Sản xuất phim "Chạy án 3" không có sự thỏa hiệp

Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) vừa chính thức khởi động dự án phim truyền hình dài tập Chạy án 3 với tựa đề Đặc biệt nguy hiểm. Tác giả kịch bản - nhà văn, nhà báo, đại tá công an Nguyễn Như Phong đã bày tỏ sự bức xúc vì theo ông, kịch bản đã bị đạo diễn, nhà sản xuất tự ý sửa đổi. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả về vấn đề này.
Sản xuất phim "Chạy án 3" không có sự thỏa hiệp

Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) vừa chính thức khởi động dự án phim truyền hình dài tập Chạy án 3 với tựa đề Đặc biệt nguy hiểm. Tác giả kịch bản - nhà văn, nhà báo, đại tá công an Nguyễn Như Phong đã bày tỏ sự bức xúc vì theo ông, kịch bản đã bị đạo diễn, nhà sản xuất tự ý sửa đổi. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả về vấn đề này.

* PHÓNG VIÊN: Sự thật việc kịch bản Chạy án 3 bị nhà sản xuất và đạo diễn tự ý chỉnh sửa như thế nào, thưa anh?

- Tác giả NGUYỄN NHƯ PHONG: Cho đến nay, tôi cũng chưa biết họ sửa kiểu gì. Nhưng chỉ biết chắc chắn rằng phim của tôi bối cảnh toàn bộ ở ngoài Bắc, nhân vật là người Bắc, những sự kiện diễn ra trong phim cũng là ở ngoài Bắc; vậy mà bây giờ lại thấy họ nói rằng, phim làm theo bối cảnh ở miền Tây và Đông Nam bộ. Nếu như họ dám làm như vậy thì có nghĩa là họ thay đổi toàn bộ kịch bản chứ không phải là sửa nữa. Đây là điều tôi không thể chấp nhận được.

* Nếu được bàn bạc, để phù hợp với tình hình sản xuất tại phía Nam, anh có đồng ý với kịch bản mới này không?

- Nhà sản xuất cũng đã gọi điện và hẹn sẽ gặp tôi để tìm cách giải quyết, nhưng tôi nói rõ ở quan điểm là không thể sản xuất phim này ở phía Nam được và cũng không thể sửa chữa kịch bản để chuyển vào phía Nam, bởi nếu làm như vậy có nghĩa phải viết lại một kịch bản khác. Tôi cũng đã khuyên nhà sản xuất phải đưa kịch bản này ra Hà Nội để làm và nên tìm một đạo diễn là người phía Bắc am hiểu về đời sống của người miền Bắc vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, đặc biệt là trong những năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ.

Diễn viên Trương Minh Quốc Thái và Anh Thư trong một cảnh quay của Chạy án 3

* Vậy làm sao để không có sự mâu thuẫn giữa tác giả kịch bản, đạo diễn, nhà sản xuất?

- Cho đến nay, tôi đã viết khoảng trên 300 tập phim hình sự. Và trong quá trình thực hiện bộ phim, điều tôi rất mừng là các đạo diễn làm phim của tôi đều rất tôn trọng kịch bản, tôn trọng tác giả. Vì thế, khi cần thay đổi, sửa chữa, thêm bớt gì, các anh đều có sự bàn bạc và thường là họ nêu ý tưởng chỉnh sửa và tôi là người chắp bút viết lại. Có thể nói rằng, các đạo diễn đã làm cho chất lượng kịch bản khá hơn nhiều và có những bộ phim như Đồng tiền quỷ ám, tôi thấy phim còn hay hơn kịch bản.

* Có vẻ hiện nay rất hiếm kịch bản tốt, đội ngũ sáng tác cũng rất mỏng và non nghề, dưới góc độ của một người viết kịch bản lâu năm, anh lý giải thế nào về việc này?

