“Của rơi” - một góc nhìn về giới trí thức

“Của rơi” - một góc nhìn về giới trí thức

Tình huống đặt ra trong bộ phim có vẻ phi lý. Bỗng nhiên, trong mục nhắn tin trên truyền hình phát tin Thắng nhặt được bọc tiền ở ngã ba đường…, gần cây bàng. Hàng loạt biến cố xảy đến cho Thắng. Người ta ùn ùn kéo tới nhà anh, nhận đã đánh rơi tiền.

Cái tên “Thắng kỳ dị” xuất phát từ “lý thuyết toán kỳ dị”- một công trình Thắng đang theo đuổi được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên, giáo sư Đào – thầy của Thắng lại tỏ ra đố kỵ với tài năng của anh. Thắng bị trục xuất ra khỏi Viện nghiên cứu do ông Đào làm viện trưởng, vì không cùng quan điểm với lãnh đạo. Từ nhỏ, Thắng đã chịu ảnh hưởng sâu sắc đời sống tinh thần từ ông nội – một nhà Nho tu nhân theo thuyết Mạnh Tử “Bấc đắc chí độc hành kỳ đạo” (lúc thất thế đánh cờ một mình).

“Của rơi” - một góc nhìn về giới trí thức ảnh 1

Diễn viên Đức Khuê vai Thắng và Văn Như Cương vai ông nội trong phim “Của rơi”.

Tốt nghiệp đại học xuất sắc, trở thành một trí thức có tài nhưng vì cách sống khác người: ngờ nghệch, tốt bụng một cách quá đáng nên Thắng luôn bị người đời lợi dụng. Trong cuộc sống nhiều toan tính và nặng về hình thức thì một người tốt và có tài như Thắng, khiến những người có lương tâm phải suy nghĩ, phải day dứt. Đó là những mảng sáng mà đạo diễn cố tình đưa vào nhấn nhá trong các tình tiết của bộ phim. Không ít tình huống khiến người xem phải bật cười vì ý nghĩa sâu xa, dí dỏm.

Các nhân vật từ một ông bán quán ăn, một gã lưu manh, một nhà thơ, hay một bà, một cô tiểu thương mộ đạo… dù chỉ xuất hiện trong một hoặc vài phân đoạn ngắn đều được chăm chút xây dựng với cá tính độc đáo, rất điển hình cho từng lớp người Hà Nội. Đặc biệt nhất là những nhân vật như Dương – bạn học – người đối lập hoàn toàn với Thắng trong cách sống. Dương là một mẫu thanh niên thời nay: năng động, khôn khéo, biết làm ăn, biết hưởng thụ và quyết liệt trong mọi vấn đề.

Con người anh ta có thể xem là trọng nghĩa khí, biết sống vì bạn bè, song cũng có thể xem là kẻ thực dụng, mưu mô và bằng mọi cách để đạt được điều mình muốn, kể cả lợi dụng chất xám của chính bạn mình. Anh ta yêu Huyền bằng sự mạnh mẽ rất đàn ông, bằng vẻ lãng mạn vừa đủ cần thiết trong cuộc sống của một kẻ từng trải, rành tâm lý phụ nữ. Nhưng rồi, anh ta lại trở thành kẻ thất bại trong tình cảm. Vì dù là một cô gái thích nổi loạn nhưng cuối cùng Huyền lại ngả về Thắng.

Thắng, một nhân vật xuyên suốt và tốn nhiều tâm sức của đạo diễn, anh là mẫu người khiến người khác phải trọng về kiến thức, nể về nhân cách. Chính vì thế anh cũng được coi là kẻ không bình thường. Người xem có thể thấy Thắng đâu đó thấp thoáng trong cuộc đời, chứng tỏ đức tin vào những giá trị của cuộc sống, vào những người tài giỏi, có tâm, có đức. Từng nhân vật trí thức trong bộ phim được chắt lọc khá tinh tế. Đó là một lớp trí thức ở Hà Nội gần gũi, quen thuộc như ta từng bắt gặp.

Cảnh quan, đời sống, con người và cả một phần tâm linh của Hà Nội được xây dựng từ một người hiểu Hà Nội. Nhiều tình tiết mang tính ẩn dụ, và thủ pháp phá cách trong ngôn ngữ điện ảnh. Hình ảnh những quân cờ, những nước đi đầy ngụ ý về nhân tình, thế thái. Và quân sĩ là một quân cờ quan trọng trong bàn cờ ấy, nên khi bị lấy đi rồi bàn cờ như vô nghĩa. Đó cũng là lý do mà ông già đốt đi bàn cờ mình gắn bó suốt cả cuộc đời. Quân sĩ ấy cũng giống như những người trí thức trong cuộc sống hiện đại hôm nay.

Kết phim là cuộc rượt đuổi của 3 nhân vật và cái ngã ba cây bàng là điểm gặp gỡ cuối cùng. Đạo diễn để cho Thắng và Huyền gặp nhau nhưng rồi lại chia tay. Họ mến nhau, nhưng họ quá khác nhau. Dương là người đến sau trong cái cuộc rượt đuổi ấy, nhưng anh cũng chọn cho mình một ngã riêng. Mỗi người đều phải tự chọn cho mình một con đường. Đúng hay sai, tùy vào nhận thức của mỗi người. Trong tình yêu cũng vậy, gặp được nhau không phải đã đạt được tới điểm chung của hai tâm hồn. Phải chăng đó chính là tính triết lý mà bộ phim muốn nói tới. Có thể như thế, hoặc có thể khác, điều đó tùy thuộc ở sự suy đoán của mỗi người, bởi đây là cái kết mở.

Bộ phim “Của rơi” (đạo diễn Vương Đức, Hãng Phim truyện VN sản xuất-2002) được trao giải Cánh diều bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam 2002. Đồng thời là một bộ phim tham gia khá nhiều liên hoan phim quốc tế. Có điều, cho đến nay bộ phim mới thoát khỏi cảnh cất kho và được mang ra phát hành do Công ty cổ phần Văn hóa Đông Sơn mua bản quyền. Hy vọng, bộ phim sẽ được giới trí thức quan tâm và thoát khỏi số phận hẩm hiu của một bộ phim hay nhưng không được biết đến. Phim sẽ khởi chiếu từ ngày 15-10 tại Cinebox.  

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục