Sát cánh trên “đấu trường” kinh doanh

Sát cánh trên “đấu trường” kinh doanh

Sau “thời oanh liệt”, khi hết tuổi thi đấu, trở về với đời sống thường nhật, các vận động viên (VĐV) sẽ làm gì, sống ra sao là câu hỏi mà chắc chắn không chỉ giới thể thao quan tâm...

  • Làm lại từ đầu

Sát cánh trên “đấu trường” kinh doanh ảnh 1

Tiểu Linh (trái) và Minh Thư trong gian hàng của Tương Phản tại Hội chợ sách 2006.

Mỗi người mỗi cách, mỗi hoàn cảnh nhưng nhìn chung có hai con đường để một VĐV có thể hòa nhập với đời sống: Thứ nhất là trở thành huấn luyện viên, cách này phổ biến nhưng không phải ai cũng đạt tiêu chuẩn vì nhiều lẽ; cách thứ hai là tự lăn lưng ra bươn chải với đủ nghề.

“Trong khi bạn bè xung quanh ai cũng thành đạt, ổn định đời sống gia đình… thì riêng mình, sau thời gian dài cống hiến sức lực cho thể thao, cho đam mê, nay phải làm lại từ đầu, mọi thứ, với hai bàn tay trắng” - Tiểu Linh và Minh Thư - 2 nữ VĐV bóng bàn từng khoác áo đội tuyển quốc gia hơn chục năm trước, nay cùng là sếp của Công ty Tương Phản (Contrast), 186 Võ Thị Sáu, Q3, TPHCM, chuyên thiết kế quảng cáo, sản xuất và kinh doanh văn phòng phẩm, lịch độc quyền, đặc biệt là các sản phẩm đồ chơi trẻ em và quà tặng làm bằng tay… - tâm sự.

Bỡ ngỡ cộng với chút mặc cảm khi từ giã đấu trường, họ phải cố gắng thật nhiều để tự vượt lên, vừa đi học trở lại, vừa tranh thủ làm thêm. Tiểu Linh - tay vợt “lì đòn” của tuyển Công an Nhân dân ngày nào, Huy chương bạc bóng bàn cấp thành phố, từng sát cánh cùng đồng đội đi thi đấu khắp khu vực dưới màu cờ sắc áo của tuyển quốc gia - tính tình trầm lặng nhưng khéo tay nên chọn học thiết kế.

Minh Thư - bạn thân trong đội tuyển cùng Linh - nhạy bén, lanh lợi cộng với máu mê kinh doanh thì quyết chí vào Đại học Ngoại thương. Ra trường, họ đi làm thuê một thời gian để học hỏi kinh nghiệm. Khi đã được lưng vốn, Thư về… mượn giấy tờ nhà của mẹ mang đi thế chấp lấy tiền thành lập công ty, còn Tiểu Linh thì bán chiếc xe đang đi để có tiền làm vốn.

  • Sát cánh trên “đấu trường” mới

“Công ty mở ra, trăm thứ khôn lường ập đến. Thời gian đầu khó khăn, khổ sở vì chưa có khách hàng, vì sản phẩm chưa thực sự thuyết phục… Lắm khi nản muốn dẹp quách đi làm thuê cho khỏe, hết giờ làm việc là về nhà, không phải lo toan, trách nhiệm gì” - Minh Thư kể.

Tiểu Linh thì sức khỏe kém bởi di chứng của căn bệnh phổi ngày nào do tập luyện quá sức, nay phải thường xuyên thức đêm để thiết kế gấp các mẫu mã cho khách hàng. “Cũng không ít lần chúng tôi cãi nhau nhưng thường là để hiểu nhau hơn và công việc vì thế tiến triển tốt hơn” - Tiểu Linh cho biết. “Thư và Linh tính tình khác nhau như lửa với nước, trắng với đen, chẳng ai chịu ai nên lấy tên Công ty Tương Phản là hợp lý” - Thư giải thích đơn giản.

“Chúng tôi chia việc, chia nhau trách nhiệm rất rõ ràng từ đầu: Tiểu Linh lo thiết kế sao cho ấn tượng, Minh Thư lo đầu ra của sản phẩm, không ai giẫm chân ai, vì thế chúng tôi vừa hợp tác tốt, vừa giữ được tình bạn, tình đồng đội như trong thể thao” - Minh Thư thêm.

Và ý chí cùng tinh thần thi đấu, tinh thần đồng đội đã nhiều lần vực 2 cô gái dậy từ những vấp váp, thất bại. “Cái mà chúng tôi học được từ thể thao là ý chí, tinh thần vững vàng, chịu được áp lực cao. Càng căng thẳng chúng tôi làm việc càng hiệu quả, như trước mỗi trận đấu lúc xưa” - họ chia sẻ. Cho đến nay, sau gần 7 năm dốc sức, công ty đã trụ được và khá ổn định.

Ngoài trụ sở chính và showroom (nơi trưng bày sản phẩm), công ty còn có một xưởng in ấn, sản xuất với 25 nhân viên, trong đó nữ chiếm đa số. “Nhiều người cũng thắc mắc vì sao công ty chúng tôi ít nam. Chúng tôi cũng đã nhiều lần tuyển nhưng hình như đàn ông con trai không thích dưới quyền nữ! - Minh Thư cười vui - “Với lại phải thật tỉ mỉ và yêu trẻ con mới có thể làm ra được những sản phẩm dành cho chúng”.

Hội chợ sách vừa qua, công ty được mời tham gia một gian hàng với nhiều sản phẩm độc chiêu bán chạy như tôm tươi, khách mua lẫn đặt hàng khá nhiều làm các cô rất phấn chấn.

Sản phẩm thiệp và quà tặng của Tương Phản quả rất ấn tượng bởi mẫu mã đẹp, đa dạng, giá thành lại rẻ hơn nhiều so với các loại thiệp tương tự của Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc vốn chiếm lĩnh thị trường thiệp VN lâu nay.

Lâu lâu thấy nhớ nghề, họ lại xách vợt rủ nhau ra sân bóng làm vài séc. Ngoài ra, Tiểu Linh vẫn nhận huấn luyện cho CLB Bóng bàn Trường Marie Curie để được cầm vợt. Bây giờ coi như chuyện làm ăn đã thành đạt, vậy còn chuyện gia đình? “Giá như còn thời gian để nghĩ đến chuyện đó” - hai cô gái lại cười…

SONG PHẠM
 

Tin cùng chuyên mục