
(SGGP).- Từ đầu tháng 9 đến nay, các đoàn liên ngành của Trung ương và các địa phương ĐBSCL tập trung kiểm tra việc khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát ở ĐBSCL. Rất nhiều sai phạm đã được phát hiện.
Trong 3 tháng (6, 7 và 8- 2009), đoạn sông Hậu qua địa bàn Cần Thơ là trọng điểm khai thác, mua bán cát nội địa và xuất khẩu. Dù báo chí đã nhiều lần phản ánh, tình trạng khai thác, vận chuyển cát vẫn cứ tiếp diễn.
Đại tá Lê Thanh Chiến, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an TP Cần Thơ cho biết, vào cao điểm, đoạn sông này tập trung trên 300 sà lan vận tải cỡ lớn (tải trọng mỗi chiếc từ 400 đến trên 1.000 tấn), hơn 70 xáng cạp để khai thác cát suốt ngày đêm nên giao thông thủy ở đây thường xuyên bất ổn. Trong số đó có nhiều phương tiện khai thác cát từ miền Trung, miền Bắc vào không nắm rõ địa bàn, phao luồng hàng hải nhưng hoạt động chủ yếu vào ban đêm nên thường gây ra tai nạn giao thông.

Khai thác cát trên sông Hậu (Thốt Nốt, Cần Thơ).
Từ ngày 5 đến 20-9 vừa qua, cơ quan chức năng của TP Cần Thơ phát hiện 13 sà lan xáng cạp và 7 sà lan vận chuyển cát trái phép. Hầu hết sà lan, xáng cạp đều vi phạm khai thác cát trong phạm vi luồng hàng hải, khai thác vào ban đêm, không có phương án bảo đảm an toàn giao thông. Riêng các sà lan vận chuyển cát đều chở quá tải.
Ngoài các lỗi vi phạm trên, cơ quan chức năng còn phát hiện thủ đoạn gian lận về sản lượng cát khai thác. Đại tá Lê Thanh Chiến cho biết: “Sau 15 ngày ra quân kiểm tra các phương tiện khai thác, kinh doanh cát, luồng tuyến giao thông trên sông Hậu thông thoáng hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục các đợt tuần tra kiểm soát để lập lại trật tự giao thông, nhất là trong mùa mưa lũ năm nay”.
8 tháng đầu năm 2009, tỉnh Đồng Tháp phát hiện 78 trường hợp khai thác cát sông trái phép và nhiều trường hợp người dân ngang nhiên đưa phương tiện nhỏ bơm hút cát sông. Các xã: Phú Thuận B, Long Khánh A, Long Thuận, huyện Hồng Ngự là “điểm nóng” của nạn khai thác cát sông trái phép ở Đồng Tháp. Những người khai thác cát lậu ở Đồng Tháp thường sử dụng máy bơm hút cát vào ban đêm.
Ông Dương Trung Kỉnh, Trưởng phòng TN-MT huyện Hồng Ngự, cho biết: Địa phương này vừa phát hiện 10 phương tiện khai thác cát trái phép như không đăng ký, đăng kiểm phương tiện, tài công không có văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn.
Tình trạng khai thác cát lậu cũng đang diễn ra khá phổ biến ở địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và An Giang. Thực trạng trên cho thấy nếu các đợt kiểm tra ở các địa phương không được duy trì thường xuyên thì vi phạm trong khai thác, kinh doanh cát sông ở ĐBSCL sẽ tái bùng phát.
Tháng 10-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/ 2008/CT-TTg về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông. Chỉ thị này nêu rõ “trước mắt tạm dừng việc xuất khẩu cát, sỏi lòng sông và cát biển”. Thế nhưng, sản lượng cát ở ĐBSCL xuất khẩu qua Hải quan Cần Thơ vẫn tăng mạnh. |
Theo ông Nguyễn Hữu Có, Cục trưởng Cục Hải quan Cần Thơ, tinh thần chung của Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg là tạm dừng xuất khẩu cát, sỏi lòng sông và cát biển. Tuy nhiên, chỉ thị trên ban hành ngày 2-10-2008 nhưng lại cho phép doanh nghiệp được xuất khẩu cát đối với các hợp đồng đã ký trước ngày 30-11-2008. Do đó, các doanh nghiệp có thể tranh thủ khoảng thời gian gần 2 tháng (từ 2-10 đến 30-11) để ký hợp đồng xuất khẩu cát với số lượng lớn và hiện hợp đồng kéo dài. Theo ghi nhận của cơ quan giám sát xuất khẩu cát tại Cần Thơ, một doanh nghiệp tư nhân tại TPHCM đã ký hợp đồng xuất cát trước ngày 30-11-2008 với khối lượng lên đến 150 triệu tấn. Doanh nghiệp này sẽ tiếp tục xuất cát trong vài chục năm tới.
Làm việc với đoàn kiểm tra của Trung ương về tình hình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ xuất khẩu cát, sỏi ở ĐBSCL vào ngày 9 vừa qua, ông Dương Bá Diện, Giám đốc Sở TN-MT Cần Thơ, kiến nghị: Chính phủ nên ngưng cho xuất khẩu cát vì nhu cầu cát san lấp nền ở vùng này ngày càng tăng, lượng cát từ thượng nguồn đổ về ngày càng ít. Các địa phương ĐBSCL đang tập trung chấn chỉnh để sớm đưa việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát nội địa đi vào nền nếp. Riêng việc xuất khẩu cát, các địa phương ĐBSCL đang trông chờ vào sự điều hành của Chính phủ.
NHẬT CHÁNH