Siết quản lý phân bón

ĐBSCL đang bước vào sản xuất vụ đông xuân - vụ lúa có diện tích và sản lượng lớn nhất trong năm, cũng là vụ lúa tiêu thụ phân bón nhiều nhất. Dạo quanh các cửa hàng vật tư nông nghiệp, điều dễ nhận thấy nhất là lượng phân bón đang được các cửa hàng tích trữ khá lớn, với vô số chủng loại, giá cả rất khó thẩm định.

ĐBSCL đang bước vào sản xuất vụ đông xuân - vụ lúa có diện tích và sản lượng lớn nhất trong năm, cũng là vụ lúa tiêu thụ phân bón nhiều nhất. Dạo quanh các cửa hàng vật tư nông nghiệp, điều dễ nhận thấy nhất là lượng phân bón đang được các cửa hàng tích trữ khá lớn, với vô số chủng loại, giá cả rất khó thẩm định.

Phân bón là một trong số 14 mặt hàng quan trọng thuộc danh mục nhà nước bình ổn giá, đồng thời là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên công tác quản lý không đơn giản. Theo thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước hiện có 30.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón với 6.000 loại phân bón khác nhau. Do có quá nhiều loại phân bón lẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc quản lý chất lượng rất khó khăn.

Theo Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón, mặt hàng phân vô cơ do Bộ Công thương quản lý, còn Bộ NN-PTNT chỉ quản lý sản phẩm phân hữu cơ và một số loại phân bón khác. Do đó, đã nảy sinh một số vấn đề liên quan đến việc quản lý chất lượng sản phẩm và công bố hợp quy của sản phẩm. Trên thực tế, một số doanh nghiệp có sản phẩm bản chất là phân hữu cơ, nhưng thành phần danh mục lại không có chất hữu cơ. Khi doanh nghiệp đưa đi để xét công nhận sản phẩm hợp quy thì phía Sở Công thương và Sở NN-PTNT địa phương lại không xử lý vì không thuộc trách nhiệm của họ. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), từ trước đến nay, giữa Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT chưa có sự phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc quản lý kinh doanh mặt hàng phân bón nên dễ chồng chéo và tạo ra khoảng trống trong việc quản lý mặt hàng này.

Do phân bón là hàng hóa nên việc sản xuất, kinh doanh vừa phải chịu sự điều chỉnh của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa vừa phải chịu sự điều chỉnh của Luật Hóa chất, quy định về các tiêu chuẩn quy chuẩn đối với sản phẩm đặc thù. Tuy nhiên hiện nay sự chồng chéo trong quản lý khiến doanh nghiệp bối rối, dẫn đến tình trạng các mặt hàng phân bón được chứng nhận hợp quy khá ít. Trong số hơn 2.000 mặt hàng phân bón được Sở NN-PTNT các tỉnh, thành báo cáo thì mới chỉ có hơn 230 sản phẩm được công bố hợp quy. Chính sự chồng chéo trong cơ chế quản lý thị trường phân bón hiện nay cùng với những hạn chế của quản lý thị trường như lực lượng “mỏng”, mức phạt hành chính thấp... là nguyên nhân hoạt động kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng phát triển. Ở các vùng nông thôn, hiện nay là “mùa làm ăn” của các nhãn hàng phân bón lớn, nhỏ với đội ngũ tiếp thị đến gõ cửa từng nhà, giới thiệu nhiều chủng loại phân bón mới mà ngay cả dân chuyên nghiệp cũng khó phân biệt thật, giả. Do lợi nhuận béo bở, gần đây hiện tượng bán hàng đa cấp đã xuất hiện tại nhiều vùng miền với những hứa hẹn hấp dẫn như chỉ cần mua phân bón và rủ người cùng mua thì nhanh chóng có nhà lầu, xe hơi, trúng tiền tỷ…

Theo các nhà chuyên môn, thực tế, sản xuất phân bón giả hiện nay rất dễ, không cần tới công nghệ, máy móc hiện đại mà chỉ cần cuốc, xẻng, máy trộn bê tông là có thể làm được hàng giả. Hơn nữa, do công tác quản lý không chặt nên số lượng doanh nghiệp sản xuất phân bón thành lập rất dễ, giải thể còn dễ hơn. Số doanh nghiệp sản xuất phân bón nhiều tới mức cơ quan chức năng cũng không thể thống kê hết mà chỉ ước đoán. Nhiều công ty sau một thời gian sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường không đảm bảo chất lượng, không uy tín thì lập tức giải thể và thành lập công ty mới để cung ứng sản phẩm khác. Bà con nông dân cứ thấy giá rẻ, quảng cáo rầm rộ thì tin tưởng và mua phải những sản phẩm kém chất lượng.

Với sản xuất nông nghiệp, câu nói nằm lòng là “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Việc dùng phân bón tốt, đúng cách có thể nâng cao năng suất cây trồng thêm 30% - 40%. Tuy nhiên, nếu không may dùng phải phân bón giả, kém chất lượng, năng suất cây trồng bị ảnh hưởng xấu, thậm chí bị chết, đất đai bị ảnh hưởng. Thực trạng phân bón giả, kém chất lượng hiện nay không chỉ khiến nông dân thiệt hại, doanh nghiệp không cạnh tranh được mà còn làm giảm chất lượng sản phẩm nông sản, đặc biệt, phân bón giả còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất, nước… Hậu quả cuối cùng người nông dân phải gánh chịu. Do vậy, để sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững, theo các chuyên gia, cần quy hoạch, kiện toàn lại hệ thống kinh doanh phân bón cả nước để trả lại thị trường lành mạnh cho phân bón Việt Nam; cần có chế tài xử lý ngay, không cấp giấy phép nữa cho những cơ sở thành lập mới không đạt tiêu chuẩn; xây dựng “hàng rào” kỹ thuật cho sản xuất mặt hàng này như nhân lực, máy móc, phòng thí nghiệm… Có như vậy, bà con nông dân mới yên tâm sản xuất!

HÀM LUÔNG

Tin cùng chuyên mục