- Tôi không phải là người viết kịch bản chuyên nghiệp mà đây là nghề tay trái của tôi. Tuy nhiên, trong khoảng 15 năm qua, tôi đã viết rất nhiều kịch bản phim. Đúng là trong khâu kịch bản hiện nay đang có vấn đề. Hình như người ta đang có một phong trào sáng tác kịch bản theo kiểu “mì ăn liền”, nghĩa là một người nêu ra ý tưởng, vạch ra đề cương, phác họa ra nét chính của một số nhân vật chính trong phim rồi giao cho một nhóm thực hiện.

Tôi không biết ở phương Tây họ sáng tác kịch bản thế nào, họ có làm như thế hay không và nếu làm thế thì có điều kiện gì. Với cá nhân tôi không thể nào làm được kiểu này, kịch bản của tôi là tự tôi viết. Và khi sửa chữa kịch bản thì cũng tự tôi sửa chữa, không giao cho bất cứ một ai. Cũng có trường hợp đạo diễn thấy rằng cần phải thêm chỗ nọ bớt chỗ kia và họ trao đổi với tôi trong những trường hợp không quan trọng lắm, đặc biệt không liên quan đến nhân vật công an thì có khi tôi đồng ý. Tuy nhiên đó là trước đây, còn bây giờ thì tôi không thể đồng ý được bởi tôi đã có một bài học trong phim Bí mật Tam giác vàng.

Còn về đội ngũ sáng tác kịch bản hiện nay, tôi có cảm giác thiếu những người viết kịch bản hay, hay nói nôm na là những người viết kịch bản có vốn sống dày dặn, có kinh nghiệm và có tài ngày càng ít.

Giá nhuận bút trả kịch bản lại quá rẻ, kịch bản trả cho một bộ phim dài 45 phút thường không đến chục triệu đồng, còn cao lắm thì đến 14-15 triệu đồng/tập, đó là một giá quá bèo. Và tôi thấy người ta cũng không tôn vinh người viết kịch bản. Hình như trong giải thưởng về điện ảnh, không bao giờ nhắc đến tác giả kịch bản, dù là phim đó có khi được giải Cánh diều vàng, bạc hay giải thưởng gì đó...

* Vụ Chạy án 3, anh có hướng giải quyết thế nào với kịch bản này, khi mà bộ phim đang trong quá trình sản xuất?

- Tôi thấy rằng không có cách giải quyết nào khác, đó là phải trả lại bối cảnh nguyên ở ngoài Bắc. Thứ hai là phải làm theo đúng kịch bản. Còn nếu họ không làm thì thôi, tôi không chấp nhận sửa chữa kịch bản của tôi, nếu tôi chưa đồng ý. Mà kịch bản của tôi đã đăng ký bản quyền. Tôi có nói với lãnh đạo Trung tâm Phát thanh - Truyền hình - Điện ảnh Công an nhân dân, nếu các anh không có khả năng làm phim này mà lại thuê đạo diễn làm phim theo kiểu thị trường thì trả lại tôi kịch bản và tôi trả lại họ tiền. Đối với tôi, việc làm phim Chạy án 3 không thể có sự thỏa hiệp nếu đưa bối cảnh từ miền Bắc vào miền Nam.

* Anh có lời khuyên gì cho các nhà biên kịch, khi họ gửi kịch bản đến các nhà sản xuất?

- Tôi nghĩ rằng, với những nhà biên kịch có bề dày kinh nghiệm, bản lĩnh thì chắc chắn họ sẽ có những nguyên tắc của họ với nhà sản xuất. Còn với các nhà biên kịch tổ chức sản xuất theo nhóm có lẽ họ chẳng cần phải “lao tâm khổ tứ” nhiều cho kịch bản, họ chỉ cần bán kịch bản, lấy tiền là xong, còn đạo diễn muốn nhào nặn thế nào thì mặc kệ. Quan trọng là, anh đẻ ra một đứa con tinh thần thì anh phải yêu quý đứa con đó và giao cho ai dạy dỗ là quyền của anh.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục