Sĩ tử bút chì

Mỗi khối, mỗi môn học, mỗi ngành nghề đều có đặc thù, nhất là những gì thuộc về năng khiếu thì thí sinh nhất định phải có, kể cả đam mê mới có thể chọn thi, theo học và đạt kết quả.
Sĩ tử bút chì

Mỗi khối, mỗi môn học, mỗi ngành nghề đều có đặc thù, nhất là những gì thuộc về năng khiếu thì thí sinh nhất định phải có, kể cả đam mê mới có thể chọn thi, theo học và đạt kết quả.

Sĩ tử bút chì ảnh 1

Các “sĩ tử bút chì” đến trường thi

Vì vậy nếu hiểu sĩ tử các môn năng khiếu - khối H (hội họa, điêu khắc, lý luận phê bình mỹ thuật, sư phạm mỹ thuật, thiết kế...), khối V (kiến trúc, mỹ thuật ứng dụng) nói chung, các “sĩ tử bút chì” - cách nói của dân mỹ thuật - hay thí sinh trường vẽ nói riêng là những người học kém các môn khác nên mới chọn thi năng khiếu là hoàn toàn... oan sai!

Đam mê, chưa đủ

Và, nếu chỉ có năng khiếu, đam mê thôi thì chưa đủ. Các sĩ tử bút chì nếu muốn thi đậu nhất thiết phải biết vẽ, thậm chí còn vẽ giỏi. Và không gì khác hơn là phải luyện chuyên môn thật kỹ, không chỉ hình họa chì mà còn trang trí, bố cục, màu sắc... Riêng môn hình họa chì ngoài vẽ hình khối, đầu tượng, tĩnh vật, người mẫu đứng, ngồi; sĩ tử bút chì còn cần kiến thức về phối cảnh và giải phẫu cơ thể người (anatomy). Rồi thì dân vẽ đi thi với lỉnh kỉnh nào bảng vẽ, que đo, dây dọi, cọ, bột màu, màu nước, keo pha màu, bút chì, dao chuốt, gôm tẩy… các thứ “đạo cụ” gần như bắt buộc, rất đặc chủng, ấn tượng và cũng thật đáng yêu.

“Trường Mỹ thuật - bạn có thể xem đây là nơi dạy bạn cách đóng một chiếc xuồng, nhưng quan trọng nhất là bạn có gì để chuyên chở”, họa sĩ, nhà báo, nhà văn Nguyễn Danh Lam chia sẻ. Ông nói thêm: “Bởi vì không ít bạn vào trường cố đóng những chiếc xuồng thật to, thật chắc, thật sặc sỡ… cuối cùng chẳng có gì để chở cả!”. Quả thật các trường năng khiếu, trường mỹ thuật, cho dù bất cứ khoa nào, ngành nào cũng cần tố chất sáng tạo, bên cạnh sự tích lũy, rèn giũa. Rèn giũa kỳ năng và tích lũy kiến thức về xã hội, về các loại hình nghệ thuật khác, càng nhiều càng tốt.

Chính vì vậy, bên cạnh các môn đăc thù, sĩ tử bút chì rất cần kiến thức ở khối C - Văn, Sử, Địa - nhất là môn Văn. Khi thi khối H, các sĩ tử bắt buộc phải thi môn Văn, môn này hệ số 1 cùng với bố cục trang trí, hình họa hệ số 2 (điểm chuyên môn nhân đôi). Riêng ngành điêu khắc thì môn tượng tròn hệ số 2, bố cục hệ số 1 cùng với môn Văn. Cần môn Văn hay cần kiến thức xã hội nói chung, cần hiểu biết về văn hóa, lịch sử, địa lý mới có thể hiểu, cảm thụ được cái đẹp để ứng dụng vào các đề tài, các sáng tạo, sáng tác sau này.

Cần lắm một trái tim đa năng

Có thể thấy không ít tên tuổi đã thành danh ở nhiều lĩnh vực khác nhau như văn chương, thơ ca, báo chí... xuất thân từ trường vẽ như Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thị Châu Giang, Phan Hồn Nhiên, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam... minh chứng cho sự hiểu biết đa dạng của các họa sĩ và một trái tim đa năng, đau đáu, run rẩy trước cái đẹp không chỉ của hội họa mà cả nhịp sống hôi hổi ngoài kia.

