Sản xuất lúa hữu cơ: Lối đi hiệu quả, bền vững

Giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh, nhất là phân bón, khiến sản xuất lúa của nông dân thêm khó khăn, lợi nhuận giảm. Do đó, chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường, không chỉ là câu chuyện để giảm giá thành sản xuất, mà còn là con đường bền vững của vựa lúa ĐBSCL.
Sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm ở Trà Vinh cho hiệu quả cao. Ảnh: TÍN DI
Sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm ở Trà Vinh cho hiệu quả cao. Ảnh: TÍN DI

Hợp tác xã (HTX) Tân Long, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) đang là điểm sáng điển hình trong sản xuất lúa sạch. Bước sang tháng 4-2022, ông Nguyễn Văn Thích, Phó Giám đốc HTX Tân Long vui mừng khi ký kết với nông dân huyện Phụng Hiệp và huyện Long Mỹ trồng thêm 24ha lúa sạch. Ngoài hướng dẫn kỹ thuật (ghi nhật ký, kỹ thuật bón phân hữu cơ theo công thức 70% hữu cơ - 30% vô cơ…), HTX còn bao tiêu thu mua lúa hàng hóa bằng với giá thị trường và cộng thêm 500 đồng/kg lúa. Được biết, gạo sạch Vị Thủy của HTX Tân Long sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ bán với giá từ 26.000 - 30.000 đồng/kg cho các doanh nghiệp đầu mối. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện toàn tỉnh chỉ mới trồng hơn 100ha lúa theo quy trình hữu cơ; còn sản xuất theo quy trình sạch, ghi nhận ký đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP thì nhiều.

Ở các tỉnh ven biển ĐBSCL cũng có mô hình sản xuất hữu cơ, chủ yếu trên nền đất lúa - tôm. Trong đó, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng và Kiên Giang… là những địa phương có diện tích sản xuất hữu cơ, gắn liền với thương hiệu gạo sạch ST24, ST25...  Kiên Giang hiện có 7 cơ sở sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ, với diện tích 1.200ha, sản lượng trên 3.000 tấn/vụ, chủ yếu tập trung trên nền đất nuôi tôm. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: “Mô hình tôm - lúa hữu cơ ở các huyện U Minh Thượng, An Minh, An Biên… có hiệu quả cao, thậm chí giá trị tăng 4-5 lần so với mô hình sản xuất 2 vụ lúa trước đây. Tới đây, Kiên Giang sẽ tiếp tục chuyển đổi sản xuất tôm - lúa đối với các vùng ven biển như huyện Kiên Lương, Hòn Đất và các vùng còn lại nhằm tăng diện tích hữu cơ”.

PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho rằng: “Vấn đề là chúng ta cần phải biết nhu cầu sản phẩm hữu cơ là bao nhiêu (về tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) để tổ chức sản xuất theo đơn đặt hàng một cách hợp lý”. Theo các nhà khoa học, khi giá phân bón tăng mạnh như hiện nay, vựa lúa ĐBSCL cần kết hợp cả hai chiến lược: sản xuất theo quy trình sạch (hạn chế phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật) và sản xuất hữu cơ dựa trên nhu cầu của thị trường.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ: “Về giá cả vật tư đầu vào và đầu ra, đây là câu chuyện canh cánh bên lòng và cũng là thực trạng phải đối mặt, nhất là những đứt gãy nguồn cung nguyên liệu. Chúng tôi làm việc với nhau để cân bằng giữa xuất với nhập, những nguyên vật liệu chính có tác động tới nông nghiệp. Tuy nhiên, thị trường có độ trễ không phải ngày một ngày hai…”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, việc nông dân chủ động chuyển từ nguồn phân bón hóa học sang phân bón hữu cơ không chỉ là giải pháp ngắn hạn mà còn mở ra cả một đường đi dài hạn.

PGS-TS Dương Văn Chín phân tích, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phong trào rộng khắp thế giới. Nhiều nước ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong khi Việt Nam đã có những thành tựu bước đầu. Diện tích nuôi trồng hữu cơ gia tăng qua từng năm, gắn với các tiêu chuẩn để đạt sản phẩm hữu cơ, nhiều công ty dịch vụ trong nước cũng như quốc tế đang làm dịch vụ chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam. Cần phân biệt giữa nông sản sạch và nông sản hữu cơ. Nông sản sạch là vẫn làm theo kiểu truyền thống, áp dụng phân bón, kể cả phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật…, nhưng phải đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn theo từng quốc gia. Còn nông sản hữu cơ là sản xuất theo quy trình hữu cơ, không sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV hóa học, do đó năng suất thường thấp, giá bán phải cao, nông dân mới có lời…

Tin cùng chuyên mục