Sau chợ hiện đại, Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ triển khai tại chợ truyền thống

Sau chợ hiện đại, Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ triển khai tại chợ truyền thống

Báo SGGP vừa tổ chức giao lưu trực tuyến xoay quanh “Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” thuộc Dự án Mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020 do Sở Công thương TPHCM triển khai.

Khách mời tham dự buổi giao lưu gồm:

- Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, đơn vị chủ lực thực hiện Đề án.

- Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM.

- Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TPHCM.

- Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan.

- Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM.

Sau đây là nội dung buổi giao lưu:

- Trần Thanh Quế (thanhque@gmail.com): Tôi xin hỏi ông Mười, Vissan sẽ triển khai việc truy xuất nguồn gốc thịt heo ra sao trong bối cảnh hoạt động giết mổ vẫn còn khá thủ công?

>> Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Hiện nay tại nhà máy giết mổ gia súc VISSAN chỉ có giết mổ công nghiệp cho các nguồn hàng kinh doanh của VISSAN. Việc truy xuất nguồn gốc đã có nền tảng từ trước, vì vậy khi ứng dụng việc truy xuất nguồn gốc theo Tefood của thành phố được nhiều thuận lợi và đạt kết quả khả quan.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan tại buổi giao lưu

- Nguyễn Ngọc Ánh (Đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12): Tôi được biết, Việt Nam có chuẩn ISO 9001, trong đó hướng dẫn kỹ về quản lý chất lượng đầu vào. Nếu so sánh với việc truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh sao không làm từ gốc, mà toàn làm ngọn không vậy? Hãy làm từ gốc, phạt thật nặng vào, 1kg thịt nhiễm chất cấm, hay không đạt tiêu chuẩn ATVSTP thì phạt 5 triệu. Phạt như vậy ai dám làm bậy.

>> Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM: Trước tiên, tôi cảm ơn bạn đọc đã quan tâm vấn đề này. Việc quản lý an toàn thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi được kiểm soát từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến kinh doanh tiêu thụ sản phẩm. Trong từng khâu đã có những quy định cụ thể để kiểm soát như: khuyến khích các hộ chăn nuôi áp dung thực hành sản xuất tốt (VietGAP) trong chăn nuôi; Còn trong giết mổ, đã có quy định về đánh giá xếp loại theo Thông tư 45/2015/TT-BNNPTNT; Đồng thời, thành phố đã có quy hoạch hình thành các cơ sở giết mổ công nghiệp áp dung hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, GMP. Các cơ sở kinh doanh phải được thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm.

Hiện nay thành phố đang triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc heo từ các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, đến nơi kinh doanh. Điều này cho thấy việc kiểm soát đã được thực hiện ngay từ khâu chăn nuôi đến người tiêu dùng.

Việc xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm phải áp dụng đúng các quy định như Nghị định 178 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và Nghị định 119 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y. Hiện nay, các trường hợp vi phạm sử dung chất kích thích tăng trọng trong chăn nuôi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc tiêu hủy lô hang vi phạm, đã đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm.
 
- Kim Chung (kimchung@gmail.com): Được biết, Co.opmart là một trong những đơn vị chủ lực thực hiện Đề án này. Trong những ngày qua, Co.opmart có gặp khó khăn, vướng mắc gì không? Lượng thịt heo bán ra của Co.opmart trong những ngày qua có tăng hay không?

>> Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM: Hiện Saigon Co.op đã tích cực triển khai đề án quản lý và nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo tại gần 150 điểm bán của chúng tôi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (gồm các siêu thị Co.opmart, cửa hàng Co.opFood và đại siêu thị Co.opXtra). Do chương trình mới bắt đầu từ ngày 16/12 vừa qua nên không tránh khỏi những khó khăn nhất định mà bất kỳ một chương trình mới nào cũng gặp phải như: lỗi kỹ thuật khi quét mã, các khâu phối hợp giữa các bộ phận tham gia và quá trình truy xuất. Tuy nhiên các khó khăn này đều được khắc phục nhanh chóng với sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan.

Hướng dẫn người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thịt heo

Từ trước đây, người tiêu dùng đã an tâm tin tưởng về chất lượng hàng hóa tại các điểm bán của Saigon Co.op do quy trình kiểm tra chất lượng đầu vào chặt chẽ và uy tín của toàn hệ thống. Khi triển khai đề án nói trên tại các điểm bán của chúng tôi, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm và càng thêm tin tưởng vào chất lượng hàng hóa. Do mới triển khai nên lượng thịt heo bán ra trong những ngày qua tăng nhẹ, trong tương lai lượng bán sẽ tiếp tục tăng.

- Hải Âu (haihauyennhu@gmail.com): Theo tôi được biết, việc giết mổ và phân phối thịt heo của Vissan chủ yếu được thực hiện là cung ứng thịt nóng cho thị trường. Với đề án này, Vissan có gặp khó khăn gì không? Việc chuyển đổi từ thịt nóng qua thịt tươi được làm mát (theo đề án) đã được Vissan thực hiện ra sao?

>> Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: Tập quán tiêu dùng của người Việt Nam là ưa chuộng sử dụng thịt nóng ngay sau khi giết mổ. Với hệ thống quản lý của VISSAN, hiện nay sau giết mổ được đưa nhanh qua phòng mát với nhiệt độ là 6°C. Sau đó chuyển qua pha lóc hoặc chuyển mảnh heo ra quầy bán. Tại đây thịt được bảo quản trong tủ mát để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, với quy trình này, VISSAN vẫn đảm bảo việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo theo Tefood thuận lợi. Chúng tôi luôn mong mỏi sự đồng bộ trong quy định việc sử dụng thịt heo qua hệ thống mát sẽ được đảm bảo tốt hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Hào Hiệp (Q.3, TPHCM): Cách đây vài tuần, báo SGGP đã có phóng sự điều tra về thực trạng heo bị bơm nước, bơm thuốc an thần tại các cơ sở giết mổ ở tỉnh Long An. Đến nay, thành phố triển khai việc truy xuất là rất kịp thời và chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, theo điều tra riêng cùa chúng tôi, tình hình heo bị bơm nước vẫn diễn ra (dù có ít hơn trước, nhờ Long An tăng cường thanh tra). . . Thú y Tp Hồ Chí Minh đã có kế hoạch đánh giá dự trù quy chuẩn kỹ thuật địa phương để đánh giá cơ sở giết mổ. Các doanh nghiệp ở tỉnh Long An đang rất mong chờ việc này.

