Sản xuất nhưng luôn trong tâm trạng thấp thỏm vì không biết phải di dời lúc nào đã trở thành tâm lý thường trực của không ít doanh nghiệp đang hoạt động tại TPHCM. Vậy vì đâu họ lại có tâm lý này?
Thật khó để chủ doanh nghiệp sản xuất không nghĩ đến vấn đề này khi câu chuyện di dời năm 2003 đã buộc 1.326 doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi hoặc tự tìm đến địa điểm khác để sản xuất. Theo các chủ doanh nghiệp, để tạo dựng một doanh nghiệp, duy trì được sự phát triển của nó đã khó nhưng giữ được doanh nghiệp không phải di dời càng khó hơn. Bởi bản thân doanh nghiệp không thể xác định được vị trí hoạt động của mình có nằm trong khu vực quy hoạch không cho xây dựng nhà máy sản xuất. Một lý do khác cũng khiến doanh nghiệp sẽ phải di dời là dân cư tập trung vây quanh nhà máy nhưng nghịch lý là cứ có doanh nghiệp thì một thời gian sau dân cư lại đến ở rất đông.
Các cơ sở sản xuất tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM sẽ di dời. Ảnh: CAO THĂNG
Khi phải chấp nhận di dời, số doanh nghiệp có thể trụ lại, tái sản xuất mà không rơi vào nguy cơ phá sản, đóng cửa còn khó hơn gấp vạn lần. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2003, đồng thuận với ý kiến của cơ quan chức năng cho rằng vì yếu tố lịch sử, nước ta quan tâm phát triển kinh tế nhưng lại thiếu quan tâm đến bảo vệ môi trường. Hay nói rõ hơn là chúng ta hy sinh môi trường để phát triển kinh tế trong thời gian dài nhưng đến thời điểm năm 2003 là lúc không thể tiếp tục hy sinh môi trường để phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp phải chấp nhận thực tế này để phải di dời. Tuy nhiên, sau 10 năm, câu chuyện di dời lại một lần nữa lại được đề cập lại. Điều đáng nói, phần lớn những doanh nghiệp nằm trong danh sách di dời đợt này lại chính là những doanh nghiệp đã bị đưa ra khỏi địa điểm hoạt động sản xuất trước đây.
Để giúp doanh nghiệp giảm thiểu những tổn hại trong việc di dời lần này, các cơ quan chức năng liên quan không chỉ dừng lại ở việc buộc các doanh nghiệp ra khỏi nơi họ đang sản xuất mà đưa họ đến điểm đến an toàn. Yếu tố an toàn được tính trên hai cơ sở: một là nơi đã được quy hoạch dành để tiếp nhận những doanh nghiệp này, hai là chủ đầu tư hạ tầng sẽ đầu tư hệ thống xử lý chất thải trước khi tiếp nhận doanh nghiệp vào. Với những doanh nghiệp có đủ khả năng xây dựng hệ thống xử lý chất thải cục bộ thì có thể xây dựng để giảm thiểu chi phí dịch vụ môi trường. Riêng những doanh nghiệp không có khả năng đầu tư hệ thống xử lý chất thải thì có thể ký chuyển giao chất thải cho chủ đầu tư hạ tầng và chi trả chi phí theo đơn giá quy định.
Có thể nói, sản xuất gây ô nhiễm môi trường là khó để tồn tại bền vững. Tuy nhiên, nếu buộc doanh nghiệp phải đóng cửa vì ô nhiễm mà chưa có sự hỗ trợ trước từ phía cơ quan chức năng là không thỏa đáng. Đặc biệt, trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất nước ta có quy mô sản xuất vừa, nhỏ và rất nhỏ. Nếu đòi hỏi họ tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải, vận hành hệ thống này thì tự thân doanh nghiệp không kham nổi. Tuy nhiên với cách làm mà TPHCM đang áp dụng được xem là cách làm hợp lý giúp doanh nghiệp có thể tồn tại được. Doanh nghiệp có thể không tự đầu tư và vận hành hệ thống xử lý chất thải nhưng kết hợp cùng với các doanh nghiệp khác sử dụng chung và trả chi phí chung cho hệ thống xử lý chất thải chung thì lại rất khả thi. Vấn đề còn lại là bản thân doanh nghiệp sẽ phải tính toán thêm những chi phí chi trả dịch vụ môi trường hàng tháng.
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho rằng, trước mắt cách làm trên sẽ áp dụng thực hiện di dời 24 doanh nghiệp trên địa bàn quận 12. Đây sẽ là cơ sở để áp dụng di dời các doanh nghiệp sản xuất còn lại đang nằm rải rác, xen lẫn khu dân cư trên địa bàn 24 quận huyện.
PHÚC ANH