Sắp có hai “đại công trường”... đào đường

Điều chỉnh giao thông tại 2 “đại công trường” đào đườngBám sát, uyển chuyển và điều chỉnh kịp thời
Sắp có hai “đại công trường”... đào đường

Nếu như không có gì thay đổi, trong vài ngày nữa Sở Giao thông - Công chính TPHCM sẽ chính thức “phân luồng giao thông tạm thời” trên quy mô lớn ở đường Bến Chương Dương, đoạn từ đường Calmette đến đường Hồ Tùng Mậu nằm trọn trên địa bàn Q.1, với lý do là cần “lấy chỗ” để thi công hầm Thủ Thiêm và một số hạng mục quan trọng khác thuộc dự án đại lộ Đông Tây.

Và nếu không có gì đột xuất thì trong tháng 10 này, một sự điều chỉnh lưu thông quy mô lớn tương tự cũng sẽ được thiết lập trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, lần này là để thi công lắp đặt hệ thống tuyến ống thoát nước, phục vụ dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Sắp có hai “đại công trường”... đào đường ảnh 1

Đường Tôn Đức Thắng (Q.1) sẽ bị đào lên trong những tháng cuối năm 2005.

Như vậy, vô hình trung trên địa bàn TPHCM sắp hình thành hai “đại công trường” đào đường, một nằm trên trục đường giao thông chính từ trung tâm thành phố ra sân bay Tân Sơn Nhất và một nữa liên quan đến hoạt động vận tải hàng hóa từ cụm cảng biển của thành phố ra các tỉnh miền Đông Nam bộ. Chính vì thế việc tổ chức điều hòa giao thông như thế nào trong suốt thời gian các đại công trường này hoạt động là một bài toán khó cho các cơ quan hữu quan.

Theo thông báo từ Sở GTCC TPHCM, khi việc điều chỉnh giao thông tại đường Bến Chương Dương được thực hiện, các loại phương tiện vẫn lưu thông bình thường theo hướng từ đường Calmette đến đường Hồ Tùng Mậu, nhưng chiều lưu thông ngược lại thì có một số thay đổi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công hạng mục cầu Khánh Hội và hầm dẫn Thủ Thiêm bên phía Q1.

Cụ thể các loại ô tô và xe ba bánh bị cấm lưu thông hoàn toàn trên một phần đường Bến Chương Dương, xe hai bánh không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này. Khi đó các loại phương tiện bị hạn chế sẽ phải lưu thông hơi “vòng vo” một chút, nghĩa là phải theo đường Nguyễn Tất Thành - cầu Khánh Hội - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu (Tôn Thất Đạm, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phó Đức Chính) - Nguyễn Công Trứ - Bến Chương Dương nếu lưu thông hướng từ cầu Khánh Hội về cầu Calmette.

Trường hợp hướng từ đường Tôn Đức Thắng về cầu Calmette, lộ trình sẽ là đường Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu (Tôn Thất Đạm, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phó Đức Chính) - Nguyễn Công Trứ - Bến Chương Dương.

Bên cạnh yêu cầu đường đi rõ ràng như thế, các loại phương tiện còn phải tuân thủ nhiều quy định khác khi đi ngang qua khu vực công trường đang thi công. Đó là: phải hạn chế tốc độ; không được dừng đậu dưới lòng đường cũng như trên vỉa hè (ô tô của các doanh nghiệp, các ngân hàng nằm trong khu vực bị hạn chế được phép dừng tạm để thực hiện các giao dịch, nhưng cũng phải nhanh chóng ra khỏi khu vực bị hạn chế)…

Ngoài quy mô rộng lớn về diện tích bị điều chỉnh lưu thông, thời hạn hiệu lực của những thay đổi luồng tuyến giao thông này cũng khá dài hơi: tròm trèm hai tháng, dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 12-2005.

Kế hoạch điều chỉnh giao thông trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi cũng đang được ráo riết thực hiện. Chi tiết như thế nào chưa rõ nhưng về cơ bản thì hệ thống cống thoát nước rộng 2m x 2m, 2m x 4m, 2m x 3m… của dự án môi trường sẽ được đặt ở giữa đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, bên dưới dải phân cách giữa của đường, và việc đặt cống này chỉ được thực hiện khi việc mở rộng đường hoàn tất.

Cho đến thời điểm này, các cán bộ vạch ra kịch bản điều chỉnh giao thông nêu trên vẫn tỏ ra khá tự tin về quyết định của mình, song không phải là họ không lo âu, vì chỉ trên “đại công trường” của dự án đại lộ Đông Tây, đã có gần chục con đường và cầu bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh giao thông.

Hơn nữa nhiều tuyến đường ở đây như Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa... lại có mật độ người và xe rất dày đặc. Trong giờ cao điểm thì xe gắn máy 2 bánh, ô tô con đầy đường; ngoài giờ cao điểm thì xe tải, xe container các loại nối đuôi nhau.