Cụ thể nếu không yêu, không hiểu, không rung cảm trước âm nhạc, chắc chắn bạn không thể vẽ nổi những bức vũ công ba-lê một cách sống động. “Phải thật sự xúc động khi diễn viên xoay tròn hay tiếp đất hoàn hảo trong giai điệu của nhạc đệm, phải thấy mối đồng cảm giữa sự tinh tế của động tác, ăn nhịp với tiết tấu nhạc đệm để tìm ra nhịp điệu của bố cục, giữa tốc độ nhanh, mạnh hay uyển chuyển, dịu dàng với bút pháp dứt khoát, chính xác tạo chuyển động... Ba-lê không tách rời khỏi âm nhạc, nó là hình ảnh của âm thanh, là vẻ đẹp, là cảm hứng khoảnh khắc nhưng không đóng băng mà bằng mọi cách tiếp tục sống động trong trí người xem. Và cho dù bất cứ đề tài nào, cảm xúc luôn ngẫu hứng nhưng không vô cớ, mà bắt nguồn từ tình yêu sâu thẳm trong lòng”, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, một trong số ít ỏi họa sĩ sống được bằng nghề, người thành công với hàng loạt tranh ba-lê - chia sẻ. Vì bởi người sáng tác, người làm nghệ thuật nói chung cũng giống như bác sĩ phẫu thật, chuyên mổ xẻ tâm hồn con người và kiến thức của họ giống như dao mổ. Bạn nghĩ sao nếu một bác sĩ giải phẫu không cần dao, không máy móc, thiết bị, dụng cụ hỗ trợ, mà mổ bằng tay?

“Nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn”

Đó là lý do tại sao riêng Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM thôi, đã không hiếm sĩ tử vác bút chì đi thi hàng chục năm không đậu nổi hệ chính quy của trường. Số khác đậu vào nhưng rơi rụng dần ở các kỳ vẽ thực tế, thi lên lớp, chuyển giai đoạn, phân khoa; có sinh viên lê lết hàng chục năm ở giảng đường nhưng không lấy nổi tấm bằng vì ì ạch nợ học phần... cho thấy sự sàng lọc khắc nghiệt của bộ môn năng khiếu tưởng dễ này. Đến ngôi trường chuyên đào tạo họa sĩ này, bạn sẽ nghe vô số câu chuyện thật như đùa về các sĩ tử bút chì. Ví dụ có năm lượng thí sinh đăng ký thi vào trường bỗng nhiên tăng đột biến từ vai trăm lên đến vài ngàn. Nguyên nhân được biết trước đó đài truyền hình chiếu một bộ phim về cuộc đời của anh chàng họa sĩ nọ. Cả phim chỉ thấy hình ảnh lãng tử, ăn chơi, yêu đương, thất tình, đau khổ... tuyệt không thấy rèn luyện, vẽ vời gì nhưng hễ ngồi xuống nguệch ngoạc phóng bút là tranh bán như tôm tươi, hàng ngàn, hàng chục ngàn đô một bức, bán hết sạch cả phòng tranh mỗi lần triển lãm!

Ở đâu ra mà dễ thế. Chỉ cần một phép tính đơn giản: hàng năm các trường mỹ thuật trên cả nước cho “ra lò” hàng trăm, thậm chí hàng ngàn họa sĩ thuộc nhiều lĩnh vực. Thế nhưng, số họa sĩ thành danh, thậm chí sống bằng nghề, trụ lại với nghề nổi có thể đếm trên đầu ngón tay. Cho nên, câu danh ngôn cũ dành cho lĩnh vực nghệ thuật nói chung, cho các sĩ tử bút chì và họa sĩ nói riêng: “Nhiều người được gọi nhưng rất ít người được chọn” chưa bao giờ sai.

Sau cùng là lời khuyên của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM: “Bên cạnh năng khiếu, rất cần các tố chất đam mê, sáng tạo, kỹ năng chuyên môn, lòng kiên trì, ham học hỏi, kiến thức về xã hội và các loại hình nghệ thuật khác dù không bắt buộc. Học vẽ cũng cần bản lĩnh, kiên trì, nhạy cảm và tỉ mỉ đến từng chi tiết; thiếu kiên nhẫn thực sự là kẻ thù của người cầm cọ. Ngoài ra cần tư duy độc lập, khả năng nắm bắt, đồng cảm, tự học, không bắt chước, sao chép… Vì vẽ là bộ môn không chỉ học ở trường nếu muốn thành công”.

THẢO PHẠM

Tin cùng chuyên mục