Mới đây, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị toàn quốc về tôm bị bơm hóa chất. Nhiều đại biểu cho rằng đây là hành vi nguy hiểm, gây tổn hại sức khỏe người tiêu dùng và đề xuất xử lý hình sự. Việc bơm nước heo có hậu quả không kém. Vậy các lãnh đạo và cơ quan nghiệp vụ thành phố có đề xuât tương tự không? Các cơ quan chức năng có giải pháp nào phòng chống heo bơm nước, bơm thuốc không? Xin cám ơn!

>> Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM: Việc đấu tranh với tình trạng bơm nước vào heo sống trước khi giết mổ là một trong những mối quan tâm hang đầu của Chi cục Thú y. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y đã chủ động kiểm tra xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm thịt heo có dấu hiệu rĩ dịch có nguồn gốc từ các cơ sở giết mổ Long An cung cấp về chợ đầu mối Bình Điền, các trường hợp vi phạm đều bị xử phạt vi phạm hành chính, tang vật phải xử lý, chuyển mục đích sử dung làm thức ăn chăn nuôi. Chi cục Thú y TPHCM thông báo định kỳ hàng tuần các trường hợp vi phạm cho Chi cục Thú y Long An phối hợp xử lý từ gốc. Đối với hộ kinh doanh tại chợ đầu mối Bình Điền ký cam kết không kinh doanh thịt heo bơm nước, nếu vi phạm, chúng tôi phối hợp với Ban quản lý Chợ phát loa công khai trên hệ thống loa của chợ.

Đối với các cơ sở giết mổ tại thành phố, bố trí cán bộ thú y kiểm tra 24/24, kiểm tra và lưu giữ các lô hàng có dấu hiệu bơm nước để xử lý nghiêm.

Với các biện pháp kiên quyết như trên đã cơ bản chuyển hóa tình hình, tuy nhiên đây là công việc phải triển khai thường xuyên. Việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật cũng đang được các ngành có liên quan tiến hành.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM tại buổi giao lưu

- Diễm Phương (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TPHCM): Thưa bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP, việc đảm bảo ATVSTP trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2017 là điều cực kỳ quan trọng. Lực lượng liên ngành ATVSTP TP đã và đang có biện pháp cụ thể nào trong việc kiểm tra, giám sát nguồn hàng hiện nay trên địa bàn TP, nhất là các chợ truyền thống, chợ tự phát, các quán ăn đường phố…?

>> Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TPHCM: Nhằm đảm bảo ATTP phục vụ cho người dân thành phố, đặc biệt cho dịp Tết Nguyên Đán, thành phố đã có những hoạt động tích cực, như chủ động ký kết phối hợp công tác kiểm tra, giám sát ATTP với các tỉnh thành có nguồn nông sản cung ứng cho thành phố; tăng cường hoạt động quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn; tăng về số lượng và chủng loại thực phẩm để tăng thị phần cung cấp thực phẩm sạch cho thành phố.

Hiện nay, thành phố đã phát triển trên 400 điểm cung ứng thực phẩm đạt Viet Gap, Global Gap cho người dân, phát triển thêm nhiều cơ sở cung ứng thực phẩm sạch, chất lượng trong hệ thống bán hàng bình ổn. Công tác này đã được chuẩn bị ngay từ quý 2 của năm.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường về ATTP đã được tiến hành xuyên suốt, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đã thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính rất quyết liệt. Đến nay tổng số tiền phạt trên 21 tỉ đồng, loại bỏ trên 300 tấn thực phẩm không đảm bảo ATTP trên thị trường.

Để tăng cường cho hoạt động đảm bảo ATTP cho đợt cao điểm Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo liên ngành đã có kế hoạch truyền thông về ATTP và hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành trên đồng loạt 3 cấp: thành phố, quận-huyện, phường-xã.

- Hải Âu (haihauyennhu@gmail.com): Trên thực tế, việc truy xuất nguồn gốc phải được các DN như Vissan triển khai thực hiện chứ không phải chờ cơ quan quản lý vào cuộc. Vissan sẽ vào cuộc thực hiện đề này như thế nào?

>> Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: Xin cảm ơn câu hỏi rất có ý nghĩa của bạn. Học tập từ các nước tiên tiến đã có quá trình quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng ta thấy rằng, việc truy xuất nguồn gốc phải xuất phát ngay từ trong sản xuất, chăn nuôi và giết mổ. Người tiêu dùng chỉ kiểm tra khi thấy nghi ngờ. Chúng tôi mong mỏi việc giết mổ phải được tập trung công nghiệp để kiểm soát tận gốc việc truy suất nguồn gốc.

Trong thực tế, VISSAN đã triển khai việc truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn (3F) nhiều năm nay. Vì vậy, việc ứng dụng Tefood của cơ quan quản lý hiện nay là một động lực để mọi doanh nghiệp cùng làm theo. VISSAN luôn hướng tới việc hoàn thiện quy trình này và mong mỏi tất cả các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi, giết mổ, phân phối cùng thực hiện đồng bộ để mang lại lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng.

- Lê Văn Khanh (Cư xá Bắc Hải, quận 10): Đọc trên thông tin báo chí, chúng tôi thấy việc truy xuất nguồn gốc thịt heo được thực hiện thông qua thiết bị đầu cuối, nhưng chúng tôi cũng chưa rõ cho lắm. Kính mong Sở Công thương, Chi cục Thú y TP… giải thích rõ hơn cho chúng tôi về vấn đề này?

>> Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, đơn vị chủ lực thực hiện Đề án: Do các thông tin liên quan đến thịt heo đã được các chủ thể tham gia quá trình sản xuất và kinh doanh trong đề án đăng ký và cập nhật vào trong hệ thống Te-food nên ở khâu cuối cùng người tiêu dùng sử dụng điện thoại smartphone tải miễn phí ứng dụng Te-food trên internet để quét vào tem truy xuất đã được người bán dán lên miếng thịt heo sẽ truy xuất được nguồn gốc của miếng thịt cùng với những thông tin có liên quan khác.

Người tiêu dùng cũng có thể sử dụng máy tính bảng, máy tính bàn để tải miễn phí úng dung Te-food để quét tem truy xuất hoặc gõ dòng chữ số trên tem truy xuất để có được các thông tin truy xuất. Chúng tôi đang khuyến khích các điểm bán trang bị thêm máy quét tem truy xuất để người tiêu dùng có thể kiểm tra thông tin ngay sau khi mua thịt.