Còn tuyến Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi cũng nhộn nhịp người xe không kém, bởi nằm vắt qua các cụm dân cư đông đúc. Tại khu vực này còn khá nhiều giao lộ có nguy cơ kẹt xe cao như ngã tư Phú Nhuận, Võ Thị Sáu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa… đồng thời đây cũng là tuyến chủ đạo nối từ trung tâm thành phố ra sân bay Tân Sơn Nhất.

Nói cách khác, bất chấp kế hoạch điều chỉnh giao thông của ngành chức năng như đã đề cập, nguy cơ ùn hoặc tắc nghẽn giao thông trên diện rộng hoặc cục bộ trong hoặc lân cận khuôn viên các đại công trường này không phải là không có, thậm chí nguy cơ không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh mà ý thức chấp hành, tuân thủ luật giao thông của một bộ phận cư dân đô thị vẫn còn rất yếu.

Điều chỉnh giao thông tại 2 “đại công trường” đào đường
Bám sát, uyển chuyển và điều chỉnh kịp thời

Về việc điều chỉnh giao thông tại 2 “đại công trường” đào đường, Phó Giám đốc Sở GTCC TPHCM Trần Quang Phượng đã có cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo SGGP. Ông cho biết:

Sở GTCC đã làm việc với 2 nhà thầu chính thi công tại 2 công trường này và buộc họ cam kết chấp hành đúng các quy định về vệ sinh môi trường và an toàn giao thông; bố trí người 24/24 giờ tại công trường để giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh.

Ngoài ra Sở GTCC cũng đã làm việc với Cảnh sát Giao thông, Thanh niên xung phong và chỉ đạo Thanh tra GTCC của sở thường xuyên kiểm tra khu vực điều chỉnh giao thông để kịp thời điều chỉnh các phát sinh, các sự cố (về điều chỉnh giao thông).

Riêng với Khu quản lý giao thông đô thị số 1- chủ đầu tư Công trình cải tạo, mở rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây, sở yêu cầu phải có cán bộ chuyên về điều phối giao thông thường xuyên bám sát ngoài hiện trường để điều chỉnh ngay những quy định ban đầu (về phân luồng) chưa phù hợp với thực tế theo phương châm uyển chuyển, linh hoạt theo tình hình cụ thể. 

- Còn các khu vực xung quanh “đại công trường” thì sao? Thực tế cho thấy người dân có xu hướng tìm các đường nhánh khác để đi, “né” nơi đào đường, gây quá tải thậm chí ùn ứ cho những khu vực ấy?

- Tất nhiên là Sở GTCC cũng đã tính đến những chuyện ấy và cũng đã bố trí người điều phối giao thông tại các trục đường này theo cách thức tương tự như ở 2 khu vực chính.

- Thời gian trước, Sở GTCC cũng đã nhiều lần tổ chức điều chỉnh giao thông (cho đào đường và cho nhiều công tác khác) nhưng tỷ lệ thành công chưa cao do một số kế hoạch còn chưa phù hợp với thực tế, người dân thiếu thông tin về những thay đổi ấy. Lần điều chỉnh này có gì khác trước không?

- Tất cả những bài học trước đó đã được Sở GTCC đưa ra mổ xẻ rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong lần điều chỉnh giao thông này. Tới đây, mọi thông tin về phân luồng giao thông sẽ được Sở thông báo trên các phương tiệân thông tin đại chúng, các biển thông tin điện tử đặt tại các cửa ngõ ra vào thành phố, đến UBND các địa phương để cho người dân địa phương biết mà điều chỉnh hướng lưu thông cho hợp lý. 

- Theo thông lệ, cứ đến cuối năm sẽ có rất nhiều đơn vị ồ ạt xin đào đường để hoàn tất các nhiệm vụ còn chưa làm hết trong năm. Với 2 “đại công trường” này và nhiều “tiểu công trường” khác chắc hẳn thành phố sẽ ngổn ngang vì đào đường. Trong tình huống ấy, việc đi lại của nhân dân sẽ như thế nào?

- Sở đã lường trước được việc ấy và sẽ không cho phép đào đường cùng một lúc trên nhiều tuyến đường nằm gần nhau, dành một tỷ lệ đường hợp lý cho người dân đi lại trên cơ sở các dữ liệu về mật độ dân, dự báo nhu cầu đi lại.

- Những tháng cuối năm là khoảng thời gian mà mọi ngành, mọi nhà sẽ tăng tốc làm việc để hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm. Chắc chắn trong thời điểm này nhu cầu đi lại của người dân và việc lưu thông hàng hóa sẽ rất cao. Đào đường với quy mô lớn như vậy, liệu có nên không?

- Các công trình hạ tầng đưa vào sử dụng sớm ngày nào là mang lại những lợi ích kinh tế lớn cho thành phố ngày ấy. Do vậy, khi nhà thầu chuẩn bị xong các điều kiện thi công thì sở phải cho phép họ làm việc. Và giải pháp của sở là tổ chức điều chỉnh giao thông tốt để vừa có thể thi công công trình vừa đảm bảo việc đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa. 

 

Thiện Nhân

Tin cùng chuyên mục