Với tư cách là nước chủ nhà của SEA Games 31 (tổ chức vào năm 2021), thể thao Việt Nam đã lên danh sách dự kiến 36 môn thể thao sẽ tranh tài. Thật bất ngờ khi trong danh sách này lại xuất hiện các môn như đá cầu, lặn, cờ… thuộc nhóm 3, với ước tính sẽ có gần 50 HCV đến từ các môn sở trường này. Chừng đó là đủ để tạo ra cách biệt lớn trên bảng xếp hạng toàn đoàn trong bối cảnh mà các môn cơ bản Olympic, Việt Nam đều duy trì được thế mạnh.
Với đặc thù của mình, mỗi kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á thường có 4 nhóm môn được đưa vào chương trình thi đấu: Nhóm 1 gồm những môn cơ bản của phong trào Olympic mà mọi đại hội đều phải có; nhóm 2 gồm những môn phổ biến tại châu Á, có trong chương trình thi đấu Asiad hoặc là môn mới ở Olympic; nhóm 3 gồm các môn có tính đặc thù của Đông Nam Á, do các quốc gia chủ nhà lựa chọn, không xuất hiện đều đặn tại các kỳ SEA Games; nhóm 4 gồm các môn phát sinh theo nhu cầu của nước chủ nhà nếu họ bảo đảm được có ít nhất 2 quốc gia khác cùng tham gia.
Nhìn lại các kỳ SEA Games, rất dễ nhận thấy quan điểm và mục đích của các quốc gia chủ nhà là yếu tố quyết định đến sự công bằng của bảng tổng sắp huy chương. Hồi năm 2015, Singapore chỉ đưa 2 môn thuộc nhóm 3 vào thi đấu và có đến 24/32 môn thuộc Olympic. Sự quyết liệt của Singapore rốt cục cũng không đi đến đâu khi đến SEA Games 2017, Malaysia lại nâng số môn thi đấu lên 38, đưa cả môn thể thao mùa đông là hockey trên băng vào thi đấu.
Đến kỳ SEA Games vừa qua, Philippines lập hàng loạt kỷ lục liên quan đến môn và nội dung. Thậm chí, nước chủ nhà còn quy định môn nào chỉ có 4 đoàn tham gia thì trao luôn 2 bộ huy chương đồng, nghĩa là cứ đăng ký sẽ có huy chương. Với kiểu làm này, quốc gia chủ nhà nếu muốn tăng số lượng huy chương thì cứ “rủ rê” các đoàn thể thao yếu chấp thuận các môn lạ để “đôi bên cùng có lợi”, làm méo mó ý nghĩa của cuộc tranh tài.
Với những cách bố trí môn thi đấu theo quyền của nước chủ nhà nên đến kỳ SEA Games nào cũng có những tiếng kêu ca về tính không thực chất của con số huy chương. SEA Games 31 tại Việt Nam được kỳ vọng là sẽ thiết lập lại các tiêu chuẩn cho SEA Games nhằm phù hợp với các khuyến cáo của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC). Đoàn thể thao Việt Nam hiện đã vươn đến tầm tốp 2 Đông Nam Á, cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan nên không cần nhiều lợi thế từ các môn nhóm 3 và 4. Lãnh đạo của Tổng cục Thể dục ththể thao cũng đã khẳng định sẽ không đưa nhiều môn nhóm 3 để phục vụ cho số lượng huy chương.
Có thể nói, định hướng đầu tư cho các môn cơ bản, đặt mục tiêu vươn tầm châu lục của thể thao Việt Nam đã đi đúng hướng. Việc tranh chấp các vị trí nhất toàn đoàn ở SEA Games vốn dĩ không thực chất, chẳng có ý nghĩa nhiều ngoài tính chất “an ủi” cho kinh phí phải bỏ ra để đăng cai. Trong khi đó, SEA Games 31 ở Việt Nam dự kiến tái sử dụng cơ sở vật chất cũ, nên không chịu áp lực quá lớn về thành tích. Càng giảm môn thi thì càng đỡ tốn chi phí, đồng thời có điều kiện xác thực để lượng định năng lực giữa ta và các đoàn như Thái Lan, Indonesia nhằm có hướng đầu tư trong tương lai.