- Hồ Văn Nghị (Nguyễn Văn Quá, quận 12, TPHCM): Dịp cuối năm, thời tiết thay đổi liên tục tạo nhiều bất lợi cho gia súc, gia cầm. Theo đó dịch bệnh các loại cũng dễ dàng phát sinh, thậm chí bùng phát. Thế nhưng, ghi nhận thực tế trên thị trường hiện nay, thịt, trứng lậu nhất là khu vực vùng ven, chẳng hạn như huyện Bình Chánh, Củ Chi… xuất hiện khá nhiều. Người dân rao bán đầy ngoài đường. Xin hỏi, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM có biết việc này hay không? Các ông đã và đang xử lý thực trạng này ra sao?

>> Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM: Trong thời gian vừa qua, Chi cục Thú y đã phối hợp có hiệu quả với Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các ban ngành triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phòng chống dịch bệnh cho gia súc và dịch bệnh từ gia súc lây sang người. Trong năm 2016, không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố.

Về thực trạng kinh doanh giết mổ trái phép, kinh doanh thịt, trứng không rõ nguồn gốc tại các chợ tự phát mà bạn đọc phản ảnh là đúng. Về trách nhiệm xử lý tình trạng này trước tiên là của Ủy ban nhân quân các địa phương; trong thời gian vừa qua Chi cục Thú y đã theo dõi cập nhật tình hình và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố ban hành văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện tập trung xử lý các điểm kinh doanh gia cầm sống trái phép; xử lý nghiêm tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trong khu vực dân cư.

Thậm chí UBND thành phố đã ban hành văn bản phê bình Chủ tịch UBND các quận, huyện đối với những địa bàn không có chuyển biến. Về trách nhiệm của đơn vị chúng tôi chủ động phối hợp với các ngành chức năng như Chi cục Quản lý thị trường, Công an thành phố để tăng cường hoạt động kiểm tra liên ngành, xử lý các trường hợp vi phạm. Riêng đối với mặt hàng trứng gia cầm hiện nay theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không còn là đối tượng kiểm dịch của ngành Thú y.

- Yến Nhi (yennhing@yahoo.com): ATVSTP hiện là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, TPHCM dù có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa hiệu quả, hàng bẩn, hàng kém chất lượng vẫn bày bán nhan nhản trên thị trường. Ngành ATTP sẽ có biện pháp gì để kiểm soát tốt hơn, thưa bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai.

>> Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TPHCM: TPHCM đã có nhiều giải pháp nhằm đảm bảo ATTP cho người dân thành phố trong thời gian qua như: Hoạt động ký kết hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo ATTP với tất cả tỉnh thành có cung ứng nguồn nông sản thực phẩm cho TPHCM, triển khai và phát triển đề án quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn, qua đó thực phẩm sẽ được thành phố kiểm soát chặt chẽ ngay từ tỉnh, Tổ chức tốt 3 chợ đầu mối để kiểm soát 80% nguồn hàng thực phẩm đi vào thành phố tiêu thụ, lập các chốt chặn và kiểm soát chặt tại các cửa ngõ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên địa bàn. Tuy nhiên, nạn buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu qua biên giới vẵn còn diễn biến phức tạp dù cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng. Vì vậy, chúng tôi mong người tiêu dùng nên tránh chọn mua thực phẩm không nguồn gốc, không đảm bảo ATTP, nên chọn mua tại các nơi như điểm bán hàng bình ổn, quày sạp trong chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị... nơi đã được cơ quan nhà nước kiểm soát.

Vui lòng thông tin cho chúng tôi khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Số điện thoại đường dây nóng của Chi cục chúng tôi là 08 39301714.

Trân trọng!

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TPHCM tại buổi giao lưu

- Quốc Bảo (Quận 9, TPHCM): Thú thật, ở nhà mẹ tôi đã lớn tuổi, không biết sử dụng điện thoại thông minh. Tôi cũng chẳng biết hướng dẫn cho bà thế nào cả. Khi nghe thông tin này tôi rất vui nhưng chỉ biết cười trừ. Tôi thấy đề án này chủ yếu phục vụ tầng lớp cư dân mới là chính, những anh chàng, cô nàng vào siêu thị cầm smartphone. Do vậy, thưa lãnh đạo Sở Công thương, có cách nào kiểm tra, quản lý chặt hơn đối với đầu vào các sản phẩm này để người dân dễ thực hiện?

>> Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, đơn vị chủ lực thực hiện Đề án: Tại các điểm bán thịt, nhân viên bán hang sẽ hướng dẫn người tiêu dùng cách thức sử dung diện thoại smartphone, máy tính bảng, máy tính bàn để quét tem truy xuất được dán lên miếng thịt để truy xuất nguồn gốc và các thông tin liên quan đến thịt heo. Chúng tôi đang khuyến khích các điểm bán trang bị máy quét tem truy xuất để người tiêu dùng có thẻ kiểm tra ngay sau khi mua thịt. 

Các cơ quan chức năng đang áp dụng nhiều giải pháp để kiểm soát chặt hơn đầu vào sản phẩm thịt heo, trong đó Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo là một nổ lực mới được triển khai. Với đề án này sản phẩm thịt heo giờ đây khi lưu thông trên thị trường được gắn tên, gắn nhãn tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất và kinh daonh thịt heo gồm: trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, thương nhân bán sĩ tại chở đầu mối, nhà bán lẻ, các cơ quan chức năng kiểm tra kiểm soát... với những thời gian cụ thể được cập nhật đầy đủ.

Tất cả những thông tin này đều được công khai cho người tiêu dùng rõ nên sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ thể và hạn chế những hành vi không lành mạnh vì mọi việc đều có địa chỉ chịu trách nhiệm cụ thể và công khai rộng rãi với mọi người.  

- Nguyễn Lệ An (Củ Chi, TPHCM): Đúng ra chương trình phải được làm lâu rồi mới đúng nhưng muộn còn hơn không. Chỉ như thế may ra ngành chăn nuôi trong nước mới trụ nổi. Cái kiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ bừa bãi mất vệ sinh, thịt ngâm đầy chất tạo nạc, tăng trọng, kháng sinh... chẳng ai quản lý sẽ đẩy ngành chăn nuôi Việt Nam đến chổ không lối thoát. Tôi cho rằng, nhà nước nên siết chặt, giám sát kỹ thông qua các chế tài thay vì xử phạt quá nhẹ như hiện nay. Mong rằng cơ quan Thú y TP xem xét?

>> Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM: Chúng tôi ghi nhận góp ý của Quý bạn đọc. Hiện nay vấn đề an toàn thực phẩm luôn được lãnh đạo thành phố và các bộ ngành quan tâm hàng đầu.

