Sẽ thành lập Trung tâm cung ứng nhân lực phục vụ đào tạo nghề theo nhu cầu

(SGGP) - Tổng cục Dạy nghề cho biết, năm 2008, các cơ sở dạy nghề đăng ký tuyển sinh trên 1,7 triệu người. Tỷ lệ lao động được đào tạo kỹ năng nghề hiện nay đã đạt 24,5%, tăng 11,5% so với năm 2001. Tuy nhiên không thể phủ nhận là hiện nay, tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” vẫn đang rất phổ biến trong xã hội vì nhiều nguyên nhân. Vì lẽ đó, mới đây, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTB-XH đã kiến nghị Chính phủ đầu tư mạnh mẽ hơn cho công tác dạy nghề. Cụ thể là giải quyết những bất hợp lý về lương, thưởng, danh hiệu và những cơ chế cho đội ngũ giáo viên dạy nghề. Bộ cũng cho rằng, tất cả các trường dạy nghề không nhất thiết phải trực thuộc Tổng cục Dạy nghề nhằm khuyến khích và thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hóa công tác đào tạo nghề.

Tại buổi làm việc với Tổng cục Dạy nghề vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, cần phải có một cuộc “cách mạng” để thay đổi về chất cho công tác đào tạo nghề trong 5 năm tới, với mục tiêu trang bị kỹ năng nghề nghiệp để bước vào đời cho 2/3 dân số Việt Nam. Phó Thủ tướng cho rằng, con đường vào đời của thanh niên không chỉ là đào tạo qua đại học mà còn là học nghề. Đó cũng cần được coi là tư duy mới trong bối cảnh hiện nay. Chính phủ sẽ quan tâm đúng mức, có những chỉ đạo quyết liệt hơn nữa cho công tác đào tạo và dạy nghề trong những năm sắp tới. Mục tiêu của Chính phủ là từ nay đến 2015 sẽ đào tạo được 2 vạn giáo viên thế hệ mới, theo hướng vừa dạy nghề tốt vừa làm việc tốt. Phương châm đào tạo nghề trong những năm tới đây, theo Phó Thủ tướng phải là “đào tạo theo nhu cầu, tiến tới đạt mục tiêu không để xảy ra tình trạng các doanh nghiệp kêu thiếu lao động”.

Được biết, theo yêu cầu của Chính phủ, tới đây, Tổng cục Dạy nghề sẽ thành lập Trung tâm cung ứng nhân lực để tiếp nhận tất cả những nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp, làm căn cứ để thực hiện việc đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. 

Q.PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục