Trong khi, gạo nhài của Thái Lan tháng 8 chỉ bán được mức 950 - 962 USD/tấn, gạo thơm ST20 trồng ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam xuất sang thị trường EU (sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1-8) lên hơn 1.000 USD/tấn - mức kỷ lục từ trước tới nay. Một thông tin rất đáng chú ý là sau khi EVFTA có hiệu lực, EU đã nâng hạn ngạch nhập khẩu gạo Việt Nam lên 80.000 tấn/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) với mức thuế suất còn 0%. Điều đó chứng tỏ, gạo Việt phải ngon và sạch thì mới lọt vào mắt xanh của khu vực thị trường rất khắt khe này.
Nói về chất lượng, nhiều người tiêu dùng và đối tác nhập khẩu thừa nhận, gạo thơm Việt Nam ngon không kém gạo nhài Thái Lan. Nhiều người đánh giá, gạo Thái ăn nhạt, còn gạo Việt đậm đà hơn. Vậy nhưng, thật đáng buồn là mới đây, trên mạng xã hội và các diễn đàn, nhiều người Việt ở Mỹ thông tin rằng, mặc dù rất muốn ăn gạo Việt nhưng họ không thể tìm được gạo của Việt Nam trong các siêu thị ở Mỹ, mà chỉ thấy gạo Thái. Ở Mỹ, hầu như người tiêu dùng chỉ biết có gạo Thái. Nhiều chuyên gia lúa gạo cũng xác nhận, không chỉ ở Mỹ mà ngay tại thị trường châu Âu, các siêu thị đang bán rất nhiều gạo, nhưng lại không có bất kỳ thương hiệu gạo nào của Việt Nam - gạo Việt mang tên của nước khác. Tình trạng này tồn tại đã nhiều năm qua, đó là gạo Việt Nam phải mượn tên của thương hiệu khác hoặc phải gắn mác của nước nhập khẩu để vào siêu thị.
Campuchia, dù mới bước vào thị trường xuất khẩu lúa gạo được vài năm qua, đã kịp xây dựng được thương hiệu gạo Phka Romdoul ở nhiều thị trường nhập khẩu. Trong khi, Việt Nam với lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, vẫn chưa xây dựng được thương hiệu nào cho hạt gạo, dù rằng, hiện nay, chúng ta đang có tới hơn 200 loại gạo và địa phương nào cũng tự hào có gạo ngon, đặc sản như: gạo trắng hạt dài Sóc Trăng, tám xoan Nam Định, gạo hữu cơ, nếp cái hoa vàng, các loại gạo ST, gạo lứt, gạo thơm Jasmine, Bắc Hương, Nàng Sen, Nàng Xuân… Ngay tại thị trường nội địa, việc phân định theo thương hiệu lâu nay cũng rất bát nháo. Người tiêu dùng như lạc vào ma trận khi gạo đặc sản của địa phương này lại trồng ở địa phương khác. Thậm chí, chủ đại lý gạo, tiểu thương ở chợ còn trộn các loại gạo Việt đem bán với mác gạo Thái, Nhật, Hàn, Đài Loan... Trong nước còn xảy ra tình trạng như vậy thì làm sao hy vọng có thương hiệu gạo Việt ở nước ngoài?
Để xây dựng được thương hiệu, không chỉ đơn thuần là thu gom của nông dân rồi giao cho đối tác nhập khẩu, mà doanh nghiệp xuất khẩu phải quản lý, giám sát được cả quy trình của hạt gạo từ đồng ruộng tới nhà máy xay xát, hoạt động bao gói, thậm chí đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng. Theo Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam định hướng đến năm 2030, chúng ta sẽ không chạy theo số lượng xuất khẩu, mà phải tập trung xây dựng thương hiệu. Đầu tư thương hiệu không phải để bán được nhiều gạo hơn mà để có giá bán cao hơn, đạt kim ngạch xuất khẩu cao.
Sau hơn 30 năm xuất lô gạo đầu tiên, đến nay, kết quả mà các cơ quan chức năng đạt được mới chỉ dừng lại ở việc công bố logo thương hiệu quốc gia của gạo. Thế giới vẫn chưa nhận diện hạt gạo nào là của nông dân - doanh nghiệp Việt Nam làm ra. Trong khi để người tiêu dùng thế giới biết tới tiếng thơm của hạt gạo Việt, các cơ quan quản lý nhà nước và trực tiếp là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải vào cuộc sốt sắng, tích cực hơn; coi đây là chiến lược sống còn của ngành lúa gạo.