Tuy nhiên cũng cần có những bước đi phù hợp với thực trạng ngành chăn nuôi, thực trạng cơ sở hạ tầng về công nghệ, sự chấp nhận của người tiêu dùng. Trong thời gian vừa qua, thành phố đã xử lý có hiệu quả tình trạng sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi từ đó tác động chuyển biến cả khu vực do thành phố là nơi tiêu thụ chủ yếu nguồn heo nuôi tại các tỉnh…

Thành phố cũng có những kiến nghị sửa đổi các văn bản theo hướng tăng chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm.

- Lê Văn Sơ (Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình): Khi nào TPHCM sẽ chính thức thực hiện truy xuất đối với các loại thịt cá, rau củ quả? Vì thực tế, không riêng gì mặt hàng thịt heo, các mặt hàng khác cũng rất cần được truy xuất vì người dân vẫn chưa yên tâm khi sử dụng các sản phẩm này trên thị trường. Một khi đưa đề án vào triển khai thực hiện, người dân cảm thấy đó chính là bước đệm, tạo thêm niềm tin cho người tiêu dùng.

>> Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, đơn vị chủ lực thực hiện Đề án: Sau khi đề án kết thúc giai đoạn thử nghiệm và triển khai thành công đối với sản phẩm thịt heo, thành phố sẽ tiếp tục nhân rộng ra các sản phẩm khác như: thịt gia cầm, rau củ quả, trái cây...

Hiện nay việc nghiên cứu, khảo sát tìm giải pháp phù hợp với đặc điểm của từng loại sản phẩm cũng như thực trạng kinh doanh của các sản phẩm này đã được thành phố giao cho Ban quản lý đề án phối hợp với các cơ quan và các tỉnh cung cấp hàng hóa triển khai thực hiện.

Chúng tôi sẽ cố gắng tìm được giải pháp phù hợp và khả thi.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương

- Bạch Mai (Phú Nhuận): Tôi là một cán bộ hưu trí, tôi muốn hỏi ông Nhân, trong bối cảnh thực phẩm tươi sống vẫn chưa được kiểm soát tốt về chất lượng và vệ sinh, Saigon Co.op đã và đang làm gì để kiểm soát tốt hơn nguồn hàng đưa vào bán tại hệ thống Co.opmart, vì bản thân gia đình tôi hiện chỉ dùng nguồn thực phẩm từ Co.opmart?

>> Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM: Trước hết, rất cảm ơn câu hỏi của Bác và sự ủng hộ mà Bác đã dành cho Saigon Co.op cũng như hệ thống siêu thị Co.opmart.

Ý thức được rằng chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, cùng trách nhiệm phục vụ cộng đồng của mình, từ những ngày đầu thành lập đến nay, Saigon Co.op luôn đặt chất lượng là yếu tố hàng đầu trong phương châm hoạt động của mình.

Tại Saigon Co.op, mọi hàng hóa đều phải trả qua ba khâu kiểm tra nghiêm ngặt trước khi được bày bán. Trước hết là khâu kiểm tra tại nguồn (tại nơi sản xuất, đồng ruộng, trang trại...), tiếp đến là kiểm tra tại Trung tâm phân phối (các tổng kho của chúng tôi) và tại các điểm bán (siêu thị Co.opmart, cửa hàng Co.opFood, siêu thị Co.opXtra), hàng hóa được kiểm tra lần cuối trước khi được bày bán.

Việc kiểm tra được thực hiện bởi Phòng Quản lý chất lượng của Saigon Co.op và các chuyên viên Quản lý chất lượng tại các điểm bán được đào tạo chuyên nghiệp song song đó là việc gởi mẫu đến các cơ quan kiểm định độc lập và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang đầu tư vào nông nghiệp sạch để sản xuất các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

- Minh Nhật (q.2): Theo tôi hiểu, với Đề án Quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo, để thực hiện hiệu quả thì ngành Thú y đóng vai trò rất lớn trong việc kiểm tra, giám sát giữa thịt heo trong đề án và thịt heo bán ngoài thị trường. Vậy ngành Thú y đã và sẽ làm gì để thực hiện tốt vai trò của mình?

>> Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM: Tôi đồng ý với Quý bạn đọc. Chúng tôi tham gia xây dụng đề án ngày từ giai đoạn ban đầu cùng với các sở ngành.

Để triển khai đề án có hiệu quả phải có sự tham gia của nhiều thành phần từ các hộ chăn nuôi, hộ kinh doanh giết mổ, chủ các cơ sở giết mổ, tiểu thương kinh doanh ngành thịt, trong đó có vai trò kiểm tra, kiểm soát của ngành Thú y.

Hiện nay việc thực hiện đề án có sự giám sát của cán bộ thú y khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch tại trại chăn nuôi, kiểm soát tại các cơ sở giất mổ, chợ đầu mối; có sự phối hợp của chính quyền địa phương, Ban quản lý các chợ khi kiểm soát nguồn hàng nhập vào chợ truyền thống.

Cán bộ thú y cũng được trang bị thiết bị nhận diện để kiểm tra nguồn thịt tiêu thụ trên thị trường, phối hợp ban ngành xử lý các trường hợp vi phạm. Chính quyền địa phương tăng cường xử lý tình trạng giết mổ trái phép; các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường hoạt động kiểm tra xử lý có hiệu quả tình trạng vận chuyển thịt gia súc không rõ nguồn gốc từ các tỉnh xâm nhập vào thị trường thành phố để đảm bảo nguồn thịt heo an toàn cho người dân thành phố.

Các khách mời tại buổi giao lưu

- Phạm Sơn (TPHCM): Chào chị Mai: Chị có thể cho biết từ đầu năm đến nay đã có bao nhiêu vụ ngộ độc thực phẩm, chủ yếu là đối tượng nào? Đã kiểm tra, thanh tra bao nhiêu trường hợp?. Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, nhất là các dịp cuối năm. Ngành Y tế TP và Chi cục VSATTP đã có những kế hoạch gì trong việc kiểm tra VSATTP, đảm bảo sức khỏe của người dân? Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM. Về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, Ban quản lý này có chức năng gì khác so với chi cục VSATTP? Cảm ơn chị !.

>> Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TPHCM: Từ đầu năm đến nay thành phố xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm, 621 người mắc, chủ yếu là đối tượng công nhân và học sinh, cơ sở nguyên nhân là cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và bếp ăn tập thể. Tính tới thời điểm hiện tại, toàn bộ các bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố đã được thành tra, kiểm tra ít nhất 01 lần và cơ sở cung cấp suất ăn sẵn ít nhất 2 lần/năm. Ngành y tế nói chung và Chi cục ATVSTP nói riêng theo phân công của Luật ATTP đã thực hiện hoàn tất kế hoạch năm theo phân công, phân cấp quản lý. Chi cục ATVSTP cũng là đơn vị tham mưu cho Sở Y tế, Ban Chỉ đạo liên ngành dự thảo Kế hoạch đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán 2017, theo đó nội dung kế hoạch sẽ bao gồm nội dung tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông về ATTP và hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP đồng loạt trên 3 cấp. Hiện nay đã gởi các Sở liên quan và UBND 24 quận, huyện góp ý. Dự kiến trong tuần sau sẽ trình ký ban hành.

