Theo Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn Trung ương, hồi 22 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão Haiyan (bão số 14) ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định khoảng 150km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Tâm bão hướng vào các tỉnh phía Đông Bắc của Bắc bộ
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30km, đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc của Bắc bộ và yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 11-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,9 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực vùng núi Đông Bắc.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 11-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 23,8 độ vĩ Bắc; 108,1 độ kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km/giờ).
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 8 - 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc bộ từ Ninh Bình đến Quảng Ninh có gió mạnh cấp 7 - 8, vùng gần tâm bão cấp 9 - 11, giật cấp 12 - 13.
Ở khu vực Bắc Trung bộ và các tỉnh phía Đông Bắc bộ có mưa vừa mưa to, riêng vùng đồng bằng ven biển và khu vực Đông Bắc Bắc bộ có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển các đảo từ Ninh Bình – Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3,5 - 4,5m. Sóng biển cao từ 2 - 4m, vùng gần tâm bão có thể cao tới 6m.
Để ứng phó với cơn bão nguy hiểm, hầu hết các tỉnh miền Bắc và miền Trung đều dồn lực, tập trung cho công tác tuyên truyền và chỉ đạo phòng tránh bão.
Chiều 10-11, Sở GD-ĐT Hà Nội và một số tỉnh khu vực phía Bắc đã ra công văn cho học sinh nghỉ học ngày 11-11.
Miền Trung: Thoát “siêu bão”, đối mặt với lũ lớn
Các tỉnh, thành miền Trung đã thoát khỏi sự nguy hiểm, tàn phá của siêu bão Haiyan. Người dân sau 1 đêm thức trắng chạy bão, đến trưa ngày 10-11 đã trở về nhà tiếp tục cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, hiện lũ trên các sông đang lên nhanh, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của hàng ngàn hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ bị sạt lở.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều tối ngày 9 đến chiều ngày 10-11, trên địa bàn miền Trung đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vì vậy, lũ trên các sông ở miền Trung từ Quảng Nam đến Quảng Bình đang dâng cao. Đến chiều tối 10-11, lũ trên các sông ở mức báo động 2, báo động 3; các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Bình có nơi vượt báo động 3. Lũ dâng cao khiến hàng ngàn hộ dân vùng trũng thấp bị ngập chìm trong nước.
Tại cuộc họp của Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống bão Haiyan được tổ chức tại Đà Nẵng trong sáng 10-11, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp cùng các địa phương giám sát chặt chẽ các hồ thủy điện trong quá trình xả lũ. Nghiêm cấm tình trạng xả lũ trong lúc lũ đang dâng cao tại những vùng hạ du. Bên cạnh đó, phải theo dõi chặt chẽ tình hình sạt lở ở khu vực miền núi, tiến hành giải phóng ngay những đoạn đường bị ách tắc, tránh xảy ra tình trạng cô lập.
Mặc dù bão không đổ bộ vào đất liền, nhưng tại một số nơi ở miền Trung đã xảy ra mất điện do sự cố đường dây.
| |
NHÓM PV
Khó dự báo bão
Trong khi các tỉnh miền Trung bãi bỏ lệnh sơ tán dân tránh bão Haiyan thì các tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ lại phải đột ngột sơ tán hàng trăm ngàn hộ dân vì bão đã không đi như dự báo của cơ quan khí tượng. Chiều 10-11, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng-thủy văn Trung ương, ông Bùi Minh Tăng, đã “trần tình” về việc liên tục phải thay đổi lại sơ đồ hướng đi của bão Haiyan cũng như công tác dự báo.
- Phóng viên: Nguyên nhân nào khiến bão di chuyển ngược lên phía Bắc, thưa ông?
>> Ông BÙI MINH TĂNG: Dự báo bão rất khó khăn, những kiến thức của loài người về các hiện tượng kỳ bí của thiên nhiên chưa thể biết hết được. Loài người biết được khoảng 20-30%, bản thân tôi chỉ biết được 1/3 kiến thức đó là cùng. Tất cả các đài dự báo đều tập trung ban đầu ở Trung Trung bộ rồi dịch dần ra Bắc Trung bộ rồi ra Bắc bộ, có thời điểm khác biệt nhau nhưng nhìn chung không khác biệt nhau quá nhiều. Đài Khí tượng Mỹ ngày 8-11 cho rằng bão vào Quảng Bình, sáng 9-11 cho xuống Quảng Ngãi, trưa cho lên Huế, chiều tối kéo ra Bắc Trung bộ rồi Bắc bộ.
- Diễn biến bất thường của bão Haiyan (bão số 14) có phải do biến đổi khí hậu?
Để đi tìm nguyên nhân bão số 14 tiến thẳng ra Bắc thì rất khó, không thể đổ hết cho biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thiên nhiên thường biến đổi muôn hình vạn trạng, khó nắm bắt. Theo quy luật thì về cuối năm, bão thường đổ bộ vào phía Nam, song không hẳn tất cả đều như vậy. Như cơn bão Sơn Tinh đổ bộ vào phía Bắc tháng 10-2012, và năm nay là bão Haiyan.
- Như vậy các tỉnh miền Trung đã an toàn?
Do bão di chuyển lên vĩ độ cao, ra phía Bắc nên các tỉnh từ phía Nam trở ra đến Quảng Bình cơ bản đã an toàn. Các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thanh Hóa, vùng ven biển có gió giật cấp 6 - 7 cũng không đáng lo ngại.
PHÚC VĂN (thực hiện)
- Các tỉnh Trung Trung bộ thoát khỏi vùng nguy hiểm