Sẽ thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam bộ?

Quỹ phát triển hạ tầng Đông Nam bộ là định chế độc lập về đầu tư, dựa trên hiệu quả đầu tư chứ không phải bao cấp, xin cho. Quỹ có quyền vay quốc tế, phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, sử dụng quỹ đất theo mô hình TOD ở toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị để tạo nguồn vốn.

Ngày 6-10, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tổ chức hội thảo khoa học về cơ chế đặc thù phát triển vùng Đông Nam bộ: đề xuất cơ chế tài chính và đầu tư phát triển vùng.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Trương Minh Huy Vũ phát biểu tại hội thảo
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Trương Minh Huy Vũ phát biểu tại hội thảo

Huy động vốn phát triển hạ tầng

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của WB đề xuất 5 phương án thành lập Quỹ phát triển hạ tầng vùng Đông Nam bộ. Trong đó, 2 phương án theo hướng không thành lập quỹ đầu tư vùng mà mở rộng chức năng, sáp nhập các quỹ đầu tư phát triển địa phương hiện có, cho phép các quỹ này đầu tư, cho vay cấp vốn cho cả các dự án đầu tư vùng. Một phương án lập quỹ từ việc nâng cấp Công ty Đầu tư tài chính nhà nước (HFIC). Một phương án khác là bổ sung phạm vi hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) bao gồm các chức năng của quỹ phát triển hạ tầng vùng.

Tuy nhiên, các phương án này có nhiều hạn chế, như không khắc phục được các điểm yếu, hạn chế của quỹ đầu tư phát triển địa phương. Phạm vi hoạt động hẹp, hạn chế về quản trị, năng lực huy động vốn nên có thể không huy động được vốn cho các dự án vùng như kỳ vọng.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu đặc biệt ưu tiên phương án thành lập quỹ phát triển hạ tầng vùng như một ngân hàng chính sách mới, với các cổ đông hay thành viên góp vốn là Chính phủ (có thể ủy quyền cho Bộ Tài chính hoặc Bộ KH-ĐT) và UBND các địa phương trong vùng. Về sau quỹ có thể huy động thêm các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Đây sẽ là một tổ chức tài chính chuyên nghiệp, có cơ sở pháp lý vững chắc, có phạm vi hoạt động đủ rộng, hoạt động theo nguyên tắc thị trường và thông lệ quốc tế.

Cơ hội rất lớn để phát triển vùng

Trong phần thảo luận, theo TS Trần Du Lịch thì “nên xem xét lại 5 phương án”. Là người nghiên cứu kỹ về phát triển vùng và đặc biệt là quỹ đầu tư phát triển địa phương, TS Trần Du Lịch cho rằng, thời điểm hiện nay là cơ hội lớn nhất để phát triển vùng Đông Nam bộ, sau khi có Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 81 và 98 của Quốc hội.

TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo

TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo

Về quỹ đầu tư hạ tầng, theo TS Trần Du Lịch, đối tượng hướng đến là các đường cao tốc vùng, quan trọng nhất là đường sắt đô thị nối toàn bộ vùng và các hạ tầng liên quan đến cảng, đặc biệt là hạ tầng viễn thông, xây dựng các trung tâm big data vùng, xây dựng hạ tầng để chuyển đổi số. Tiếp đến là phát triển các trung tâm xử lý chất thải, điện, năng lượng sạch ở vùng này.

Về nguồn vốn đầu tư, TS Trần Du Lịch cho biết, quỹ đầu tư hạ tầng vùng sẽ là một định chế độc lập, không dựa nhiều vào ngân sách mà nên có một phần vốn nhà nước, một phần huy động vốn trong và ngoài nước, có cả ngân hàng phát triển, tư nhân. Định chế này rất độc lập về đầu tư, dựa trên hiệu quả đầu tư chứ không phải bao cấp, xin cho. Quỹ này có quyền vay quốc tế, phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, sử dụng quỹ đất theo mô hình TOD ở toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị.

Nếu làm được vậy thì quỹ đầu tư phát triển sẽ làm việc lớn chứ không làm việc nhỏ, việc này có lợi cho vùng và cho cả quốc gia. Riêng metro nội đô có thể nối các đô thị trong vùng lại, nối với sân bay Long Thành, với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, với đô thị Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, TPHCM, thì hệ thống đó mở ra không gian phát triển, tái bố trí dân cư, kinh tế, thay đổi toàn bộ cơ cấu vùng. Đó là điều mà quỹ nên hướng đến. Còn lập quỹ ra cho bên này vay chút bên kia vay chút thì không nên.

Tại hội thảo, vấn đề quỹ phát triển hạ tầng Vùng Đông Nam bộ nhận được sự quan tâm thảo luận sôi nổi. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển giao thông vận tải Việt Đức (Đại học Việt Đức) cho rằng, Đông Nam bộ dù là đầu tàu kinh tế nhưng hạ tầng giao thông hiện khá yếu so với các vùng khác. Trong khi đó, bộ khung của liên kết vùng là đường sắt liên vùng thì đòi hỏi vốn lớn và doanh thu giai đoạn đầu không đủ chi phí vận hành, bảo dưỡng. Do vậy nếu hướng đến đường sắt liên vùng thì phải có cơ chế huy động vốn khác hẳn so với trước.

Về mặt cơ chế chính sách, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Trương Minh Huy Vũ cho biết, cơ quan này ủng hộ quan điểm trước mắt sẽ tập trung vào những công cụ pháp lý hiện hữu đã có. Trong đó quan trọng nhất là Nghị quyết 98 và Nghị quyết 24 về cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam bộ, thay vì đề xuất Quốc hội sửa đổi luật.

Tin cùng chuyên mục