Vừa qua Thủ tướng đã có Quyết định thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, đây là đơn vị trực thuộc UBND thành phố nên chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền sẽ rất khác, cao hơn, rộng hơn, toàn diện hơn so với các đơn vị tham gia quản lý nhà nước về ATTP hiện nay, trong đó có Chi cục ATVSTP TPHCM.

Trân trọng!

- Duẩn (Bình Thạnh): Thưa ông Mười, khi áp dụng đề án thì giá bán thịt heo của Vissan có tăng hay không? Vissan sẽ làm gì để có thể bù vào khoản tăng này? Đến khi nào Vissan mới có thể thực hiện khép kín quy trình chăn nuôi, giết mổ và chế biến?

>> Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. VISSAN khẳng định dù có áp dụng các công nghệ này để kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm ngay khi các sản phẩm có tăng chi phí thêm nhưng để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, VISSAN vẫn cam kết thực hiện Chương trình bình ổn giá nên thịt heo vẫn không tăng giá. VISSAN tự cân đối trong tổng thể hoạt động của mình bù vào khoản chi phí này.

Hiện VISSAN đang tiếp tục hoàn thiện quy trình này, việc khép kín quy trình hiện nay là một chuỗi sản xuất hợp tác để kiểm soát từ khâu chăn nuôi đến giết mổ và phân phối. Như vậy hiện nay, trong phần chăn nuôi VISSAN đảm nhận được 15% tổng số nguyên liệu, còn lại mua từ các nhà chăn nuôi cung cấp và nguồn nguyên liệu này cũng được kiểm soát chặt chẽ quy trình chăn nuôi, đánh giá đầu vào bắt buộc phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn và kỹ thuật, đảm bảo chất lượng của nguồn nguyên liệu theo một hợp đồng liên kết (VISSAN muốn tham gia thúc đẩy việc chăn nuôi nông nghiệp bởi các thành phần khác để cùng phát triển ngành).

Chúng tôi xin mô tả quy trình trong việc khép kín tại VISSAN như sau: nguồn heo nhập được niêm phong và mang vòng truy xuất trước khi lên xe (nguồn này tối thiểu phải đạt được tiêu chuẩn VietGAP). Sau đó xe được niêm phong lại chuyển về lò giết mổ được cơ quan thú y cùng kiểm soát và thử nhanh việc có sử dụng các chất cấm hay không (nếu có sẽ bị xử lý loại bỏ), sau đó đưa vào giết mổ, pha lóc rồi mang vòng truy xuất sau đó được chuyển ra thị trường tiêu thụ.

Trong quá trình giết mổ, VISSAN dùng các công cụ đo đếm tỉ lệ nạc, mỡ... (các phân tích này sẽ được gửi đến người chăn nuôi để hoàn chỉnh trong việc chăn nuôi cho phù hợp) để tính tiền giá bán, sau 24 giờ, VISSAN sẽ chuyển trả cho người bán bằng hình thức chuyển khoản. Như vậy, với quy trình này, việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc theo Te-food được đảm bảo, người tiêu dùng yên tâm, người bán nguyên liệu sẽ được trả theo đúng giá trị của họ. Từ đó thúc đẩy việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm và ngành nông nghiệp chăn nuôi sẽ được phát triển theo hướng công nghiệp.

Công nghệ sản xuất chế biến thực phẩm của VISSAN áp dụng theo công nghệ các nước châu Âu và được cơ quan thú y giám sát và kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, VISSAN còn có một phòng thí nghiệm đối chứng, một phòng R&D để nghiên cứu về sản phẩm. Có thể nói với nguồn nguyên liệu được kiểm soát chặt chẽ, với công nghệ hoàn chỉnh, VISSAN đã mang đến những sản phẩm tốt nhất và an toàn cho người tiêu dùng.

- Đại tá Nguyễn Đức Trúng (Quận Bình Thạnh, TPHCM): Tôi là một đại tá đã về hưu, nghe TPHCM triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo thì rất mừng, xin ông cho biết về kết quả thực hiện trong những ngày qua?

>> Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, đơn vị chủ lực thực hiện Đề án: Đề án được triển khai thí điểm tại các điểm bán của kênh phân phối hiện đại từ 16-12. Đề án đã được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người tiêu dùng và các chủ thể tham gia.

Người tiêu dùng tích cực tải miễn phí ứng dụng Te-food trên internet để quét tem truy xuất khi mua thịt. Các chủ thể tham gia gồm: các trang trại chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, các nhà phân phối, các điểm bán lẻ và các cơ quan chức năng cố gắng phối hợp, áp dụng đúng các qui trình và thao tác theo qui định của đề án.

Việc truy xuất nguồn gốc thịt heo được triển khai hầu hết tại các hệ thống siêu thị, của hàng thực phẩm, của hàng tiện ích. Hiện mỗi ngày lượng heo tham gia đề án truy xuất nguồn gốc là 1.500 con.

- Trần Thanh Thủy (thanhthuytran129@gmail.com, Quận Thủ Đức, TPHCM): Giữa tháng 12, tại nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở thành phố đã triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại thông minh soi trên tem nhận diện ở mỗi miếng thịt. Cách này có thực sự an toàn hay chưa khi việc đeo vòng chỉ được tiến hành với heo xuất chuồng nên chỉ truy xuất được lô heo, trại heo chứ chưa truy xuất được từng con heo? Rõ ràng heo vẫn có thể được cho ăn chất cấm, bơm nước và người bán vẫn có thể trà trộn heo? Và chắc gì tem đó đã đúng quy định?

>> Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM: Hiện nay thành phố đang triển khai thí điểm đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, bước đầu thực hiện tại kênh siêu thị, cửa hàng chuyên doanh thuộc hệ thống VISSAN, SAGRIFOOD.

Việc nhận diện và truy xuất được thực hiện từ khâu trang trại, trên từng con heo khi xuất trại được đeo vòng nhận diện đến cơ sở giất mổ và phân phối ra chợ đầu mối từ đó đến các chợ truyền thống.

