Xã hội hóa mầm non

Có hướng tới sự công bằng hơn?

Có hướng tới sự công bằng hơn?

Trong tình hình cơ sở vật chất giáo dục mầm non còn thiếu khá trầm trọng và một bộ phận dân nghèo chưa được hưởng thụ giáo dục mầm non thì Nghị quyết 05/2005/NQ-CP đã đặt ra mục tiêu cho giáo dục mầm non là đến năm 2010 tỉ lệ HS ngoài công lập hệ nhà trẻ là 80%, hệ mẫu giáo 70%; định hướng chuyển trường mầm non bán công (MNBC) trở thành trường dân lập tư thục.

  • Mầm non... cao cấp
Có hướng tới sự công bằng hơn? ảnh 1

Các cháu ở Trường Mầm non Bán công Tuổi thơ 7 Q3 trong giờ tập vẽ.

Với chủ trương đưa ra bán công những trường có cơ sở vật chất tốt và ở những khu vực dân cư khá giả, dành ngân sách cho phát triển các trường mầm non ngoại thành, 49 trường mầm non công lập đã được đầu tư để trở thành trường bán công.

Tọa lạc ở những vị trí đẹp nhất của TP, với cơ sở vật chất như hồ bơi, sân chơi, phòng thư viện…và luôn được tạo điều kiện để áp dụng chương trình, phương pháp giảng dạy tiên tiến của giáo dục mầm non, các trường MNBC luôn là tâm điểm thu hút sự “đóng góp” của phụ huynh với nhà trường để con được vào học.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng trường MN BC 19-5, cho biết: “Bên cạnh sự đầu tư của nhà nước, cơ sở vật chất mà nhà trường có được như hiện nay phần lớn là nhờ sự hỗ trợ của phụ huynh”. Quả thật sự “hỗ trợ” này rất dễ được chấp nhận bởi đa số các cha mẹ cho con học ở các trường BC đều khá giả.

Chị T. nhà ở quận Bình Thạnh cho biết, chị sẵn sàng đóng góp 3 triệu đồng để con được vào học ở trường bán công M. bởi so với vị thế và chất lượng nuôi dạy của trường thì số tiền bỏ ra vẫn khá rẻ. Trong điều kiện học tập như vậy nhưng phụ huynh chỉ phải chi phí khoảng 600.000đ/tháng (cả tiền ăn)/cháu. Trường Dân lập tư thục Việt - Úc có mức học phí là 200 USD/tháng (chưa kể 600.000đ tiền ăn).

Thực tế trên có thể được hiểu là những gì tốt nhất của giáo dục MN TP chỉ dành cho một thiểu số con em gia đình có điều kiện, trong khi còn đến 25% trẻ mẫu giáo và 80% trẻ ở hệ nhà trẻ chưa có chỗ học. Hàng ngàn trẻ em phải học trong những nhóm trẻ gia đình của tư nhân, nơi mà điều kiện dạy – nuôi chưa đạt hoặc chỉ mới “chạm” đến mức tối thiểu về chuẩn trường lớp.

  • 70% học sinh sẽ học ngoài công lập

Định hướng của Sở GD-ĐT TPHCM là trong khoảng 5 năm tới sẽ chuyển các trường bán công có cơ sở vật chất tốt và cả những trường công lập được xây dựng mới sang hoạt động theo mô hình trường công lập tự chủ tài chính.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non Sở GD-ĐT TPHCM, nếu Bộ GD-ĐT cho phép xem các trường công lập tự chủ tài chính là trường ngoài công lập thì TPHCM sẽ thực hiện được tỉ lệ ngoài công lập là 70% vào 2010 nhưng phải có bước đi từ từ. Sở GD-ĐT TPHCM cũng nêu lên khó khăn của các trường bán công không đủ chi với mức thu học phí cũ 200.000 - 250.000đ/tháng hiện nay nhưng vẫn chưa được phép tăng học phí. Với định hướng trường công lập tư hạch toán thì mức thu phải được phép linh hoạt hơn, cho phép thu theo mức trượt giá hoặc hiệu trưởng đề xuất mức thu.

Bà Thanh đề xuất biện pháp khắc phục những bất hợp lý của các trường bán công TP là thẩm định và gắn “sao” cho các trường theo cấp độ chất lượng và những tiện nghi cơ sở vật chất của trường để định ra mức học phí. Trường có cơ sở vật chất tốt phải được thu học phí cao phù hợp với những phụ huynh giàu muốn cho con vào học. Nhà nước sẽ điều tiết lại mức thu ở các trường này để đầu tư xây dựng các trường công lập ở khu dân cư nghèo và ngoại thành.

  • Công bằng hay phân hóa?

Với định hướng này, điều chắc chắc rằng mức chi phí cho một trẻ học trường công lập tự chủ tài chính sẽ cao hơn cả mức thu cho trường bán công hiện nay. Trong sự so sánh giữa mức thu nhập bình quân của người dân TPHCM là 1,184 triệu đồng/tháng (số liệu năm 2004 của Chi cục Thống kê TP) với mức chi 300.000 – 350.000đ/cháu/tháng ở trường MN công lập (trong đó tiền ăn từ 150.000 – 200.000đ), chi phí học tập cho con đã chiếm đến gần 30% thu nhập. Với thu nhập này đa số người dân TP sẽ khó chấp nhận mức học phí cao gấp đôi của các trường công lập tự hạch toán bởi trong số 70 – 80% HS học hệ ngoài công lập, chắc chắn con em của những người có mức thu nhập trung bình và thấp chiếm đa số so với người có thu nhập cao.

Tại hội thảo về xã hội hóa giáo dục mầm non theo Nghị quyết 05, Vụ phó Vụ Giáo dục MN Nguyễn Thị Ngọc Châm đã nêu quan điểm của Bộ GD – ĐT là: Giáo dục MN và GD tiểu học phải là hai bậc học được hưởng phúc lợi của xã hội nhiều nhất và tất cả mọi trẻ em đều được hưởng sự đầu tư của nhà nước cho giáo dục MN dù học ở bất kỳ loại hình giáo dục nào. Điều mà dư luận quan tâm là việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non có đạt đến ngưỡng của sự công bằng hay lại đẩy sự phân hóa ngày càng sâu sắc hơn? 

LÂM VY

 

Tin cùng chuyên mục