SEA Games kiểu mẫu, dấu ấn Việt Nam

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện vừa yêu cầu Tổng cục TDTT cùng Ủy ban Olympic Việt Nam rà soát các kỳ SEA Games gần đây nhằm đưa ra giải pháp tối ưu, mang tính tổng hòa cho SEA Games 31 - năm 2021 mà Việt Nam sẽ đăng cai. Tinh thần chung đó phải là một SEA Games kiểu mẫu, cả về chất và lượng.

Ở thời điểm này mà tính toán cho SEA Games dự kiến tổ chức vào cuối năm sau là không sớm, nếu không nói là tương đối trễ, đặc biệt là khi nước đăng cai có ý tưởng mới về số lượng cũng như tiêu chuẩn. Hơn nữa, tính đến thời điểm này, Ban tổ chức SEA Games 31 vẫn chưa chính thức được thành lập do những hệ lụy từ dịch Covid-19. Chính vì thế, quan điểm “Một SEA Games kiểu mẫu” thực sự là bước đột phá đối với ngành thể thao Việt Nam nhưng đồng thời đó cũng là thách thức không nhỏ.

Thách thức đầu tiên đó là thời gian. Thông thường, khoảng một năm rưỡi trước ngày khai mạc mỗi kỳ đại hội thì Hội đồng thể thao Đông Nam Á phải họp ít nhất 2 phiên để thảo luận số môn và nội dung thi đấu dựa trên đề xuất đầu tiên của nước chủ nhà. Nếu nơi đăng cai quyết định tổ chức nhiều môn theo kiểu “càng đông, càng vui” thì mọi thứ sẽ ít tranh cãi hơn.

Các môn “lạ” sẽ dễ dàng đưa vào chương trình thi đấu miễn là có ít nhất 4 quốc gia đồng ý tham gia. Nhưng với các kỳ SEA Games mà nước chủ nhà có ý định hạn chế môn thi đấu thì quá trình thảo luận căng thẳng, kéo dài có khi đến 7 phiên khác nhau trong gần 2 năm trước hạn chót quyết định. Thậm chí có cả những cuộc trao đổi huy chương bên ngoài phòng họp. Đơn giản vì số môn thi đấu có ý nghĩa quyết định đến thứ hạng chung cuộc nên không đoàn nào chịu đoàn nào. Có đoàn kỳ trước đứng hạng 1, kỳ sau đã rơi xuống tận hạng 5 chỉ vì những môn sở trường bị loại bỏ. 

Việc khống chế số môn hoặc tập trung nhiều vào các môn thi căn bản Olympic mà Việt Nam dự kiến thực hiện cũng không phải là điều thường xuyên xảy ra. Tính từ lúc Việt Nam bắt đầu dự SEA Games đến nay thì 2 kỳ đại hội có số môn ít nhất thuộc về Brunei (1999) và Lào (2009), chủ yếu do năng lực cũng như sự hạn chế về con người của 2 quốc gia ít dân này, còn lại đa phần các kỳ SEA Games đều cởi mở, mang tính hội hè, đông vui.

Chỉ đến năm 2015, Singapore mới thể hiện quyết tâm đăng cai một “SEA Games tiêu chuẩn” với chỉ 36 môn. Tuy nhiên, các kỳ kế tiếp mọi thứ trở lại như cũ với 38 môn tại Malaysia 2017 và 56 môn ở Philippines 2019. Như vậy, nếu ý định của Việt Nam chỉ thi đấu từ 30 - 34 môn, lại ưu tiên các nội dung Olympic, thì việc tìm kiếm sự đồng thuận giữa 11 thành viên cùng sự khác biệt về trình độ là không đơn giản. 

Nhưng đây là lúc mà Việt Nam có đủ khả năng để ghi một dấu ấn đặc biệt đối với thể thao khu vực. 17 năm trước, Việt Nam đã cho bạn bè thấy năng lực của một quốc gia phát triển nhanh với SEA Games 2003. Với SEA Games 31, những ấn tượng về một Việt Nam mạnh mẽ, an toàn, tỏa sáng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 lại càng có cơ hội thể hiện.

Cả thế giới đã bất ngờ với cách mà bóng đá Việt Nam trở lại với những khán đài sôi động, đông đảo, minh chứng cho hiệu quả phòng chống dịch. Trong bối cảnh mà dịch bệnh vẫn còn phức tạp tại Đông Nam Á, đưa ra những quyết định về hạn chế số môn thi đấu trên tinh thần đề cao yếu tố chuyên môn, giảm chi phí trong tổ chức, hạn chế rủi ro về khả năng lây nhiễm cho sự kiện thể thao - văn hóa lớn nhất khu vực cũng là một tầm nhìn xa và trách nhiệm của quốc gia đăng cai SEA Games.

Không ai có thể lường trước những khó khăn trong thời gian tới trong bối cảnh mà thể thao khu vực cũng như châu Á vẫn đang đóng băng. Ngay như Olympic 2020, hiện tại nước chủ nhà Nhật Bản đang phải rà soát đến 200 hạng mục nhằm cắt giảm thời gian, chi phí. Đây không phải là lúc đặt yêu cầu phải tổ chức các sự kiện hoành tráng, ngược lại, ấn tượng của một quốc gia đăng cai cần để lại đó là tính chuyên nghiệp, khả năng ứng phó với dịch bệnh và đặt lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu. 

Mạnh dạn cắt giảm nội dung thi đấu, bỏ qua các nhu cầu về thành tích, đưa ra những đề xuất hợp lý để nhanh chóng tìm được sự đồng thuận từ các thành viên SEA Games, đó sẽ là một thử thách không dễ nhưng chắc chắn sẽ mang đậm dấu ấn Việt Nam, trong vị thế không chỉ là một quốc gia đăng cai mà còn thể hiện vai trò của nền thể thao hàng đầu Đông Nam Á.

Tin cùng chuyên mục