Bác sĩ Bạch Văn Cam - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, tình trạng sức khỏe của cháu Trân đang xấu đi. Cháu Trân đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, thân nhiệt hạ (dưới 35 độ C), các bác sĩ đang cho cháu thở máy và dùng thuốc trợ tim…
Liên quan đến vụ việc trên, sáng hôm qua, ông Đỗ Thượng Hiệp, cha của cháu Trân chính thức đưa đơn kiện các cô Lê Thị Lê Vy và Nguyễn Thị Hồng Hà Trường Mầm non Thiên Thơ (P2 Q.Phú Nhuận) đến Công an Q.Phú Nhuận và Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM.
Cùng ngày, cơ quan CSĐT Q.Phú Nhuận đã chuyển quyết định khởi tố vụ án “Vô ý gây thương tích” cháu Trân sang VKSND Q.Phú Nhuận phê chuẩn. Theo Cơ quan CSĐT, Công an Q.Phú Nhuận, có thể tội danh sẽ thay đổi, nếu cháu Trân lâm vào cảnh xấu hơn.
Hôm qua, 4-12, trao đổi với SGGP, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Trần Bá Giao cho rằng về nguyên tắc, các phòng giáo dục quận, huyện phải có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng trước khi cấp phép cho các trường mầm non, nhà trẻ ngoài công lập hoạt động với 2 nội dung: cơ sở vật chất và trình độ giáo viên.
Để xảy ra vụ việc tại Trường Mầm non Thiên Thơ là trách nhiệm của Phòng Giáo dục quận đã không làm tròn trách nhiệm, giáo viên không đủ điều kiện, không qua đào tạo về giáo dục mầm non vẫn được đứng lớp…
Ngày 4-12, Sở GD-ĐT TPHCM đã có buổi làm việc với Phòng Giáo dục quận Phú Nhuận và Trường Mầm non tư thục Thiên Thơ. Ngành giáo dục đề nghị cô Lê Thị Lê Vy và cô Nguyễn Thị Hồng Hà (2 giáo viên liên quan đến vụ việc) và chủ trường làm kiểm điểm, và sẽ có biện pháp kỷ luật cụ thể của ngành khi có kết luận chính thức từ phía công an.
Phòng Giáo dục Phú Nhuận cũng đã chỉ đạo Trường Thiên Thơ tạm đóng cửa lớp nhóm cháo, nơi trẻ Đỗ Ngọc Bảo Trân gặp nạn. Đồng thời tạo điều kiện về chỗ học cho 11 cháu trong lớp qua học tại các trường mầm non công lập trên địa bàn quận
N.H. – T.Đ. – C.V.T. - L.L. – Đ.L.
Thông tin liên quan:
* Vụ một cháu gái ngưng thở tại nhà trẻ: Cháu Trân vẫn trong tình trạng nguy kịch