Do điều kiện thực tế kinh doanh ngành thịt heo, người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen mua thịt heo được đóng gói sẵn. Do đó, để đảm bảo 100% sản phẩm đến tay người tiêu dùng có thể truy xuất đến từng con heo là rất khó cho Ban quản lý đề án. Trước mắt người tiêu dùng có thể truy xuất đến cơ sở chăn nuôi heo. Việc truy xuất nguồn gốc chỉ là một trong những giải pháp để quản lý an toàn thực phẩm, Ngành Thú y vẫn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, kinh doanh thịt không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chi cục quản lý thị trường và Ủy ban nhân dân các quận huyễn vẫn phải kiểm tra xử lý giết mổ trái phép để tránh trường hợp trà trộn hàng chưa qua kiểm soát. Về tem truy xuất đã có những giải pháp chống tem giả.

- Hai Miền (Q8): Tôi muốn hỏi bà Mai, Tết Nguyên đán là cao điểm mua sắm và sử dụng các loại thực phẩm, ngành ATVSTP có biện pháp gì để ngăn chặn và kiểm soát thị trường tốt hơn, nhằm bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi cho người dân TP?

>> Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TPHCM: Công tác đảm bảo ATTP không chỉ được thực hiện trong tháng cao điểm như dịp Tết Nguyên đán mà các cơ quan chức năng đã triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP theo chức năng, nhiệm vụ từ đầu năm. Tuy nhiên, trước nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, bên cạnh việc tăng lượng hàng để đưa ra thị trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có phép, thì các cơ sở không phép, hàng nhập không chính ngạch, hàng gia đình làm cũng đồng loạt tham gia vào thị trường. Do vậy các cơ quan chức năng đã có biện pháp tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra ATTP.

Từng cơ quan quản lý ATTP thuộc Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương và UBND các quận, huyện... đã có phương án triển khai kế hoạch đảm bảo ATTP trên địa bàn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2017.

Và để tăng cường công tác đảm bảo ATTP trước trong và sau Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSTPTP Trung ương chuẩn bị ban hành Kế hoạch hướng dẫn các tỉnh thành về công tác đảm bảo ATTP. Riêng TPHCM, chúng tôi đã xây dựng Kế hoạch này theo tình hình thực tiễn của thành phố, qua đó các cơ quan chức năng sẽ tăng cường các hoạt động nhằm quản lý, kiểm soát thị trường tốt hơn, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Trân trọng!

- Uyên Như (q.5): Thưa ông Nguyễn Thành Nhân, hiện thị trường đang vào cao điểm Tết, Saigon Co.op có biện pháp gì để đảm bảo hàng hoá đạt chất lượng, ATVSTP? Nhân tiện ông vui lòng cho biết thêm, có bao nhiêu mặt hàng, sản phẩm đang kinh doanh trong hệ thống siêu thị Co.opmart đã đạt chuẩn VietGAP? Tôi cũng biết, Saigon Co.op có bộ phận tự kiểm tra chất lượng, vậy tỷ lệ hàng hoá không đạt chất lượng, an toàn chiếm bao nhiêu % (uyennnhudoan@gmai.com)

>> Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM: Rất cảm ơn câu hỏi của bạn, không chỉ trong dịp Tết mà bất cứ thời điểm nào trong năm chúng tôi cũng đều đặc biệt quan tâm khâu kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Trong dịp cao điểm phục vụ Tết, tần suất kiểm tra, kiểm nghiệm càng dày hơn, được nâng lên từ 5 đến 10 lần. Đồng thời, chúng tôi đã đầu tư thêm và đưa vào hoạt động một phòng thí nghiệm ngay tại Trung tâm phân phối cũng như tăng cường những chuyến xe lưu động kiểm tra tại nguồn.

Có thể nói rằng, Saigon Co.op là một trong những đơn vị đi đầu trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm VietGap. Ngay từ năm 2012, chúng tôi đã phối hợp cùng Sở Công thương TP tổ chức khu vực trưng bày, kinh doanh sản phẩm VietGap tại các điểm bán hàng của Saigon Co.op. Qua đó, tăng cường mức độ nhận diện và tăng sự ủng hộ của người tiêu dùng đối với các sản phẩm VietGap.

Hiện nay, đối với các mặt hàng rau, củ, quả... tỷ lệ sản phẩm VietGap đạt 99% (chỉ còn một ít các sảm phẩm rau gia vị như ớt, xả,… là sản phẩm đạt chuẩn an toàn). Chúng tôi cũng đang tích cực đầu tư vào nông nghiệp sạch và phối hợp cùng các nhà cung cấp để sản xuất các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ.

Cụ thể, chúng tôi vừa phối hợp với các hộ nông dân của HTX nông nghiệp Tân Tiến – Vĩnh Long với sự tư vấn đặc biệt của giáo sư Võ Tòng Xuân, sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ khuyến nông địa phương và các viện khoa học để sản xuất và đưa vào kinh doanh sản phẩm gạo sạch được trồng theo hướng hữu cơ Jasmine 100.

Đồng thời trong thời gian sắp tới sẽ cho ra mắt các sản phẩm hữu cơ được chứng nhận của các tổ chức uy tín trên thế giới để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op

- Phương Thảo (phuongthaotransg@gmail.com): Ông Văn Đức Mười có thể cho biết, nguồn heo giết mổ của Vissan được lấy từ đâu? Tất cả sản phẩm thịt heo của Vissan có nằm trong đề án hay không?

>> Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúng tôi xác nhận toàn bộ nguồn heo giết mổ của VISSAN đều nằm trong đề án truy xuất nguồn gốc của thành phố. Việc truy xuất nguồn gốc đã được VISSAN thực hiện từ nhiều năm trước.

Đến nay, khi ứng dụng chương trình của thành phố, VISSAN có nhiều thuận lợi hơn. Cụ thể, VISSAN có nhiều trại chăn nuôi ở các tỉnh Bình Dương, Bình Thuận... để chủ động một phần nguôn nguyên liệu của mình. Số còn lại chúng tôi ký hợp đồng với các trại chăn nuôi lớn. Các trại chăn nuôi này cũng thực hiện theo quy trình chăn nuôi khép kín có định hướng kỹ thuật và kiểm soát chặt chẽ giống, thức ăn gia súc theo tiêu chuẩn được quy định trong hợp đồng.

Như vậy, nguồn nguyên liệu của chúng tôi được kiểm soát chặt chẽ sản phẩm giết mổ trên đường dây công nghiệp. Việc bán ra cũng theo một quy trình kiểm soát chặt chẽ. Như vậy, người tiêu dùng có thể yên tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm với sản phẩm của VISSAN.

- Hoàng Hà (Bình Chánh, TPHCM): Xin hỏi ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, theo tôi được biết, Công ty Vissan thực hiện truy xuất nguồn gốc 100% lượng thịt heo đưa ra thị trường từ ngày 10-12. Vậy trước đó, việc thực hiện kiểm tra như thế nào?

>> Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Nội dung câu hỏi này đã được tôi trả lời trong các câu hỏi trước. Mời bạn tham khảo những câu trả lời phía trên. Cảm ơn bạn!

- Mai Thị Ngọc Trang (Quang Trung, quận Gò Vấp, TPHCM): Thưa ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương, TP có gì đảm bảo rằng việc truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ đảm bảo diễn ra theo quy trình khép kín, người kinh doanh bất chính không thể trục lợi, quay vòng con tem nhãn đã từng sử dụng trên heo an toàn? Bởi thực tế hiện nay, chúng tôi được biết, thứ gì cũng dễ dàng bị làm giả. Thậm chí, ngay cả tiền còn bị làm giả một cách tinh vi, thì những con tem dán trên heo chỉ có giá vài chục đồng có lẽ làm giả sẽ không vấn đề gì?

>> Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, đơn vị chủ lực thực hiện Đề án: Theo cam kết của Hội công nghệ cao thành phố và đơn vị tư vấn kỹ thuật, Đề án áp dụng các giải pháp bảo mật và chống giả bản quyền châu Âu có khả năng bảo mật và chống giả cao.

Mỗi chủ thể tham gia Đề án gồm: các trang trại, các cơ sở giết mổ, các nhà phân phối, các điểm bán lẻ khi đăng ký tham gia chương trình sẽ được thẩm định và cấp một mã code riêng biệt với tên truy cập và mật mã riêng duy nhất của từng chủ thể. Các chủ thể có trách nhiệm bảo mật tên và mật mã của mình. Chỉ những chủ thể đã đăng ký tham gia chương trình và dùng tên và mật mã của mình mới truy cập vào hê thống để thao tác. Tất cả các thao tác của các chủ thể đều được hệ thống ghi nhận và cập nhật. Vì vậy hệ thống dễ dàng nhận biết và có báo cáo cảnh báo những hành vi bất thường của các chủ thể trong việc truy cập, đăng ký mua và sử dung các vòng nhận diện, các con tem truy xuất để Ban quản lý đề án phân tích, khoanh vùng và áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống, xử lý phủ hợp. Chương trình cũng sẽ phát hiện, theo dõi và xử lý những hành vi của các đối tượng không tham gia Đề án.

Ngoài ra thành phố đã giao nhiêm vụ cho các Sở ban ngành và lãnh đạo các quận huyện có biện pháp triệt để xử lý và chấm dứt các hoạt động giết mổ không chính thức để hạn chế và chấm dứt các nguồn thịt nằm ngoài qũy đạo của Đề án.  

- Quang Huy (Quận 8, TPHCM): Xin được hỏi ông Huỳnh Tấn Phát, như thế nào được gọi là thịt heo không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?

>> Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM: Để đảm bảo thịt heo an toàn thực phẩm phải đươc kiểm soát từ khâu chăn nuôi, trong quá trình chăn nuôi không được sử dụng các chất kích thích tăng trọng, chấp hành việc sử dụng thuốc thú y đúng quy định, tuân thủ thời gian ngưng sử dụng thuốc trước khi xuất bán ra thị trường, heo phải đảm bảo thời gian nghĩ ngơi trước khi giết mổ, việc giết mổ phải được thực hiện tại nơi đảm bảo vệ sinh, thịt heo sau khi giết mổ phải được vận chuyển, bảo quản đảm bảo vệ sinh.

Như vậy có thể nói thịt heo không đảm bảo an toàn thực phẩm khi có tồn dư kháng sinh, chất kích thích tăng trọng vượt quá giới hạn cho phép, thịt bị vấy nhiễm vi sinh trong quá trình giết mổ hoặc bảo quản không đảm bảo vệ sinh.

- Quốc Thắng (Bình Chánh, TPHCM): Xin được hỏi ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM. Hiện nay, nhiều cơ sở chăn nuôi heo theo một quy trình khép kín, vậy việc bảo vệ người chăn nuôi, đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và bảo vệ thị trường trong nước tránh bị tràn ngập bởi thịt đông lạnh nhập khẩu từ các nước hiện nay ra sao?

>> Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM: Chúng ta đã bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng trong đó có cả lĩnh vực chăn nuôi. Ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trong đó, đẩy mạnh mô hình liên kết giữa người chăn nuôi, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh con giống, thức ăn chăn nuôi, đơn vị giết mổ kinh doanh sản phẩm thịt nhằm đảm bảo đầu ra cho người chăn nuôi, giảm giá thành chăn nuôi và có sự hài hòa lợi ích của các bên tham gia trong chuỗi liên kết từ đó phát triển bền vững.

- Thu Hạnh (Bình Dương): Tôi ở Bình Dương, muốn hỏi ông Mười là ông có mua heo của Bình Dương không? Điều kiện để bán hàng cho Vissan là gì?

>> Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: Quy trình mua heo của VISSAN phải được đánh giá đầu vào bằng các tiêu chuẩn về nguồn nguyên liệu, nếu đáp ứng được thì VISSAN sẽ tiến tới việc ký hợp đồng và thực hiện đúng quy trình như đã trả lời từ những câu hỏi trên. Chúng tôi mua và trả tiền theo chất lượng được đánh giá bằng các công cụ hiện đại, sau đó trả chuyển khoản sau 24 giờ.

Chúng tôi hoan nghênh tất cả các nhà chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp có đầu tư khoa học kỹ thuật tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo các chuẩn mực quy định. Có thể tham khảo Bộ tiêu chuẩn và quy định thu mua của VISSAN tại Phòng kinh doanh Công ty VISSAN tại 420 đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh TPHCM. (Liên hệ anh Trần Quốc Định: 0903315951)

- Quang Huy (Quận 8, TPHCM): Theo tôi được biết, hiện tại ở TPHCM có nhiều lò mổ heo lậu và nhiều điểm bán thịt nhỏ lẻ được lấy từ đây. Việc xử lý các điểm bán này như thế nào?

>> Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi Cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM: Vấn đề kiểm soát các điểm giết mổ trái phép và các điểm kinh doanh thịt không rõ nguồn gốc, tôi đã có trả lời trong các câu hỏi trước, bạn đọc có thể tham khảo. Cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm.

