Sau 15-9: Từ lựa chọn y tế đến lựa chọn chính sách

Ngày 29-8, tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với lãnh đạo 1.060 xã, phường, thị trấn thuộc 20 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhận định, chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với virus, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp… 

Đây là một bước ngoặt về tư duy, phương thức phòng chống dịch dựa trên quan điểm khoa học - dịch tễ bởi chắc chắn sự biến đổi, sức sinh sản của virus cúm - truyền nhiễm sẽ vẫn tồn tại trong môi trường và tiềm ẩn lây lan qua người, động vật. 

Thực tế ứng phó với các kỳ đại dịch nói chung, nhất là dịch cúm và cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM nói riêng, nơi mà người đứng đầu Chính phủ không dưới 3 lần trực tiếp kiểm tra cơ sở, đã khiến ông đi từ phán đoán đến quyết đoán một cách hợp quy luật lẫn sát thực tiễn.
Nhìn rộng ra, sâu hơn, từ bước ngoặt tư duy của Thủ tướng đến thái độ cẩn trọng dựa trên khoa học của lãnh đạo TPHCM trong việc mở cửa lại các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố trước và sau cột mốc 15-9, chúng ta sẽ nhận thấy, đây không chỉ là một lựa chọn y tế - với các dữ liệu và năng lực đáp ứng chuyên ngành, mà còn là lựa chọn chính sách - với các dữ liệu xã hội, kinh tế và khả năng chống chịu, cách thức chuẩn bị vực dậy, bước đi của cả nền kinh tế quốc gia - địa phương như thế nào.
Không mơ hồ, lạc quan tếu; cũng không duy ý chí, cực đoan, việc xác định sống chung với virus đi cùng với những tính toán để xác lập trạng thái bình thường mới đang được dựa trên các dữ liệu chính xác, trung thực về khoa học dịch tễ. Trong đó, tại thành phố, tỷ lệ tiêm chủng vaccine mũi 1 phải đạt cao nhất, phủ kín toàn bộ dân cư và ít nhất phải trên 30% mũi 2 dân số trên 18 tuổi. Tập trung nguồn lực con người và thuốc men, nhất là thuốc đặc trị để can thiệp sớm ngay từ đầu, hạn chế bệnh nhân chuyển nặng, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trung tâm. Từ đó có thể tập trung sức người, sức của để chăm sóc các ca nặng, giảm dần số ca tử vong. 
Một khi đảm bảo được trụ đỡ y tế, những “cánh cửa” của các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ lần lượt được mở ra. Việc mở cửa sẽ có mục tiêu, lộ trình, trọng điểm và phương thức kiểm soát tương ứng để hạn chế thấp nhất các yếu tố rủi ro, tái lây nhiễm diện rộng.
Vấn đề là cần sắp xếp để các “trụ đỡ” y tế - kinh tế trong kết nối liên vùng và có các chính sách hợp lý, chặt chẽ để sử dụng hiệu quả các nguồn lực như vaccine, lực lượng y tế, người lao động, hoạt động giao thông - lưu thông hàng hóa… Trong kế hoạch phân bổ vaccine quốc gia, cần tập trung cho TPHCM và các tỉnh lân cận (nhất là đảm bảo số lượng tiêm mũi 2) vì đây chính là những vùng đệm trọng yếu trong huyết mạch kinh tế khu vực phía Nam.
Bên cạnh đó, cũng cần đảm bảo hoàn tất tỷ lệ tiêm chủng vaccine, kiểm soát lưu lượng và mật độ giao thông, tương tác, sinh hoạt, lưu trú theo tiêu chí giãn cách xã hội + 5K sẽ đưa lao động từ các địa phương quay trở lại thành phố, tái hoạt động sản xuất. Hàng hóa sẽ được lưu thông liên vùng và phân bổ khắp cả nước, dần đưa trở lại nhịp độ sản xuất, phân phối.
Và cuối cùng, một trong những điều kiện tiên quyết, cần đảm bảo xuyên suốt từ cấp Trung ương đến các địa phương, là một khi xác định Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu theo mùa thì cần xây dựng một khung vận hành mang tính pháp lý, thiết lập một trạng thái tâm lý bình tĩnh, sẵn sàng trước dịch trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là y tế - dịch tễ công cộng.

Tin cùng chuyên mục