Ngày 5-2, trở lại khu vực ấp 3 và ấp 6 xã Vĩnh Lộc B huyện Bình Chánh TPHCM, nơi đang xảy ra bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên đàn heo, có cả trăm hộ đang lâm vào cảnh điêu đứng vì nợ vay ngân hàng.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Phương ở C8/33 ấp 3 xã Vĩnh Lộc B ngồi giữa chuồng heo than khóc: “Còn gì nữa đâu chú ơi! Bao nhiêu vốn liếng tập trung vào đàn heo, vay thêm ngân hàng 100 triệu đồng để đầu tư vào đàn heo, bây giờ trắng tay rồi. Tết này lấy gì ăn”.
Số vốn chị đầu tư đến 150 triệu đồng, nhưng với 85 con heo còn lại chỉ bán 35 triệu đồng. Hiện tại cuộc sống của gia đình chị hết sức khó khăn, anh Vũ chồng chị, phải đi thu gom thức ăn thừa về bán lại cho các hộ nuôi heo ở các xã để có tiền mua gạo nuôi con.
Cái khó hiện nay của người chăn nuôi khu vực này là do số heo còn lại quá lớn, rất ít người đến mua nên giá bán giảm mạnh, chỉ còn 8.000 đồng/kg và heo dưới 40kg thì giá 12.000đồng/kg, thấp hơn giá thị trường khoảng 8.000 đồng/kg).
Tương tự, anh Lê Văn Duyệt chủ trại gần 200 con heo ở ấp 6, xã Vĩnh Lộc B nói: “Hiện tại đàn heo của tôi không có triệu chứng LMLM và nhiều trại heo ở ấp này và ấp 3 với số lượng heo không bị bệnh LMLM từ 350 - 400 con cũng chỉ có thể bán với giá trên. Nếu càng để lâu càng có nguy cơ lây lan bệnh và nếu TP công bố dịch, toàn bộ số heo còn lại sẽ không được vận chuyển ra khỏi khu vực này, lúc đó lại càng bi đát hơn.
Theo chủ trương của Nhà nước, heo bệnh bị tiêu hủy được hỗ trợ 10.000 đồng/kg nhưng bà con hoang mang vì có nguồn tin số tiền hỗ trợ sẽ thấp hơn vì là dân tạm cư, không biết khi nào mới nhận được tiền và bao giờ được nuôi lại.
Ngành thú y cho biết, những đàn heo không bị bệnh ở khu vực này sẽ cấp phép kiểm dịch để người dân có thể bán. Nhưng theo ông Trương Văn Thành, Phó Chủ tịch xã Vĩnh Lộc A, cho biết, từ khi có dịch LMLM xuất hiện ở xã Vĩnh Lộc B, heo thịt bị rớt giá thê thảm (trước đây giá heo hơi khoảng 18-19 ngàn đồng/kg thì hiện nay 8.000 đồng/ kg).
Giá heo giảm như vậy là thiệt thòi lớn cho người chăn nuôi, nhưng do sợ bị lây lan, phát tán mầm bệnh nên thương lái không tới mua. Điều đó lý giải vì sao, một số doanh nghiệp nhà nước, có khả năng giết mổ lớn vẫn không chịu đến mua.
Chiều 5-2, trả lời những bức xúc của người chăn nuôi, ông Huỳnh Hữu Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM cho biết, chủ trương TP là không phân biệt dân tại chỗ hay tạm cư trong hỗ trợ, và sẽ cố gắng giải quyết số tiền này cho bà con trước Tết Đinh Hợi, để có thể giúp bà con giải quyết phần nào khó khăn trong lúc này. Về nguyên tắc dịch tễ, sau khi tiêu độc sát trùng khoảng 1 tháng sẽ được nuôi lại. Nhưng trước hết phải có ý kiến của chính quyền địa phương về việc quy hoạch lại, nơi nào và hộ nào đủ điều kiện nuôi lại để đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, dịch tễ. |
ĐÔNG NGHI-QUỐC HÙNG