Sáng nay, 16-5, phóng thành công Vệ tinh VINASAT-2 lên quỹ đạo

Vào lúc 5h13 phút sáng nay, 16-5 (giờ Việt Nam), tại bãi phóng Kourou (Guyana, thuộc Pháp), Nam Mỹ, vệ tinh VINASAT-2 của Việt Nam đã được tên lửa Ariane 5 phóng lên quỹ đạo. Đến 5h48 phút, vệ tinh VINASAT-2 được tách thành công ra khỏi tên lửa đẩy và đi vào quỹ đạo đã định ở vị trí 131,8 độ Đông.
Sáng nay, 16-5, phóng thành công Vệ tinh VINASAT-2 lên quỹ đạo

(SGGPO).- Vào lúc 5h13 phút sáng nay, 16-5 (giờ Việt Nam), tại bãi phóng Kourou (Guyana, thuộc Pháp), Nam Mỹ, vệ tinh VINASAT-2 của Việt Nam đã được tên lửa Ariane 5 phóng lên quỹ đạo. Đến 5h48 phút, vệ tinh VINASAT-2 được tách thành công ra khỏi tên lửa đẩy và đi vào quỹ đạo đã định ở vị trí 131,8 độ Đông.

Thủ tưởng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son và nhiều quan khách đã đến dự lễ phóng vệ tinh VINASAT 2 qua cầu truyền hình nối trực tiếp từ bãi phóng Kourou đến trụ sở của VNPT trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.

Tên lửa Ariane 5 mang theo vệ tinh VINASAT-2 rời bệ phóng

Tên lửa Ariane 5 mang theo vệ tinh VINASAT-2 rời bệ phóng 

- 5h13 phút, động cơ bệ phóng tên lửa đẩy Ariane 5 được khởi động (đây là thời điểm Trái đất gần quỹ đạo định phóng vệ tinh lên nhất) để đưa vệ tinh VINASAT-2 cùng vệ tinh JCSAT-13 của Nhật Bản lên vũ trụ.

- 5h13 phút 17 giây, tên lửa bắt đầu rời bệ phóng. Sức đẩy của Ariane 5 lúc này tương đương 12 máy bay Boeing 747 với mức tiêu thụ nhiên liệu 2 tấn/s và nhiệt độ lên tới 3.000 độ C.

- 5h15 phút, tên lửa Ariane 5 bắt đầu gửi các dữ liệu về Trung tâm Arianspace cùng với đó là tách 2 khoang tên lửa đẩy phụ.

- 5h16 phút, tên lửa Ariane 5 đạt độ cao 122 km và ra khỏi bầu khí quyển Trái đất.

- 5h39 phút, ở độ cao 982 km và vận tốc 8,94km/s, vệ tinh JCSAT-13 tách khỏi tên lửa Ariane 5 thành công.

- 5h49 phút, ở độ cao 2.802 km và vận tốc 7,82km/s, vệ tinh VINASAT-2 tách khỏi tên lửa Ariane 5 trên quỹ đạo định sẵn. Việc phóng vệ tinh viễn thông thứ 2 của Việt Nam đã thành công. Sau đó, VINASAT-2 chính thức bắt đầu “tự bay” lên quỹ đạo địa tĩnh đã xác định ở vị trí 131,8 độ Đông, cách trái đất khoảng 36.000km. Dự kiến sau khi lên tới “vị trí” và hiệu chỉnh, tháng 6 tới, VINASAT-2 bắt đầu được đưa vào khai thác.

Sáng nay, 16-5, phóng thành công Vệ tinh VINASAT-2 lên quỹ đạo ảnh 2

Trụ sở VNPT tại Hà Nội trước giờ phóng vệ tinh VINASAT-2

Lần phóng vệ tinh VINASAT-2 này mang số hiệu VA206, với ý nghĩa là lần phóng thứ 206 của dòng tên lửa Ariane tại Trung tâm Vũ trụ châu Âu tính từ lần phóng đầu tiên vào năm 1979.

Phát biểu ngay sau sự kiện phóng thành công VINASAT-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, dự án phóng vệ tinh VINASAT 1 và VINASAT- 2 được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm vì có ý nghĩa chính trị, kinh tế xã hội to lớn, thể hiện chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Thủ tướng nhấn mạnh: Để có sự kiện trọng đại Việt Nam phóng thành công vệ tinh viễn thông VINASAT-2 hôm nay, thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao sự chủ động và nỗ lực của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, các đối tác và nhà thầu Telesat (Canada), Lockheed Martin (Hoa Kỳ), Arian espace (Pháp) trong việc triển khai dự án.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, phấn đấu đến 2020, Việt Nam sẽ phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…

Như vậy, có thể nói, Dự án phóng vệ tinh VINASAT-2 hôm nay là một bước đi tiếp, quan trọng trên lộ trình thực hiện đề án này...

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Long Trận, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho biết, nếu như VINASAT 1 mất 10 năm để thực hiện thì VINASAT 2 chỉ mất 3 năm. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đã mau chóng vươn lên chinh phục công nghệ mới, chiếm tài nguyên không gian quỹ đạo cho đất nước. Tuy nhiên, nhiệm vụ rất to lớn của VNPT phải kinh doanh tốt VINASAT 2 đưa dịch vụ chất lượng cao cho phát triển kinh tế đất nước như Chính phủ đã giao phó.

