưng điều này hoàn toàn hợp lý. Đặt trong bối cảnh so sánh với các thị trường trong khu vực hay các thị trường vừa mới nâng hạng từ cận biên lên mới nổi theo chuẩn MSCI, TTCK Việt Nam vẫn còn hấp dẫn ở phía trước.
Thứ hai, khả năng tăng trưởng tốt về doanh thu, lợi nhuận của DN niêm yết là khả thi dựa trên nền bức tranh vĩ mô kỳ vọng ổn định.
Thứ ba, dòng vốn vào thị trường có thể tiếp tục dồi dào từ cả yếu tố vốn nội lẫn vốn ngoại.