Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, luật thuế mới áp dụng cho các sản phẩm bao bì, túi ni lông sẽ được ban hành. Theo đó, các sản phẩm này, sẽ phải chịu mức thuế 40%. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Mỗi năm nước ta sử dụng gần 3 triệu tấn sản phẩm nhựa các loại, riêng các sản phẩm bao bì chiếm đến 40%, tương đương hơn một triệu tấn. Từ đó có thể thấy nhu cầu sử dụng các loại bao bì để chứa đựng hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng là rất lớn, tuy nhiên, ảnh hưởng tiêu cực từ các loại sản phẩm được làm từ nhựa PP khó phân hủy này đối với môi trường cũng không nhỏ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, đã tiến hành nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm bao bì có khả năng tự phân hủy sau một khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên, khi có một số DN giới thiệu sản phẩm của mình là bao bì phân hủy sinh học, thì không có cơ quan chức năng nào xác nhận vì vẫn chưa có tiêu chuẩn để khẳng định được điều này. Hơn nữa, hiện chưa có trung tâm phân tích nào có đủ phương tiện trang thiết bị để phân tích đâu là loại bao bì phân hủy sinh học hay sản phẩm bao bì ni lông thông thường.
Ông Nguyễn Phước Đông, Giám đốc Công ty CP Bao bì Vafaco cho biết, hiện nay trên thế giới đã có một số tiêu chuẩn để kiểm tra, đánh giá chất lượng các loại sản phẩm bao bì phân hủy sinh học nhưng chi phí để thực hiện điều này là rất cao. Bản thân Vafaco khi tiến hành nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm bao bì phân hủy sinh học với chất phụ gia tự hủy Reverte, khi gửi mẫu sản phẩm sang Anh kiểm nghiệm có kết quả cũng phải mất đến gần 2 năm. Quan trọng hơn hết, các kết quả kiểm nghiệm này vẫn chưa được các cơ quan chức năng công nhận để căn cứ vào đó áp dụng miễn thuế theo luật thuế mới.
Theo ông Đông cùng nhiều DN ngành nhựa khác, nếu nhà nước không kịp thời có những phương án vận dụng sớm nhất trong tháng 12 thì mức thuế 40% này sẽ gây khó khăn rất lớn cho DN, chi phí sản xuất tăng kéo theo giá thành tăng cao, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ, thậm chí triệt tiêu ngành sản xuất túi nhựa trong nước, chưa kể đến việc có thể xảy ra hiện tượng nhập lậu từ một số khu vực lân cận như Trung Quốc, Thái Lan… Khi đó, không chỉ mục tiêu giảm thiểu sử dụng túi ni lông cũng khó đạt được, môi trường vẫn bị ô nhiễm nghiêm trọng do các sản phẩm này gây ra mà thị trường tiêu dùng túi nhựa cũng khó kiểm soát.
HIẾU THƯỢNG