Hàng năm, sau mùng 10 Tết các trường ĐH, CĐ, TH CN học trở lại. Năm nay ngày nghỉ trùng vào ngày thứ bảy, chủ nhật nên các trường được nghỉ bù, ngày 11 Âm lịch mới bắt đầu.
Tuy được nghỉ thêm một ngày nhưng nhìn chung các giảng đường đều vắng hoe. Hiện tượng sinh viên (SV) cho phép mình nghỉ thêm cả chục ngày khá phổ biến.
Dạo quanh các phòng học của Trường Đại học Khọc học Xã hội – Nhân văn (cơ sở II, TPHCM), chúng tôi thấy lớp báo chí (khóa 2005 - 2009) chỉ khoảng 20/90 SV trong một căn phòng D.504 rộng lớn. Tại một số phòng học khác, các giảng viên đang… “đợi” SV vì trong phòng chỉ có vài người. Lúc 14 giờ ngày 19-2, giờ tin học tại phòng B.205, cả khoa Đông phương có 250 SV nhưng số có mặt chưa được phân nửa. Đấy là lúc thầy chưa điểm danh, khi thầy điểm danh xong, một số SV lẻn ra về theo đường “thoát hiểm”, để lại nhiều hàng ghế trống.
Đến các Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, CĐ Kinh tế đối ngoại, Trung cấp dạy nghề Nhân đạo,... vào cuối tháng 2, khung cảnh cũng không khác gì. Môn Thống kê byes của khoa Toán Trường ĐH Khoa học Tự nhiên bắt đầu lúc 14 giờ 10 phút tại giảng đường 1, mặc dù thầy đã đến nhưng chỉ khoảng 1/4 SV có mặt. 5 - 10 phút sau mới có thêm vài SV đến. Ngồi cạnh tôi, một nam SV viên nói nhỏ: “Tết như vậy là đông lắm rồi đó, có môn chỉ có vài người đi học”. Buổi học đầu năm của lớp Xuất nhập khẩu khóa 2007 của Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, môn Kế toán văn phòng chỉ 1/3 SV đến học. Buổi chiều thì khá hơn nhưng chỉ có hơn một nửa SV đến học.
Giảng viên cũng có người ăn tết “muộn” khiến học viên không khỏi phiền lòng. Theo lịch học của Trường Trung cấp dạy nghề Nhân đạo, 13 giờ bắt đầu học tiết thứ 6 nhưng các học viên lớp Quản trị mạng phần cứng đợi mãi không thấy giáo viên đến. Hỏi ra mới biết giáo viên ở tận miền Trung, do mua vé tàu, xe không được nên giáo viên vào không kịp. Một học viên nói: “Nếu biết thế này thì ở nhà thêm vài ngày nữa có phải là sướng hơn không?”. Cực nhất là những SV trọ ở TP lên Thủ Đức học, mất cả tiếng đồng hồ mệt mỏi trên xe buýt, xuống đến nơi không có giáo viên, phải quay về.
Qua chuyện trò, nhiều SV cho rằng: “Sống xa quê, một năm mới có một hoặc hai lần về nên muốn ở lại với gia đình lâu hơn”. Một số bạn khác lại nói “sau tết việc đi lại rất khó khăn, giá cả đắt đỏ, xe nhồi nhét cả trăm người nên chưa muốn vào TP, hoặc có suy nghĩ “vào lúc này thầy cũng chẳng dạy đâu, hơn nữa các bạn đến chưa đủ…”.
Một phần SV chưa muốn đến lớp là vì còn không khí ngày tết. Mới từ quê lên, tiền còn nhiều, gặp lại bạn bè, ăn chơi thoải mái. Với quan niệm “tháng giêng là tháng ăn chơi” nên nhiều bạn cứ vô tư ngồi ở ngoài các quán xá, còn giảng đường thì cứ từ từ vàøo. Tối về phòng trọ, KTX họ còn tụm năm tụm bảy bày trò đỏ đen sát phạt lẫn nhau.
Đến hẹn lại lên, sau tết tình hình SV đến giảng đường thưa thớt. Nếu nhà trường không có biện pháp quản lý, khắc phục thì chất lượng đào tạo sẽ bị ảnh hưởng và người bị thiệt chính vẫn là SV.
QUY HIẾU