Sẽ đưa hàng đặc sản OCOP lên sàn thương mại điện tử toàn cầu

Tại cuộc họp báo về sự kiện Mekong Connect 2020 tổ chức ngày 15-12 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, các đặc sản địa phương OCOP (Chương trình mỗi phường, xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên của 4 tỉnh, thành là An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp (viết tắt ABCD) sẽ được tiếp cận rộng hơn với thị trường trong, ngoài nước từ nỗ lực chung của ABCD. 

Cụ thể, 4 tỉnh, thành ABCD sẽ xây dựng chương trình tiếp thị chung, thương hiệu chung cho các sản phẩm cùng nhóm của mình; đồng thời dự kiến sẽ mở phòng triển lãm chung các đặc sản của địa phương tại 5 địa điểm là Phú Quốc, TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ và Châu Đốc. Các tỉnh khác ở ĐBSCL cũng có thể tham gia phòng triển lãm này sau khi cùng thảo luận với nhóm ABCD. 

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết thêm: “4 tỉnh, thành cũng đã làm việc với các sàn thương mại điện tử toàn cầu như Amazon và Alibaba, hay các sàn trong nước như Tiki và Shopee để đưa đặc sản OCOP ra nước ngoài. Chúng tôi đã tiến hành thảo luận với các sàn để thảo luận về cách thức bán hàng và thanh toán điện tử. Chương trình bán sản phẩm OCOP sẽ thực hiện đồng thời với chương trình chuyển đổi số của Chính phủ”. Theo yêu cầu từ các đối tác, các DN ĐBSCL phải cung cấp các sản phẩm theo 4 tiêu chuẩn chính là đồng bộ, quy mô, chất lượng và giá cả. Đây là thách thức rất lớn đối với các DN, nhưng các hệ sinh thái khởi nghiệp cùng với nỗ lực của 4 địa phương sẽ tập trung hỗ trợ để DN đạt được các tiêu chuẩn nêu trên. Trước mắt, các sản phẩm hữu cơ của 4 tỉnh, thành ABCD như mít, dừa, đường thốt nốt, trái cây… có triển vọng lớn để đưa lên các sàn giao dịch và phòng triển lãm.  

Sự kiện Mekong Connect 2020 với chủ đề chính “Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu” sẽ chính thức khai mạc ngày 21-12-2020 tại TP Cao Lãnh, Đồng Tháp. Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức tại Đồng Tháp và là lần thứ 5 Mekong Connect được tổ chức ở ĐBSCL. Diễn đàn Mekong Connect 2020 dự kiến có sự tham gia của 700 đại biểu là doanh nhân, nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp, các nhà quản lý của 4 tỉnh, thành ABCD cùng đại diện các bộ ngành, nhà đầu tư trong các lĩnh vực. Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh ĐBSCL đứng trước những thách thức mới bên cạnh những cái khó bao lâu nay của vùng đồng bằng như hạn mặn, ô nhiễm, không còn phù sa và nhiều sản vật, nạn biến đổi khí hậu, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ…

Trước đó, ngày 14-12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại học Fulbright đã công bố “Báo cáo thường niên đầu tiên về kinh tế ĐBSCL” tại Cần Thơ. Báo cáo được các DN tham dự đánh giá là khá công phu, nhiều số liệu và phân tích có tính cảnh báo về những bất cập, sa sút của đồng bằng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và sự chậm thay đổi thể chế và chính sách. Nếu mô hình này - bao gồm cả chính sách của nhà nước và tập quán của người dân và DN không thay đổi, thì tụt hậu là điều không thể tránh khỏi; sự tan rã của ĐBSCL chỉ là vấn đề thời gian. Ngược lại, nếu đủ dũng khí và trí tuệ để chuyển sang mô hình phát triển mới, những thách thức hiện nay sẽ trở thành cơ hội to lớn để ĐBSCL tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, từ đó mở ra một tương lai cho hơn 17 triệu đồng bào cũng như những thế hệ tương lai. 

Tin cùng chuyên mục