Máy tính hậu WTO

Sẽ tăng giá?

Sẽ tăng giá?

Mặt hàng máy tính vào những ngày cuối năm vắng lặng một cách đáng sợ. Nguyên nhân, người tiêu dùng vừa bận rộn với những mặt hàng tiêu dùng cuối năm, vừa mang tâm trạng chờ hàng giảm giá hơn nữa vào thời hậu WTO.

  • Thuế suất khó giảm
Sẽ tăng giá? ảnh 1

Trước khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, thuế suất thuế nhập khẩu của linh kiện máy tính là 0%- 5% tùy theo linh kiện. Ông Thân Trọng Phúc, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam, đã khẳng định: phần lớn linh kiện máy tính hiện nay trên thị trường đều có mức thuế là 0% như CPU, RAM, chỉ có một vài linh kiện chịu mức thuế cao nhất là 5% như mainboard.

Giám đốc Công ty Khai Trí Phạm Thiện Nghệ nói rõ hơn, nó chính là khung thuế suất của nhóm hàng linh kiện máy tính khi Việt Nam là thành viên WTO. Điều đó cho thấy, thuế suất linh kiện máy tính hiện nay khó có thể giảm hơn nữa- theo lộ trình giảm thuế, phải đến năm 2010, mức thuế suất mới bằng 0. Như vậy giá bán máy tính có giảm hay không, phụ thuộc vào chính sách thị trường của nhà sản xuất chứ không phụ thuộc vào chính sách thuế.

Để chiếm lĩnh thị trường, nhiều hãng đã chấp nhận bán dưới giá thành để gia tăng thị phần và lòng tin của công chúng về thương hiệu. Không ai biết được Acer đã lỗ như thế nào với những lô hàng laptop giá rẻ tung ra thị trường vào tháng 8 năm ngoái. Ông Phạm Thiện Nghệ kể chuyện, các doanh nghiệp trong nước chào giá laptop rẻ bao nhiêu thì Acer, sau đó là HP, Toshiba, TCL... hạ giá theo tới đó. Tới một mức nào đó, các doanh nghiệp trong nước liêu xiêu thì họ ra đòn cuối cùng: hạ thêm 100 USD/ máy. Các doanh nghiệp trong nước chỉ biết… “chào thua.com”. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty T&H cho biết, thị trường máy tính Việt Nam sẽ phụ thuộc các đại gia nước ngoài.

  • Giá máy tính sẽ lên

Đó là lời khẳng định của hầu hết các chuyên gia về máy tính. So với những mặt hàng điện tử khác, điểm yếu của thị trường máy tính hiện nay là tỷ lệ vi phạm bản quyền quá cao. Do vậy, nếu như cam kết thực hiện những điều khoản của WTO thì giá máy tính sẽ tăng mà nguyên nhân chính là người sử dụng phải chi một khoản tiền (khá lớn) để sử dụng phần mềm có bản quyền. Theo khảo sát của chúng tôi, nếu chỉ mua hệ điều hành Windows Pro và bộ Microsoft Office, người tiêu dùng phải chi hơn 300 USD (tương đương một xác máy tính cao cấp, ít nhất cũng Pentium PIV 2,8GHz...).

Ông Thân Trọng Phúc chia sẻ: “Hiện nay, điều khiến tôi lo lắng là vấn đề bản quyền hệ điều hành và các ứng dụng khác”. Nỗi lo của ông Phúc là có cơ sở, khi hiện nay giá phần mềm có bản quyền bán cho Việt Nam vẫn cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực. Hy vọng, khi số lượng người mua phần mềm có bản quyền nhiều hơn thì Microsoft sẽ xem xét lại vấn đề này để có mức giá phù hợp với thu nhập của người Việt Nam. Trong khi chờ đợi giá giảm, TS Hoàng Lê Minh, Phó Giám đốc Sở BC- VT TPHCM, động viên các doanh nghiệp và những người làm phần mềm cùng nhau hoàn thiện những phần mềm nguồn mở để giảm bớt gánh nặng chi phí, thực thi quyền sở hữu trí tuệ…

Nghiêm Quảng

Tin cùng chuyên mục