- Phạm Hạnh (phamhanh0179@gmail.com): Tôi thấy các nhà mạng gởi thông báo vào điện thoại của tôi thông tin tải ứng dụng TE-FOOD, xin hỏi trong quá trình sử dụng có phát sinh cước phí gì không? Cá nhân tôi nghĩ, việc truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ dễ dàng ở các siêu thị, cửa hàng bán hàng chuyên của các đơn vị như Satra, Vissan, Co.op...Tuy nhiên, hiện nay, những người bán hàng lẻ ở chợ, thậm chí có những người bán hàng rong, bán thịt cá với số lượng nhỏ, họ có thể mua hàng có nguồn gốc của Vissan ở chợ đầu mối nhưng với số lượng nhỏ lẻ như vậy, thì làm sao người dân biết được thịt mua là thịt có nguồn gốc đảm bảo. Nếu những người bán thịt ở chợ họ trộn thêm thịt lấy từ các lò giết mổ không đảm bảo thì làm sao phát hiện được. Trong trường hợp này những đơn vị quản lý sẽ xử lý thế nào?

>> Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, đơn vị chủ lực thực hiện Đề án: Ứng dung Te-food dùng để truy xuất nguồn gốc thịt heo và các thông tin liên quan khác được tải miễn phí trên internet.

Hiện đề án đang được triển khai thí điểm tại kênh phân phối hiện đại từ ngày 16/12 để rút kinh nghiệm, hoàn thiện các qui trình và các giải pháp kỹ thuật. Trên cở sở kinh nghiệm và thành công của kênh phân phối hiện đại sẽ bổ sung các giải pháp cần thiết trước khi triển khai ra kênh phân phối truyền thống. Việc triển khai ở kênh phân phối cũng làm theo từng bước, với từng đối tượng, những thao tác, những giải pháp cùng với các biện pháp kiểm tra giám sát phù hợp.

Cụ thể, tiếp theo kênh hiện đại, sắp tới sẽ triển khai với 2 chợ đầu mối để bảo đảm nguồn heo vào chợ phải được kiểm soát có vòng nhận diện trên heo và có vòng niêm phong tất cả các phương tiện vận chuyển heo vào chợ. Tiếp theo đó sẽ thí điểm tại 1 số chợ bán lẻ.

Mặt khác thành phố đã giao nhiệm vụ cho các Sở ban ngành và lãnh đạo các quận huyện tăng cường kiểm tra kiểm soát xử lý triệt để và chấm dứt các hoạt động giết mổ không chính thức để hạn chế và chấm dứt nguồn cung cấp thịt heo nằm ngoài qũy đạo của đề án.

- Nguyễn Du (Thủ Đức): Tôi muốn tâm sự với ông Nhân, thực phẩm gia đình tôi dùng hàng ngày đều mua hết trong Co.opmart. Nhưng đâu đó tôi vẫn nghe là nguồn hàng đưa vào bán tại Co.opmart vẫn chưa được kiểm soát tốt nên gia đình tôi rất hoang mang. Ông có thể làm rõ vấn đề này được không? Cảm ơn ông!

>> Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM: Chân thành cảm ơn sự tin tưởng đối với Saigon Co.op và những chia sẽ chân tình của anh. Bằng tất cả sự tận tâm với khách hàng, với cộng đồng của một tổ chức hợp tác xã và uy tín của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, chúng tôi có thể khẳng định rằng: hàng hóa được kinh doanh tại các điểm bán của Saigon Co.op (siêu thị Co.opmart, cửa hàng Co.opFood, đại siêu thị Co.opXtra) đều được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt trong quy trình ba khâu như đã trình bày ở các câu trả lời trước.

Trong thời gian tới, chúng tôi rất trân trọng được mời anh cùng gia đình đến tham quan phòng kiểm nghiệm, các khâu kiểm tra chất lượng của chúng tôi cũng như trực tiếp kiểm tra tại các nguồn hàng, tại trang trại để thấy rõ, cảm nhận cụ thể và thêm tin tưởng vào chất lượng hàng hóa tại các điểm bán của chúng tôi.

- Thanh Trúc (Đồng Nai): Ông Mười có kỳ vọng gì từ đề án? Cụ thể là đề án này có làm cho Vissan tăng đầu ra của sản phẩm hay không?

>> Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: Tôi mong mỏi đề án này phát huy trên tất cả các quầy thị trên thị trường và chúng ta nhanh chóng tiến tới giết mổ công nghiệp tập trung.

Theo tôi, đề án này là một nguồn động lực lớn để các DN, các đơn vị giết mổ kinh doanh thịt cùng thực hiện để tạo một môi trường đồng bộ trong truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng xã hội.

- Nhung Nguyễn (q.3): Thưa ông Hoà, trong những ngày qua, việc triển khai đề án gặp thuận lợi và khó khăn gì? Hệ thống có bị quá tải hay không? Ban quản lý có thể cho biết, đến nay số lượng truy cập vào hệ thống là bao nhiêu?

>> Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, đơn vị chủ lực thực hiện Đề án: Đề án cần có sự tham gia và thực hiện đầy đủ và tuân thủ đúng các qui trình và thao tác của rất nhiều chủ thể gồm: các trang trai chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, các thương nhân chợ đầu mối, các điểm bán lẻ, Ban quản lý chợ, các siêu thị và các cơ quan chức năng. Mọi chủ thể phải điều chỉnh một số thói quen, tập quán vốn có, cần thời gian thích nghi và áp dụng công nghệ thong tin.

Ngoài ra những yếu tố khách quan khác như đường truyền, mạng WIFI, 3G... cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chương trình. Các ứng dụng và kỹ thuật của chương trình cũng phải được bổ sung, chỉnh sữa cho phù hợp với những phát sinh từ thục tiễn. Hiện nay, hệ thống không bị quá tải.

- An Nhiên (Gò Vấp, TPHCM): Tôi muốn hỏi bà Mai, bà có thể tư vấn cho tôi cách chọn, phân biệt thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn như thế nào? Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm có biện pháp tuyên truyền nào cho người dân trong việc dùng các loại thực phẩm sạch?

>> Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TPHCM: Hiện nay trên Wesite của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Chi cục chuyên ngành như Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm,... đều có đăng tải cách chọn lựa, phân biệt thực phẩm sạch, bẩn. Chúng tôi đã có nhiều bài viết, hội thảo, hội nghị nhằm tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn sử dụng thực phẩm an toàn, chất lượng cho người dân. Qua đó, chúng ta nên nắm nguyên tắc: chỉ nên tìm chọn thực phực phẩm có nguồn gốc, được bán tại các nơi có điều kiện đảm bảo ATTP và đã được kiểm soát về ATTP.

Trân trọng!

Phó TBT Báo SGGP, Nguyễn Thành Lợi (thứ hai, bên trái) tặng hoa cho khách mời

N.Minh tổng hợp
Ảnh: Cao Thăng

Tin cùng chuyên mục