Sản xuất và sử dụng xe buýt CNG - Đang chờ... kích hoạt

Cách nay hơn một tháng, chiếc xe buýt đầu tiên sử dụng khí CNG thân thiện với môi trường được sản xuất trong nước, đã ra mắt tại TPHCM. Đây là một phần trong dự án đổi mới xe buýt của TPHCM.
Sản xuất và sử dụng xe buýt CNG - Đang chờ... kích hoạt

Cách nay hơn một tháng, chiếc xe buýt đầu tiên sử dụng khí CNG thân thiện với môi trường được sản xuất trong nước, đã ra mắt tại TPHCM. Đây là một phần trong dự án đổi mới xe buýt của TPHCM.

        Doanh nghiệp vừa ý, khách vừa lòng

Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM, đơn vị đã bỏ ra 2,6 tỷ đồng mua chiếc xe buýt sử dụng khí CNG do Samco sản xuất, tỏ ý rất hài lòng với chiếc xe vừa mua. Ông nói, xe chạy êm, gần như không có tiếng ồn, đặc biệt do sử dụng khí CNG làm nhiên liệu nên trên xe hoàn toàn không có mùi xăng, dầu. Hành khách, nhất là những người dị ứng với mùi xăng, dầu rất vừa ý với đặc tính này của xe. Dù mới được đưa vào hoạt động trên tuyến Bến xe An Sương - Đại học Nông Lâm nhưng xe luôn được hành khách ưu tiên chọn sử dụng.

Sự thành công của chiếc xe sử dụng khí CNG mới này cũng như sự thành công trong hoạt động của các xe buýt sử dụng khí CNG trước đó (trước khi mua xe buýt sử dụng khí CNG của Samco, Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM đã mua gần 10 xe buýt sử dụng khí CNG đã qua sử dụng của nước ngoài và đưa vào hoạt động trên các tuyến xe buýt của đơn vị) đã nhận được sự quan tâm của nhiều xã viên. “Những xã viên này đến tận nơi xem xe, đi thử và đặt vấn đề được Liên hiệp HTX giúp mua xe. Những chiếc xe CNG đã qua sử dụng mà Liên hiệp HTX mua trước đó cũng hoạt động tốt nhưng xe mới bao giờ cũng hấp dẫn hơn, nhất là khi giá thành không chênh lệch nhiều”, ông Phùng Đăng Hải nói. Đã có gần 30 xã viên đặt vấn đề được mua xe buýt sử dụng khí CNG của Samco và con số này đang tăng lên.

Xe buýt CNG chạy tuyến xe buýt số 1 tại TPHCM. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Xe buýt CNG chạy tuyến xe buýt số 1 tại TPHCM. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Ngoài Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM, Công ty Xe khách Sài Gòn cũng đã mua và đưa vào sử dụng hơn 20 xe buýt sử dụng khí CNG làm nhiên liệu. Số xe này hoạt động trên tuyến đường Võ Văn Kiệt, chuyên chở hành khách từ khu vực Chợ Lớn tới trung tâm thành phố. Theo nhận xét của Sở GTVT TPHCM, xe buýt sử dụng khí CNG của Công ty Xe khách Sài Gòn cũng nhận được sự ủng hộ lớn của hành khách. Lượng khách đi trên xe thường đạt tới 70% - 80% công suất chuyên chở của xe. Đây là mức chuyên chở khá cao trong toàn bộ hoạt động của hệ thống vận tải hành khách công cộng TPHCM. Cũng như Liên hiệp HTX xe buýt Sài Gòn, Công ty Xe khách Sài Gòn cũng rất muốn đầu tư thêm xe buýt sử dụng khí CNG để thu hút thêm hành khách đến với đơn vị.

        Chủ trương đã có, chờ hành động

Sản xuất và đưa xe buýt sử dụng khí CNG vào hoạt động là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ GTVT và UBND TPHCM. UBND TPHCM đã đề xuất và được Chính phủ, Bộ GTVT cho phép Công ty Xe khách Sài Gòn được miễn giảm thuế khi nhập khẩu gần 30 chiếc xe buýt sử dụng khí CNG. Trong kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng đến năm 2020, TPHCM xác định rõ việc ưu tiên phát triển giao thông xanh để bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc giao Samco sản xuất 300 xe buýt sử dụng khí CNG là một phần trong kế hoạch này. Vấn đề còn lại hiện nay là công tác triển khai thực hiện chủ trương của các sở, ngành và đơn vị liên quan. Ông Nguyễn Hồng Anh, Tổng Giám đốc Samco, cho biết, nếu không có gì thay đổi, trong tuần này Samco sẽ trình Sở KH-ĐT, Sở GTVT kế hoạch sản xuất 300 xe buýt sử dụng khí CNG (chiếc xe vừa sản xuất mới là thử nghiệm). Trên cơ sở dự án của Samco, Sở KH-ĐT và Sở GTVT sẽ xem xét, đề xuất cơ chế hỗ trợ Samco sản xuất xe.

Riêng đối với các đơn vị vận tải, hiện vẫn đang sử dụng định mức trợ giá cho xe chạy bằng nhiên liệu xăng, dầu cho xe chạy bằng khí CNG. Mức trợ giá cho xe chạy bằng xăng, dầu cao hơn khoảng 20% - 25% so với chi phí tiêu hao nhiên liệu thực sự của xe sử dụng khí CNG và khoản chênh lệch này được các đơn vị vận tải coi là khoản hỗ trợ cho việc đầu tư và sử dụng loại xe buýt thân thiện với môi trường của mình. Tuy nhiên, về lâu dài, các HTX vẫn mong muốn có sự hỗ trợ của Nhà nước một cách cụ thể hơn. Mức giá 2,6 tỷ đồng/xe buýt sử dụng khí CNG là mức giá khá cao so với giá 1,7 tỷ - 1,8 tỷ đồng/chiếc xe buýt cùng loại nhưng sử dụng xăng, dầu làm nhiên liệu. “Nếu giảm xuống được ít nhất 200 triệu đồng/xe cùng với cơ chế cho vay mua xe ưu đãi, chắc chắn không chỉ gần 30 xã viên mà sẽ có cả trăm xã viên của Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM mua xe”, ông Phùng Đăng Hải nói.

Ngày 18-4, Samco đã cho xuất xưởng xe buýt sử dụng khí CNG đầu tiên được sản xuất trong nước. Sở GTVT TPHCM yêu cầu Samco đến tháng 4-2014 phải sản xuất xong 300 xe buýt sử dụng khí CNG phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng của thành phố. Sở GTVT TPHCM sẽ đề xuất thêm những chính sách hỗ trợ phát triển xe buýt sử dụng khí CNG như miễn thuế nhập khẩu khung gầm xe, đơn vị xe buýt sử dụng xe được hưởng số tiền có được từ tiết kiệm năng lượng do sử dụng loại xe buýt dùng khí CNG. Sở GTVT TPHCM sẽ chủ động làm việc với Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam để lắp đặt thêm trạm cung cấp khí CNG cho xe buýt thành phố. Hiện nay, tại TPHCM có khoảng 30 xe buýt sử dụng khí CNG hoạt động nhưng tất cả đều là xe nhập khẩu.

AN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục