“Sản xuất sạch hơn sẽ giúp cải thiện hình ảnh công ty, làm tăng lợi nhuận về kinh tế, tăng năng suất lao động, nhất là giảm lượng chất thải, khí thải độc hại góp phần tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Các DN khác cũng nên áp dụng rộng rãi công nghệ này để nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường”. Đây là những nhận định của nhiều công ty khi làm việc với ban tổ chức giải thưởng Doanh nghiệp xanh do UBND TPHCM chủ trì, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện.
Tăng lợi nhuận
Ông Trần Quốc Anh, Phó giám đốc Công ty Nhựa Duy Tân, cho biết, việc sản xuất sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lượng điện năng rất lớn nên công ty đã áp dụng nhiều biện pháp sản xuất sạch hơn để giảm được chi phí. Theo đó, công ty đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt biến tần cho các máy thổi thế hệ cũ đang sử dụng động cơ thủy lực để giảm lượng điện tiêu thụ. Kết quả là trung bình hàng tháng công ty tiết kiệm được khoảng 10%-25% lượng điện tiêu thụ. Một giải pháp có thể nói quan trọng nhất của công ty, nếu không muốn nói là quyết định đến sự sinh tồn của công ty là việc chuyển sang sản xuất nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Trước đây, công ty thường sản xuất và sử dụng các sản phẩm nhựa PVC. Loại nhựa này khi gia nhiệt ở nhiệt độ cao sẽ phát sinh ra các khí gốc Cloride - khí góp phần gây thủng tầng ozone. Không chỉ vậy, sản xuất bao bì PVC có sử dụng nhiều hóa chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Từ thực tế đó, năm 2010 Công ty Duy Tân cải tổ toàn bộ hoạt động sản xuất. Đầu tiên là thực hiện kế hoạch chấm dứt sử dụng PVC và thay thế bằng các nguyên liệu thân thiện với môi trường P.E.T. Công ty đã đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất P.E.T mới từ châu Âu và thiết bị phụ trợ từ Nhật Bản. Kể từ năm 2011 đến nay, công ty đã hoàn toàn chấm dứt sử dụng màng co PVC.
Tương tự, hiệu quả của việc sản xuất sạch đã và đang được phát huy mạnh mẽ tại nhiều công ty như Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình, Nhà máy Sữa Trường Thọ, Nhà máy Sữa Thống nhất, Công ty Unilever Việt Nam, Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương 25, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long… Đại diện Công ty Dược phẩm 2-9 nhấn mạnh, phương châm hoạt động của nhà máy là luôn hướng tới sản xuất sạch và kiểm soát các nguồn ô nhiễm một cách có hiệu quả. Do vậy, trong quá trình sản xuất, công ty luôn thực hiện theo đúng quy định về tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để làm được điều này thì vai trò của lãnh đạo công ty rất quan trọng. Bản thân họ phải quyết tâm và nhất quán trong quan điểm cải thiện hoạt động sản xuất của công ty theo hướng xanh, sạch hơn. Từ đó mới tạo cơ sở để phổ biến rộng rãi tới tất cả cán bộ công nhân viên trong công ty.
Tạo nhiều cơ hội
Ông Bùi Văn Huống, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long, khẳng định, phát triển theo hướng xanh hơn không những giúp DN có thể tiết giảm chi phí trong sản xuất nhờ sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách hợp lý mà còn giúp giảm chi phí cho hoạt động xử lý chất thải. Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, hiện DN chuyển giao 1 tấn chất thải nguy hại có giá từ 4 triệu – 12 triệu đồng. Thậm chí, với một số loại chất thải nguy hại có giá chuyển giao lên đến 40 triệu đồng. Không chỉ vậy, nếu nước thải phát sinh trong hoạt động sản xuất chứa nhiều chất thải thì chi phí xử lý nước thải này cũng rất cao. Do vậy, sản xuất sạch ngay từ nguồn đầu vào sẽ tạo lợi ích kép về chi phí cho DN trong việc xử lý đầu ra.
Ông Bùi Văn Huống cho biết thêm, nhận thức được lợi ích đó nên vào tháng 5-2011, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long quyết định thành lập Ban cải tiến. Ban cải tiến có nhiệm vụ đề xuất những giải pháp sản xuất mới góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho công ty. Hiện nay Thiên Long đã và đang áp dụng một số giải pháp sản xuất sạch hơn như giảm bớt 6 máy nước uống; lắp tôn sáng xưởng ép, giúp giảm sử dụng đèn cao áp; thực hiện cắt giảm nhu cầu sử dụng máy lạnh vào giờ không cần thiết...
Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, khẳng định, DN đã và đang nhận thức rất rõ về lợi ích từ việc sản xuất sạch hơn. Hiện thành phố đang có nhiều chính sách hỗ trợ DN cải tiến sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường. Cụ thể, thành phố có quỹ xoay vòng vốn và giảm thiểu ô nhiễm.
Theo đó, các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có ô nhiễm cần phải khắc phục; các doanh nghiệp thực hiện chương trình di dời theo chủ trương của thành phố… sẽ được hỗ trợ toàn bộ lãi vay ngân hàng hoặc vay vốn với lãi suất ưu đãi 4%/năm trong suốt thời gian vay vốn để đầu tư những hạng mục xử lý ô nhiễm cuối nguồn, sau khi có phương án và quyết định cho vay của ngân hàng cho vay. Hạn mức cho vay mỗi dự án bằng đồng Việt Nam tương đương tối đa 607.000USD (trong đó 500.000USD từ phần vốn của ADB và 107.000USD từ phần vốn HFIC). Thời gian cho vay từ 3 đến 7 năm tùy theo từng dự án, trong đó thời gian ân hạn trả vốn tối đa 1 năm.
Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý đang được xem là nguồn vốn ưu đãi cho nhiều dự án cải thiện môi trường. Vấn đề còn lại là DN sẽ tự nỗ lực cải thiện mình như thế nào để được tiếp cận những nguồn vốn trên. Mặt khác, về phía cơ quan chức năng, nhất là những đơn vị quản lý vốn cần cải cách nhiều hơn trong thủ tục xét duyệt và cấp vốn. Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc ngày càng có nhiều DN phát triển theo hướng thân thiện với môi trường hơn.
Ái Vân – Minh Hải