
- Từ “ông Ba tắc kè”
Qua khỏi thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) chừng hai cây số về hướng bến phà Dù Tho – Hòa Hinh, theo lời anh xe ôm, tôi quẹo phải vào con lộ dẫn tới ấp Bônô Combốt thuộc xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên) nhưng hỏi hơn mười người vẫn không tìm được nhà anh Trương Văn Đoàn – một trong số những người chuyên sống bằng nghề săn tắc kè. Tưởng chừng như mất dấu anh “thợ săn” mà tôi nhiều ngày đeo bám thì một chị chủ quán hỏi: “Có phải chú tìm “ông Ba tắc kè” không?”. Thì ra ở đây không ai biết anh tên Đoàn mà chỉ gọi là “ông Ba tắc kè”. Căn nhà lá của anh nép mình bên rặng tre, hôm tôi đến anh đang lui cui dưới bếp nung thanh sắt để chế tạo dụng cụ bắt tắc kè, chuẩn bị cho chuyến đi săn mới.

Anh Đoàn nhớ lại: “Lúc mới theo vợ từ Cù Lao Dung về đây, gia đình tôi không có ruộng đất sản xuất, hai vợ chồng chỉ biết cấy thuê, gặt mướn. Lúc nông nhàn, không có việc làm bỗng nảy sinh ý định bắt tắc kè bán cho mấy ông ngâm rượu, ai dè tắc kè bắt được bao nhiêu cũng không đủ bán...”. Theo lời anh nói, muốn bắt tắc kè, nhất là ở trong nhà người lạ, không phải đơn giản như câu thằn lằn núi nên “thợ săn” phải sử dụng nhiều dụng cụ như: đuốc, đèn pin, cần câu và móc sắt...
Tại nhà ông Ba Hên ở xã Châu Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), sau khi phát hiện cặp tắc kè bố mẹ và gần chục chú tắc kè con đang nằm ngủ sau tủ thờ, anh Đoàn liền soi đèn pin chiếu vào. Bị động, lũ tắc kè chạy nháo nhào lên trên nóc nhà nên anh không thể dùng móc sắt móc vào mắt tắc kè mà phải dùng đến cần câu. Cần câu là một cây trúc dài khoảng 5m, trên đầu có sợi dây nhỏ, trơn, cột thành thòng lọng theo kiểu “thắt cổ chó” để đưa vào cổ tắc kè rồi giật mạnh.
Tuy nhiên, do cần câu của anh quá dài mà nhà ông Ba Hên có chiều ngang rất hẹp, sợ trúng tivi và đồ trên bàn thờ nên chiếc cần câu cũng trở nên vô dụng. Sau hơn một giờ dụ đàn tắc kè chạy ngược lại vào phía sau tủ thờ anh mới một mình soi đèn và dùng thanh sắt móc ra từng con một cách điệu nghệ.
Anh cho biết: “Tắc kè lì lắm, muốn bắt được nó phải móc vào mắt kéo mới được, nếu móc vào da thì có kéo đến rách thịt nó cũng nằm... chịu trận”. Hết vào nhà dân ở Châu Hưng, anh Đoàn lại chỉ tôi chạy xe về hướng huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) để săn tắc kè trong bọng cây. “Bắt tắc kè trong bọng cây thường dùng móc sắt, nếu chúng ngoan cố thì dùng cây đuốc tẩm dầu, châm lửa rồi đưa vào. Bị nóng chúng sẽ chạy ra ngoài, khi đó dùng cần câu có thòng lọng xiết cổ nó.
Tuy nhiên, có lần không gặp tắc kè mà gặp cả đàn ong vò vẽ tủa ra, suýt nữa phải bỏ mạng ngoài rừng”, anh Đoàn tâm sự. Một nỗi lo khác trong nhiều năm đi săn tắc kè đối với anh Đoàn là sợ bị chủ nhà nghi là ăn trộm. Anh nói thật thà: “Chính vì vậy mà tôi không dám đi vào ban đêm. Bắt ở nhà người lạ thì phải đi ban ngày, phải minh bạch để khỏi bị mang tiếng xấu”.
- Đến “nữ sĩ tắc kè”
Điều bất ngờ nhất trong những ngày đi tìm tư liệu viết bài này là gặp một “thợ săn” ở ấp Tâm Phước, xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) là một phụ nữ chân yếu, tay mềm. Cũng như anh Đoàn, cả ấp Tâm Phước hiếm người biết tên chị là Hứa Ngọc Kiều. Chiều tối nào cũng vậy, thấy chị choàng khăn, quảy giỏ đi ngang nhà, mọi người đều gọi chị là “Nữ sĩ tắc kè”. Lý do chị đến với nghề từ mười năm nay rất đơn giản. Những ngày đầu từ Đồng Tháp theo chồng về xã Đại Tâm, nghe nhiều “đệ tử lưu linh” trong xóm tìm tắc kè để ngâm rượu, gặp lúc gia đình túng quẫn nên chị quyết định đi... “săn”.
Cái khác của chị là nếu như anh Đoàn dùng đèn pin thì chị Kiều dùng đèn bình ắc quy bởi chị thường đi săn vào lúc nửa đêm. Chị cho biết: “Ban đêm yên tĩnh hơn và tắc kè cũng thường săn mồi vào lúc nửa đêm nên không cần mò tìm trong bọng cây, tốn thời gian”. Sau nhiều năm rong ruổi với nghề khắp các tỉnh ĐBSCL, chị Kiều phát hiện Trà Vinh là nơi có nhiều tắc kè tập trung, nhất là ở các ngôi chùa, vườn cây cổ thụ ở huyện Cầu Ngang. Chính vì vậy mà có lúc chị thuê nhà trọ ở 3-4 tháng mới về nhà một lần.
Chị tâm sự: “Muốn có ăn phải luân phiên mỗi tỉnh vài tháng. Có khi trúng mánh tôi bắt đến 40 con/đêm. Con bằng ngón chân cái bán 5.000 – 7.000 đồng/con, lớn hơn một chút bán được 10.000 đồng/con. Tháng nào sức khỏe tốt một mình tôi bắt cả trăm con nhưng vẫn không đủ bán cho các mối ở Hà Hội, Phụng Hiệp và Châu Đốc”. Tuy nhiên, nghề săn tắc kè ban đêm đôi khi cũng gặp nhiều hiểm nguy không lường trước được. Không ít lần chị Kiều phải vào bệnh viện hoặc nằm dưỡng thương ở nhà vài tuần do gặp phải tổ ong hoặc bị rắn độc cắn.
- Đặc sản tắc kè

Soi đèn pin để bắt tắc kè.
Những năm gần đây, ngoài ngâm rượu, tắc kè còn trở thành món ăn khoái khẩu vì nhiều người cho rằng ăn tắc kè sẽ trị được nhiều loại bệnh, giúp cơ thể cường tráng, bổ cả âm-dương.
Cầm năm con tắc kè mập ú u sau một ngày đi săn, anh Đoàn quyết định thưởng công “chạy xe ôm” cho tôi bằng một chầu rượu đế với năm món ăn được chế biến từ thịt tắc kè mà theo anh toàn là những món đặc sản. Cứ tưởng thịt tắc kè hôi tanh nhưng cả 5 món đặc sản đều thơm lừng, thịt ngọt không thua thịt kỳ đà, rắn hổ.
Chị Kiều còn cho biết thêm cách nấu nhiều món khác như: tắc kè nấu cháo đậu xanh, khìa nước dừa, xào khóm hay hấp cách thủy (trị bệnh suyễn). Đem những thông tin về tắc kè đến trao đổi với Lương y Lư Văn Hùng – Giám đốc Doanh nghiệp sản xuất thuốc Đông dược Lợi Hòa Đường (Sóc Trăng), ông Hùng cho biết: “Đúng là những thang thuốc rượu có tắc kè nếu uống điều độ sẽ có tác dụng tốt cho sức khỏe, giúp trị được bệnh phổi và bệnh thận”.
Theo kinh nghiệm của anh Trương Văn Đoàn, tắc kè không chỉ nấu được năm, bảy món vì làm tắc kè đơn giản như làm thịt ếch. Anh Đoàn mách nước: “Sau khi cắt bỏ đầu, lột da, vứt bỏ ruột gan thì tắc kè có thể nấu canh chua hoặc kho sả ăn với cơm rất ngon”. Riêng về cách ngâm rượu, chị Kiều có bí quyết: “Khi ngâm rượu không cần phải lột da mà chỉ cắt đầu và móc bỏ bộ lòng. Sau đó ngâm tắc kè vào cồn 90 độ khoảng 12 tiếng đồng hồ mới cho vào bình rượu. Nếu không ngâm cồn trước thì tắc kè sẽ bị thối rữa”.
Không dừng lại ở nghề săn tắc kè, những “thợ săn” còn dự tính mở quán bán rượu tắc kè và các món đặc sản chế biến từ những con tắc kè do chính họ săn được với các tên quán (tất nhiên là dự kiến) nghe khá vui tai như: quán “tắc kè bảy món”, “tắc kè đồng quê”...
HỒNG DÂN