Đó là anh Võ Văn Hoàng Minh, Trưởng ban Từ thiện Hiệp hội Nhựa TPHCM, người mà hàng chục năm qua ngoài công tác chuyên môn đã dành phần lớn thời gian, tâm huyết để nghiên cứu các đề án nhằm phục vụ công tác từ thiện xã hội, mang lại niềm vui cho người nghèo cùng những lợi ích thiết thực khác cho cộng đồng…
Phao cứu sinh giá rẻ...
Cách đây gần 2 năm, sau nhiều lần trăn trở, tìm tòi giải pháp để giảm thiểu và hạn chế thiệt hại về người khi chẳng may xảy ra tai nạn đường thủy, anh Minh đã nảy sinh ý tưởng chế tạo một loại phao cứu sinh “không đụng hàng”. Bắt đầu từ cuối năm 2008 đến giữa năm 2009, bằng tiền túi tự bỏ ra, hàng tháng đánh vật với các loại thiết bị, vật liệu, sau cùng chiếc phao cứu sinh cá nhân mini đã ra đời.
Toàn bộ chiếc phao được thiết kế hình chữ nhật chiều dài 42cm, ngang 21cm và cao 12cm. Dọc 2 bên thân sản phẩm có 2 tay nắm chắc chắn tạo chỗ bám khá vững vàng khi sử dụng. Vỏ phao có 2 lớp: lớp bảo vệ bên ngoài là loại nhựa polyethylene (PEHD) trộn thêm chất chống tia cực tím (UV) dạng rỗng, bên trong được bơm một loại hóa nhựa polyeruthane tạo nên sức chịu đựng va đập và độ nâng nổi trên mặt nước khá tốt. Chính vì vậy, dù trọng lượng vỏn vẹn chỉ từ 400 - 500gr nhưng chiếc phao đủ sức “cõng” người nặng 70-80kg. Ngoài ra điểm nhấn của sản phẩm còn thể hiện qua sợi dây an toàn dệt bằng sợi polyester gắn vào một bên tay nắm với kiểu thiết kế đơn giản… người đi đò chỉ mất từ 1-2 giây móc dây an toàn vào cổ tay là có thể yên tâm khi xảy ra sự cố.
Với kiểu dáng nhỏ gọn, công năng cao lại có giá thành khá rẻ (50.000 đồng/sản phẩm), bằng 1/3 so với giá các loại áo phao cồng kềnh khác trên thị trường, đề án nói trên của kỹ sư Võ Văn Hoàng Minh ngay từ lúc giới thiệu ra mắt đến lúc thử nghiệm thực tế đã được các nhà quản lý, nhà khoa học đánh giá rất cao, xem đây là giải pháp tương lai cho các bến đò, bến phà. Tuy nhiên, anh Minh vẫn băn khoăn vì chưa tìm được nhà tài trợ kinh phí để sản xuất ra số lượng lớn nhằm phổ biến đến cộng đồng.
... đến bồn nhựa chống lũ
Một hôm, anh Minh đưa chúng tôi xem đề án: “Giải pháp bảo quản tài sản cho người dân khi bị lũ”, theo nguyên lý dùng vật chứa để chứa hàng hóa. Vật chứa là loại bồn nhựa pet (polyethylene trephalate) dung tích 500 lít có độ bền cao, giá thành rẻ. Với dung tích của bồn người dân có thể dùng để chứa được khoảng 200kg lúa (cả lúa giống và lúa ăn) một số gạo, áo quần, một lượng thực phẩm, gia vị, nước uống, các loại giấy tờ quan trọng cùng tài sản quý giá khác.
Anh Minh tiếp tục diễn giải: “Trên nguyên tắc không để lũ cuốn trôi nên mỗi gia đình phải đào một cái hố có chiều sâu 1,1m và 4 cạnh vuông 90cm (do chiều cao của bồn là 1m, đường kính là 800mm) ở bốn góc hố đóng 4 cọc chắc chắn, các cạnh được nối với nhau bằng thanh ngang. Sau khi đã bỏ các vật dụng vào bồn thì đóng nắp lại chắc chắn. Khi biết thông tin lũ sắp tràn về, đưa bồn chứa xuống hố và đóng 2 thanh ngang lên trên để giữ.
Nhằm tránh áp lực nước tác động mạnh lên miệng bồn, khi lắp đặt ta dùng một túi nylon lớn trùm toàn bộ thân thùng và cột chặt. Sau khi lũ rút, mặc dù mặt nước có thể còn cao (80-90cm) người dân đã có thể tháo 2 thanh ngang và đem bồn chứa lên mang các vật dụng cần thiết ra để sử dụng cho việc ăn uống để tồn tại trong khi chờ được cứu trợ. “Theo tôi, nếu đưa ý tưởng này được hỗ trợ kinh phí thực hiện thì người dân vùng lũ không những đảm bảo được tài sản, tính mạng của chính mình mà nhà nước cũng sẽ giảm được hàng tỷ đồng kinh phí cho việc cứu trợ và cứu đói”, kỹ sư Minh quả quyết.
Trước khi chia tay chúng tôi, kỹ sư Võ Văn Hoàng Minh cho biết thêm, anh đang lên kế hoạch thực hiện một loại áo phao cứu sinh đặc biệt giúp người đi biển có thể tồn tại được từ 4 đến 5 ngày trong khi chờ sự tiếp cứu. Xin chúc những đề án mang đậm tính nhân văn của nhà sáng chế giàu lòng nhân ái sớm nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các mạnh thường quân và mong rằng sẽ ngày càng có thêm nhiều người như kỹ sư Minh để xã hội vơi bớt đi những đau thương và mất mát.
MAI NGUYỄN