Thông tin vệ tinh Việt Nam với những dấu mốc đáng nhớ
 
- Tháng 8-1980, Việt Nam đã sử dụng thông tin vệ tinh qua hệ thống InterSputnik của Liên Xô (cũ), trạm thông tin vệ tinh đầu tiên của Việt Nam là trạm Hoa sen 1 đặt tại Phủ Lý (Hà Nam) được đưa vào sử dụng: cùng với các phương thức truyền dẫn là cáp (cáp quang và cáp đồng), viba, lần đầu tiên Việt Nam có thông tin truyền dẫn qua vệ tinh với chất lượng ổn định, phạm vi phủ sóng rộng và có độ tin cậy cao đi quốc tế.

-  Năm 1990, VNPT đã triển khai một hệ thống các trạm mặt đất lớn để sử dụng vệ tinh Intelsat của Úc.

- Năm 1991, Việt Nam bắt đầu phát hình qua vệ tinh; tiếp đó, các ngành hàng không, dầu khí, hàng hải... đã triển khai các mạng thông tin vệ tinh dùng riêng.

- Năm 1997, Việt Nam đã có 2.024 kênh thông tin đi quốc tế thông qua vệ tinh và hàng loạt mạng thông tin vệ tinh nội địa với tổng chi phí thuê kênh vệ tinh của nước ngoài gần 10 triệu USD/năm.

- Ngày 12-7-1995, Tổng cục Bưu điện ra Quyết định số 904/QD-TTCBLD thành lập Tiểu ban và nhóm công tác thực hiện việc đăng ký vị trí quỹ đạo vệ tinh cho Việt Nam.

- Ngày 19-12-1995, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương đã giao Tổng cục Bưu điện chủ trì và phối hợp cùng các bộ, ngành xây dựng Dự án tiền khả thi phóng vệ tinh riêng cho Việt Nam.

-  Ngày 7-9-1996, Tổng cục Bưu điện đã ra quyết định thành lập Tiểu ban xây dựng Dự án tiền khả thi phóng vệ tinh riêng cho Việt Nam với sự tham gia của VNPT.

- Ngày 24-9-1998, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án tiền khả thi phóng vệ tinh riêng cho Việt Nam.

- Ngày 18-10-2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án khả thi phóng vệ tinh riêng cho Việt Nam.

- Ngày 30-11-2005, sau nhiều năm đàm phán, việc phối hợp cho vị trí quỹ đạo 132 độ Đông đã được hoàn thành và chủ quyền quỹ đạo của Việt Nam đã được công nhận.

- Ngày 12-5-2006, hợp đồng chế tạo quả vệ tinh được ký: Nhà sản xuất được chọn để chế tạo quả vệ tinh là Lockheed Martin (Mỹ) và Arianespace (Pháp) là đối tác thực hiện toàn bộ quá trình phóng vệ tinh.

- 5 giờ 17 phút ngày 19-4-2008 (giờ Việt Nam), VNPT, với trách nhiệm là chủ đầu tư dự án, đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1 lên quỹ đạo.

- Tháng 6-2009, VNPT tiến hành thực hiện các Dự án tiền khả thi và khảo sát thị trường cũng như các thủ tục pháp lý để tiến hành Dự án VINASAT-2.

- Tháng 12-2009, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đồng ý chủ trương tiến hành Dự án và giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án cho VNPT.

- Tháng 5-2010, VNPT và Công ty Lockheed Martin Commercial Space Systems ký kết gói thầu: “Cung cấp vệ tinh, thiết bị, trạm điều khiển và dịch vụ phóng” của Dự án phóng vệ tinh VINASAT-2.

- Vào lúc 5 giờ 13 phút ngày 16-5-2012 (giờ Việt Nam), vệ tinh VINASAT-2 được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh ở vị trí 131,8 độ Đông thành công.

Vệ tinh VINASAT-2 (phần trên) chuẩn bị tách khỏi tên lửa đẩy.

Vệ tinh VINASAT-2 (phần trên) chuẩn bị tách khỏi tên lửa đẩy. 

 
Sáng nay, 16-5, phóng thành công Vệ tinh VINASAT-2 lên quỹ đạo ảnh 4
Sáng nay, 16-5, phóng thành công Vệ tinh VINASAT-2 lên quỹ đạo ảnh 5

H.Nam - Trần Bình

Trong lần phóng này, ngoài vệ tinh VINASAT-2 của Việt Nam còn có vệ tinh viễn thông JCSAT-13 của Nhật Bản.

VINASAT-2 có khối lượng ước tính vào thời điểm phóng là 2.970kg, được trang bị 24 bộ phát đáp băng tần Ku để cung cấp kết nối điện thoại, truyền hình vệ tinh trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam và một số nước lân cận ở vị trí quỹ đạo địa tĩnh 131,8 độ Đông. Tổng mức đầu tư cho dự án này khoảng 260 - 280 triệu USD.

VINASAT-2 có tuổi thọ thiết kế trên 15 năm và theo lãnh đạo VNPT, sau khoảng 10 năm hoạt động, sẽ thu hồi được vốn. Dung lượng của VINASAT-2 tương đương 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình.

Trần Lưu 


- Thông tin liên quan:

>> Vệ tinh VINASAT-2 sẽ được phóng vào lúc 5h13 phút ngày 16-5

Tin cùng chuyên mục