Đó là nội dung được ghi trong Quyết định số 03/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành ngày 14-1-2013. Theo đó, một số sản phẩm thuộc nhóm thiết bị điện gia dụng và nhóm thiết bị điện công nghiệp phải được dán nhãn theo hình thức bắt buộc từ ngày 1-7-2013.
Về nội dung nảy, ông Đặng Hải Dũng, Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công nghiệp, cho biết chi tiết: các đối tượng của chương trình dán nhãn năng lượng sẽ bao gồm các sản phẩm có mức tiêu thụ năng lượng đơn lẻ đáng kể, các sản phẩm được sử dụng rộng rãi cho mục đích sinh hoạt, trong các văn phòng, trong sản xuất kinh doanh, các sản phẩm chưa sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng hiện có trên thị trường.
Để đảm bảo việc dán nhãn năng lượng lên các sản phẩm được thực hiện theo đúng quy định, công tác tổ chức quản lý giám sát sẽ được phối hợp thực hiện đồng bộ bởi Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Ủy ban nhân dân các địa phương và Bộ tài chính. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc thực hiện dán nhãn năng lượng. Theo quy định này, mức xử phạt cao nhất lên đến 70 triệu đồng và thu hồi nhãn năng lượng cho hành vi dán nhãn năng lượng không đúng cho sản phẩm được chứng nhận, hoặc cho sản phẩm chưa được chứng nhận.
Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều doanh nhân băn khoăn: việc dán nhãn năng lượng lên các thiết bị tiêu thụ điện năng sẽ giúp tiết kiệm được năng lượng, làm giảm hiệu ứng nhà kính, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cần có sự nghiên cứu kỹ càng về việc giám sát thực hiện dán nhãn năng lượng nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, ngăn chặn các hành vi làm giả mạo nhãn, đồng thời xây dựng cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đăng ký và thực hiện dán nhãn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp nhằm mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và cộng đồng.
| |
HIẾU THƯỢNG