Doanh nghiệp du lịch nhà nước ở Lâm Đồng

Sắp bị “khai tử”?

Sắp bị “khai tử”?

Được coi là một trong những địa phương có ngành du lịch khá phát triển nhưng đến nay, khi ngưỡng cửa gia nhập WTO đã gần kề thì ngành du lịch Lâm Đồng lại đang hụt hơi.

  • Một thời oanh liệt
Sắp bị “khai tử”? ảnh 1

Du khách tham quan Lang Biang thường bị làm phiền.

Đà Lạt là một đô thị có chức năng nghỉ dưỡng đầu tiên của Việt Nam ra đời từ cuối thế kỷ XIX và trong hàng chục năm sau đó, ngành du lịch đã khá phát triển với một hệ thống các cơ sở khách sạn (KS) hạng sang lẫn bình dân.   

Những năm 1989-1994, khách từ các nơi đổ về Đà Lạt tăng từ 25%-30%/năm và vào dịp cao điểm như Tết Âm lịch, 30/4, khách phải ngủ ngay trên xe vì thiếu phòng.

Một làn sóng đầu tư trong nước đổ lên Đà Lạt làm giá trị đất đai tăng vùn vụt, khách sạn mini mọc lên san sát tạo cho Đà Lạt một dáng vẻ tươi trẻ khác hẳn sự lặng lẽ vốn có trước đó.

  • Xơ cứng

Nhưng du lịch Lâm Đồng đã dần đánh mất ưu thế vì “ngủ quên trên chiến thắng”, dần dần bị các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Khánh Hòa, Bình Thuận lấn lướt.
Nguyên nhân chính là sự xơ cứng trong quản lý - đầu tư sản phẩm. Các điểm du lịch chậm đổi mới lại na ná nhau.

Trước đây, thác Prenn cũng là đơn vị ăn nên làm ra của Công ty CP Dịch vụ du lịch Đà Lạt (Dalat toserco) nhưng từ khi công ty vay gần 10 tỷ đồng làm 3 đền Hùng và làm đường lên đền thì đơn vị này luôn phải sống trong gánh nặng nợ nần. Theo ông Nguyễn Ngọc Chương (Giám đốc công ty) thì “trong 10 người vào tham quan chưa có tới 1 người có nhu cầu lên đền”.

Hai công trình giải trí khác như cáp treo và máng trượt đều do Dalat tourist đầu tư với tổng vốn gần 100 tỷ đồng. Người ta thích khoe đây là công trình cáp treo dài nhất nước nhưng ít ai chịu tìm hiểu xem tính hiệu quả của nó. Việc đầu tư rập khuôn các dịch vụ của nước ngoài vừa tốn nhiều tiền, vừa hủy hoại cảnh quan Đà Lạt. Nếu làm một cáp treo dài khoảng 1km ở chỗ khác như Lang Biang (khi chưa làm đường nhựa) sẽ rất hiệu quả và không cần đến 60 tỷ đồng. Phần kinh phí còn lại đầu tư tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch chiều sâu như một trung tâm thời trang thổ cẩm, trồng lại rừng cho thắng cảnh… thì sẽ hấp dẫn khách biết bao?

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân vẫn là công tác cán bộ, là tư duy làm du lịch còn nặng bao cấp. Năm 1998, để đối phó với khủng hoảng kinh tế, TPHCM đã sáp nhập các công ty nhỏ thành Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn thì Lâm Đồng lại chia nhỏ Công ty Du lịch Lâm Đồng thành 2  công ty rồi sau đó lại thêm Công ty Du lịch DV Xuân Hương. Chỉ riêng các ban bệ của 3 công ty này (chưa nói đến vốn liếng, nguồn nhân lực) đã làm giảm đi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Điển hình nhất là ở Xí nghiệp Vận chuyển và hướng dẫn Du lịch (Dalat toserco) từ ngày 11-1-2006 đến nay, do thay đổi Giám đốc nên từ một đơn vị  dẫn đầu của ngành đã lỗ hơn 2,2 tỷ đồng và chưa biết đến lúc nào mới hãm lại được. 

  • Vai trò của doanh nghiệp nhà nước

Như đã nói ở trên, du lịch là ngành kinh tế quan trọng của địa phương nhưng hiện vai trò của doanh nghiệp Nhà nước đang mờ nhạt. Sau 31 năm, kể từ ngày giải phóng, ngành Du lịch Lâm Đồng mới xây mới được một KS 3 sao là Cẩm Đô, còn lại các cơ sở lưu trú hiện đại khác như Sofitel Dalat Palace, Novotel, Golf 3 (4 sao), resort Hoàng Anh Gia Lai (4 sao), và các KDL có kinh doanh hiệu quả nhất ở Đà Lạt đều không thuộc 1 trong 3 doanh nghiệp Nhà nước kể trên. 

Năm 2004, sau một hồi luẩn quẩn, Công ty Xuân Hương đã thâu tóm quyền lực, sáp nhập với Công ty Du lịch Lâm Đồng để lấy lại chính tên cũ của công ty này, đúng như người ta đồn đoán. Hiện nay, Dalat toserco đã cổ phần hóa (CPH), Dalat tourist đang chuẩn bị CPH, như vậy vai trò doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực du lịch ở Đà Lạt sắp bị “khai tử”?
 
Sau khi thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước theo chủ trương của Chính phủ, ngành Du lịch Lâm Đồng có nguy cơ trở về điểm xuất phát là không có một công ty, một tổng công ty nhà nước nào đủ mạnh để đương đầu với cơn lốc khắc nghiệt của kinh tế thị trường khi cánh cửa WTO sắêp mở ra cho Việt Nam vào cuối năm nay.

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục